“Đạo đức xuống cấp” và triết lý của Bộ trưởng
Luẩn quẩn, loanh quanh không biết bắt đầu từ đâu, cũng là tâm trạng của Bộ trưởng VHTTDL “Nếu cứ tiếp tục thế này thì có nhiệm kỳ sau tôi vẫn bị chất vấn tiếp”.
Tại Quốc hội - không chỉ kinh tế, ngân sách, tham nhũng, an ninh, an toàn mới đủ sức làm “nóng” các vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn. Như một lẽ đương nhiên và rất đúng với thực trạng, các vấn đề văn hóa, xã hội hễ cứ gợi ra lại có quá nhiều suy nghĩ.
Rất nhiều những kỳ họp, mà ấn tượng để lại là những phát biểu thuộc lĩnh vực văn hóa, xã hội, có những câu nói để đời, những ví von đầy hình ảnh và cả những phần trả lời không biết nên buồn hay vui. Tìm trên mạng sẽ thấy.
Đại biểu Kiều Trinh (Nghệ An) chất vấn Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện về tình trạng đạo đức xuống cấp, cũng với câu hỏi, do đâu? ông Thiện trả lời “xuất phát từ kinh tế”, ông còn dẫn ra một quy luật Triết học “tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội”.
Tôi đánh giá cao phần trả lời của Bộ trưởng Thiện ở góc độ lý luận, ông đã chỉ ra nguồn gốc của thực trạng xuống cấp đạo đức, sâu xa nhất bị quyết định bởi kinh tế.
Có thể bạn quan tâm
Khi doanh nghiệp 'quên mất' đạo đức kinh doanh
06:38, 21/09/2018
Đạo đức học đường xuống cấp vì “đào tạo” được đặt cao hơn “giáo dục”
02:18, 12/06/2018
Ngân hàng cần siết chặt hơn quản trị “rủi ro đạo đức”
22:03, 17/04/2018
Đạo đức và việc học của doanh nhân
06:18, 06/04/2018
Nhưng đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) tiếp tục tranh luận “Tại sao thời gian trước, kinh tế đất nước chưa phát triển, đời sống còn nhiều khó khăn nhưng cuộc sống xã hội rất bình yên, con người hiền hoà, hạnh phúc?”.
Đạo đức xã hội là một siêu phạm trù, quá rộng lớn, mà nói như Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân “nói cả ngày cũng không hết” bà yêu cầu trả lời bằng văn bản. Tôi chia sẻ với Bộ trưởng Thiện cũng vì lý do đó.
Và nghĩ rằng, trong các thứ xây dựng được mô tả bằng thuật ngữ “công cuộc”, xây dựng đạo đức, nhân cách, phẩm chất con người là khó nhất, một lĩnh vực xây dựng không có bản vẽ thiết kế, không có đánh giá tiền khả thi, không chắc biết trước thành công hay thất bại, vì đó là lĩnh vực tinh thần thuộc về nội tại CON NGƯỜI.
Nếu tiếp tục tranh luận, e rằng không tìm được lối ra, nói “kinh tế quyết định đến đạo đức” hay chính xác hơn là “vật chất quyết định ý thức” luôn phải đặt trạng thái “suy đến tận cùng”. Bản thân việc suy đến tận cùng truy nguyên vấn đề là cảnh giới chỉ có các bậc thánh nhân chạm tới. Nó thuộc về công việc của các triết gia.
Nếu không xét một cách toàn diện, mà chia nhỏ làm đứt đoạn mối liên hệ phổ biến để tranh luận, như cắc cớ của đại biểu Tuấn “tại sao kinh tế phát triển mà đạo đức xuống cấp” thì không thể nào tìm được câu trả lời tốt nhất.
Không phải cứ kiếm được nhiều tiền, xây nhà lầu, mua siêu xe… thì mới gọi là có “vật chất” và tự nhiên đạo đức, nhân cách tốt hẳn lên, không phải cứ đổ thật nhiều tiền dựng lên tượng đài, quảng trường, nhà hát thì văn hóa lớn lên như ống đu đủ thổi bong bóng.
Đạo đức, văn hóa là lĩnh vực thuộc đời sống tinh thần không thể lượng hóa, trong khi đó kinh tế hoàn toàn có thể biểu diễn bằng con số, đó là mâu thuẫn đầu tiên. Vì vậy, tư duy theo kiểu kinh tế đạt được trăm tỷ, ngàn tỷ GDP thì văn hóa, đạo đức đến chừng nào là đánh tráo khái niệm. Kinh tế ở đây phải được hiểu là “vật chất” - dĩ nhiên không phải là bao nhiêu tiền, bao nhiêu nhà, bao nhiêu xe cộ mà “vật chất nói chung” nói như Triết học “tất thảy thứ gì mang lại cảm giác cho con người”.
Triết học duy vật cho rằng “vật chất quyết định ý thức” không phải như kiểu tranh luận “có kinh tế như sao chưa thấy có văn hóa” - đó là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Dĩ nhiên, đời sống tinh thần sẽ phong phú hơn khi đời sống kinh tế được đảm bảo tốt, sự tiến bộ kéo theo này là một quá trình dài, có thể hàng chục, hàng trăm năm chứ không phải hôm nay tăng trưởng GDP tốt ngày mai ra đường thấy toàn cảnh mọi người nhìn nhau bằng con mắt thánh thiện.
Thực trạng đạo đức xã hội xuống cấp, nó là hệ quả của nhiều việc, thậm chí tàn dư của hội nhập phát triển cũng để lại hệ lụy đến văn hóa đạo đức. Xây dựng con người là một quá trình, nhiệm vụ của toàn xã hội, không thể là việc của riêng ai. Vì bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội.
Những tranh luận về đạo đức, văn hóa còn cho thấy danh hiệu “Gia đình văn hóa” hàng năm cao ngất ngưỡng, 90% phải chăng không có ý nghĩa gì? Luẩn quẩn, loanh quanh không biết bắt đầu từ đâu, cũng là tâm trạng của Bộ trưởng VHTTDL “Nếu cứ tiếp tục thế này thì có nhiệm kỳ sau tôi vẫn bị chất vấn tiếp”.