Tại chức và chính quy sẽ “chung mâm”?
Xã hội sẽ trật tự hơn nếu mọi thứ tồn tại trong đó được xác định đúng vai trò, chức năng và nhiệm vụ
Sự tồn tại của nhiều hệ đào tạo trong một nền giáo dục cho phép mọi đối tượng được tiếp cận với tri thức. Hẳn nhiên nó hoàn toàn hợp lý - nếu xét về góc độ nhân văn của giáo dục và công bằng xã hội.
Nói không quá, sự nở rộ của các loại hình đào tạo ngoài chính quy có lúc là cứu cánh cho nhiều cơ sở giáo dục, giảng viên có thêm việc làm, thu nhập, nhà trường có thêm khoản thu không hề nhỏ.
Nhưng cái gì cũng có giá của nó, giảng đường đại học - đã từng là ước mơ của nhiều người, đó là kết quả nhiều năm miệt mài đèn sách, có người vì áp lực phải đỗ đại học mà hóa rồ dại, quên sinh.
Cứ đến mỗi mùa thi không khí ôn luyện trở nên nóng bỏng ở những thành phố lớn, hàng ngàn hàng vạn học trò khăn gói mang theo số tiền tích góp khổ cực của phụ huynh chỉ để thực hiện giấc mơ đổi đời.
Bên cạnh những ngành đào tạo chính quy, nhiều cơ sở mở ra thêm hệ đào tại tại chức, có nhiều mục đích, để đáp ứng nguyện vọng của những người yêu thích ngành nào đó nhưng không đủ điều kiện thi tuyển đầu vào.
Có thể bạn quan tâm
Giáo dục đại học được tự xác định mô hình phát triển
17:15, 19/11/2018
Giáo dục Đại học tư thục theo mô hình doanh nghiệp
10:51, 06/11/2018
Đổi mới giáo dục đại học: Cần chú trọng ngoại ngữ!
13:41, 12/06/2018
Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học
06:48, 30/05/2018
“Điều kiện” thi tuyển đầu vào ở đây được hiểu - thứ nhất là trình độ không đủ chọi với các thí sinh xuất phát từ các trường phổ thông; thứ hai là hạn chế về tuổi tác - sau một thời gian công tác hoặc bị gián đoạn bởi hoàn cảnh lịch sử nên yêu cầu phải “nâng cao trình độ” bổ sung bằng cấp.
Điều này lý giải vì sao lớp tại chức đa phần người lớn tuổi, đã đi làm, thậm chí một số người có chức vụ, thời gian học có thể “tranh thủ” dịp sinh viên chính quy nghỉ hè hoặc cuối tuần.
Thật sự mà nói - không phải tất cả - nhưng hệ tại chức luôn có độ chênh lệch về lực học, sự khao khát so với sinh viên chính quy chỉ mỗi việc học và học.
Giới học thuật thường có câu nói truyền miệng với người học ngoài hệ chính quy (…) không tiện nhắc ra đây nhưng không phải không có phần đúng.
Dĩ nhiên, kỹ năng và hiệu quả công việc không hoàn toàn được đào tạo bởi nhà trường, song quãng đường dài, qua nhiều thử thách sẽ cho thấy người được đào tạo bài bản hơn luôn có tầm nhìn chiến lược, cách xử lý công việc hoàn toàn khác những người “chắp vá”.
Những năm gần đây, do tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên mới ra trường ngày một tăng, con đường vào đại học chính quy dễ hơn và sau nhiều năm đào tạo “vét” bổ sung bằng cấp nên hệ tại chức cạn nguồn. Có thể nói hệ tại chức đã hoàn thành sứ mệnh của mình.
Xét về mặt học thuật và tấm bằng minh chứng cho quá trình học tập, việc không phân biệt giữa chính quy và tại chức là không đúng với nguyên tắc giáo dục.
Giữa các cơ sở giáo dục đại học còn có khoảng cách phân biệt về chất lượng, cùng là cử nhân kinh tế nhưng vì sao “cử nhân ngoại” tốt nghiệp các trường danh tiếng thường được xem trọng hơn.
Chính những tài năng học tập như quán quân Olympia, Huy chương Vàng Quốc tế, có thành tích cao vẫn chủ yếu chọn các trường ở nước ngoài?
Một nền giáo dục có đẳng cấp trước hết thể hiện ở danh giá của tấm bằng - với tư cách là kết quả phấn đấu nhiều năm; có sự rõ ràng về trình độ, thứ bậc để xã hội dễ dàng phân công lao động.
Dĩ nhiên, không nên phân biệt đối tượng học tập, cách tiếp cận tri thức của mọi đối tượng, mọi tầng lớp trong xã hội. Nhưng không thể cào bằng mọi hệ đào tạo. Vì cái giá phải trả để có kết quả là không giống nhau.
Xã hội sẽ trật tự hơn nếu mọi thứ tồn tại trong đó được xác định đúng vai trò, chức năng và nhiệm vụ