Trao đổi bên hành lang Quốc hội về dự án Luật giáo dục Đại học (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng để đổi mới giáo dục chúng ta cần khắc phục từ những điều căn cơ nhất, như ngoại ngữ, kỹ năng mềm,...
ĐB Lê Công Nhường (đoàn Bình Định): Cần khắc phục điểm yếu ngoại ngữ
Nếu góp ý về Luật giáo dục Đại học (sửa đổi), theo quan điểm của tôi chúng ta cần quan tâm vấn đề học thuật làm sao phù hợp với chương trình quốc tế.
Tại buổi hội thảo khoa học phát triển mới được tổ chức tại Nam Định, một số giáo sư đã nói về nền giáo dục của chúng ta. Đó là, để Việt Nam phát triển thì cần có sự cải cách về ngành giáo dục, đặc biệt các giáo sư đặt nặng vấn đề làm sao cho sinh viên Việt Nam hội nhập được với môi trường đào tạo quốc tế.
Như chúng ta biết, khi học phổ thông rất nhiều sinh việt Việt Nam có điểm số ngoại ngữ khá cao, nhưng khi vào đại học, các kỹ năng của sinh viên Việt Nam, ngoại ngữ của sinh viên Việt Nam phần nhiều không đủ giao tiếp. Điều này gây khó khăn cho sinh viên Việt Nam trong xu hướng hội nhập toàn cầu như hiện nay.
Do đó, các giáo sư đã nhấn mạnh, phải cải cách giáo dục đại học, trong đó cần đẩy mạnh môi trường học thuật mà ở đó yêu cầu trên 80% tài liệu là tiếng Anh.
Bên cạnh ngoại ngữ kém, việc độc lập trong suy nghĩ sáng tạo của sinh viên Việt Nam cũng còn rất yếu. Phần lớn học sinh THPT vẫn đang học theo phương pháp thầy dạy và trò ghi chép, không có tranh luận phản biện nên đã tạo thói quen “thụ động”.
Theo quan điểm của đại biểu Nhường, để cải cách giáo dục đại học hiệu quả, trước hết chúng ta nên cải tạo, khắc phục điểm yếu ngoại ngữ đối với sinh viên, đồng thời cần tăng tính phản biện, tính tìm tòi và chủ động từ phía các em.
Thảo luận về dự án Luật giáo dục Đại học (sửa đổi) lần này là cơ hội để ngành giáo dục Việt Nam nhìn nhận, đánh giá lại những ưu nhược điểm của ngành giáo dục và đề ra đường hướng mà như một số đại biểu đã nói, đó là giáo dục Việt Nam cần có tôn chỉ, mục tiêu cụ thể và dễ nhớ hơn, lấy đó làm kim chỉ nam để đào tạo con người. "Để ngành giáo dục Việt Nam hội nhập được trong thời đại công nghiệp 4.0 như hiện nay, ngoài tiếng Việt, chúng ta cần thông thạo một ngoại nữ khác. Không chỉ vậy, chúng ta cũng cần đào tạo tính tự lập cho các em ngay từ khi còn nhỏ, cùng với đó là các kỹ năng sống như bơi, thuyết trình, đàm phán…". - đại biểu Nhường nói.
ĐB Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị): Hãy khắc phục những điều căn cơ nhất
Tại dự án Luật giáo dục Đại học (sửa đổi) lần này, điều cốt lõi đại biểu Thắng tâm đắc nhất đó là vấn đề triết lý giáo dục. Nền giáo dục của chúng ta đã đi qua nhiều năm, cũng đã thể hiện qua rất nhiều văn bản trong đường lối lãnh đạo của Đảng, trong chủ trương đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục, nhưng triết lý giáo dục của chúng ta đang hướng tới là điều gì thì chưa được thể hiện trong dự luật lần này.
Vì chưa có triết lý giáo dục một cách rõ ràng nên việc triển khai các nội dung bằng luật vẫn còn nhiều điều chưa thể hiện được. Ví dụ, đối với vấn đề sách giáo khoa, vấn đề liên thông các cấp học, học phí thay bằng vay tín dụng, hoặc tuổi đến trường của các cháu,… đều chưa bám sát với đòi hỏi thực tiễn hoặc chưa sát với yêu cầu căn cơ nhất. Do đó, theo đại biểu Thắng, dự luật lần này cần phải nghiên cứu và tiếp cận với những vấn đề mới hơn, và thực sự phải có những đột phá nếu không chúng ta không giải quyết được những căn cơ về vấn đề giáo dục đổi mới.
Bên cạnh đó, điều mà ai cũng có thể cảm nhận được tại các nhà trường hiện nay đó là tình trạng các em học để thi và lấy điểm. Đại biểu Thắng cho rằng, cách làm này chưa hẳn là đầy đủ mà cần có cách tiếp cận mới, đó là học để hiểu biết và học để làm việc – điều này lại chưa được chúng ta đánh giá đúng mức.
"Chúng ta vẫn thường hay nói bệnh thành tích trong giáo dục, tức là vẫn coi trọng vấn đề thi cử, coi nặng kiến thức dạng thầy hỏi trò trả lời và phải đúng với tinh thần người thầy đã truyền đạt. Điều chúng ta cần đó là tạo ra một không gian mở, tạo cảm hứng cho người học và tiến tới giúp người học hoàn thiện các kỹ năng sống hoặc những kiến thức thiết thực nhất giúp người học sau khi ra trường có thể làm việc được,… thì trong điều luật này chưa thấy thể hiện". - đại biểu Thắng nói.
Có thể bạn quan tâm
16:08, 11/06/2018
09:26, 06/06/2018
11:52, 29/05/2018
14:00, 05/06/2018
Trước đó, ngày 6/6, tại Kỳ họp thứ 5 này khi nói về công cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng việc sửa luật cần khắc phục 3 điểm yếu cố hữu từ trước tới nay của giáo dục nước nhà gồm: Chương trình học nặng nhồi nhét không khuyến khích sáng tạo học sinh và giáo viên; hệ thống đào tạo không liên thông, không tạo điều ki ện học suốt đời dẫn tới hệ lụy chạy theo bằng cấp; nặng chỉ đạo hành chính không khuyến khích tự chủ, thiếu sự tham gia của các thành phần cơ bản như giáo viên, học sinh và cộng đồng… “Lần này nếu sửa được luật theo xu hướng trên, coi như công cuộc đổi mới giáo dục của chúng ta sẽ hoàn thành được một nửa”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định. |