Quy hoạch “nhắm mắt” đặt mạng người trên sợi tóc!
Mùa mưa bão lại đến, "sức khỏe" nhiều công trình, dự án không thể tránh khỏi "bản kiểm điểm" của tự nhiên. Nhưng sau mỗi đợt sát hạch khách quan có lẽ... mọi thứ cũng rơi vào quên lãng?
Quy hoạch sai - cần nói thẳng như vậy vì…nó chẳng đúng, lược bỏ hết những thuật ngữ chuyên môn của ngành quy hoạch xây dựng thì mục đích của nó (quy hoạch) không nằm ngoài mục đích mang lại sự tiện lợi cho người dân và làm đẹp bộ mặt đô thị, hoàn thiện kết cấu hạ tầng.
Nhưng không phải khi nào mục đích sau cùng này cũng được đặt lên trên hết. Lên mạng, gõ tìm “Quy hoạch bất hợp lý” sẽ thấy rất nhiều kết quả. Lý do có phải kém về trình độ hay “nén bạc đâm toạc tờ giấy”?
Ở Khánh Hòa, khu đô thị - biệt thực mọc lên trên đỉnh đồi, dưới chân đồi là 300 căn nhà, dự án còn “đính kèm” điều khoản khai thác khoáng sản trên khối lượng 0,33 triệu m3 đất đá để san lấp mặt bằng.
Hệ quả đầu tiên, một vụ sạt lở đất cho đỉnh đồi bị cày xới, đe dọa tính mạng nhiều người dân. Vẫn là những nghi vấn về tiền khảo sát dự án, hàng trăm con người không quan trọng bằng những căn biệt thự hạng sang dành cho giới nhà giàu?
Đại diện bên thực hiện dự án này giải thích chóng vánh “điểm sạt lở, làm vùi lấp các hộ dân nằm ngoài vùng dự án của chúng tôi”. Đó chẳng khác nào thái độ phủi bỏ trách nhiệm, và khi những người có tiền chủ động quên đi tính chất tác động của bạt núi phá đồi.
Có thể bạn quan tâm
Quy hoạch treo tại TP HCM: 26 năm - dự án bán đảo Thanh Đa bây giờ ra sao?
01:30, 06/06/2018
Nỗi sợ “quy hoạch treo”
06:15, 26/05/2018
Để bệnh “quy hoạch treo” không tái phát
06:00, 19/09/2017
Mập mờ quy hoạch treo ở Quận 12 TP HCM
17:01, 13/07/2016
Hồ bơi trên núi - một công trình rất hấp dẫn để hưởng thụ, nhưng nó là “quả bom nước” trên đầu người dân, có thể nổ tung bất cứ khi nào. Rất không may điều đó đã xảy ra ở Nha Trang (Khánh Hòa).
Cách đây vài ngày hồ bơi trên núi Cô Tiên bung bờ sau trận mưa lớn, vùi dập 9 căn nhà và xóa sổ một gia đình 4 nạn nhân. Rồi tất cả lại đỗ lỗi do ông trời, mà người ta lại lờ đi lý do quy hoạch xây dựng bất hợp lý. Không thể biện minh lý do gì để thuyết phục khi mà người ta cố tình đặt sinh mạng người dân dưới sự rủi may của lợi ích.
Một trại heo khổng lồ rộng 130 ngàn mét vuông được xây dựng trên thượng nguồn sông Đồng Nai. Nếu biết rằng con sông này có ý nghĩa đặc biệt với hàng triệu dân ở hạ nguồn mới vã mồ hôi hột!
Vì lý do gì mà nhà chức trách không tính tới khả năng ô nhiễm toàn dòng, khả năng lây lan dịch bệnh trôi theo dòng nước gieo rắc cái chết xuống nhiều tỉnh thành phía dưới. Lại phải suy nghĩ đến sức mạnh của “lợi ích nhóm” khi trại heo mọc lên không phép.
Nếu và lại là chữ nếu, nếu báo chí không lên tiếng, dư luận không hề hay biết thì năm năm, mười năm sau rất có thể hệ thống sông Đồng Nai không thể cung cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu, rất khó cứu chữa vì nguồn ô nhiễm xuất phát ngay chính nơi hình thành dòng chảy.
Rất khó để thống kê hết có bao nhiêu dự án, công trình bất hợp lý ngang nhiên dựng lên khắp nơi. Người ta chỉ thấy hệ quả nhãn tiền, còn tai họa tiềm ẩn chắc chắn chưa đong đếm hết.
Cái bất hợp lý còn tồn tại ngay cả trong cái được cho là…hợp lý! Đó là những công trình những tưởng thiết thực nhưng lại bỏ hoang, ném tiền qua cửa sổ. Tuy không gây ra cái chết tức thời, nhưng ăn mòn ăn dần vào sức lực, rút ngắn sự chịu đựng của người dân.
Sự hoang phí ngớ ngẩn đã tạo ra những địa điểm hoang vu rùng rợn gây sự chú ý của báo chí nước ngoài, đó là Công viên nước Thủy Tiên ở Huế, bệnh viện đa khoa ở Đắc Nông, vùng biệt thự hoang ở Vũng Tàu… và vô vàn diện tích đất nông nghiệp bị quy hoạch rồi “treo” năm này sang năm khác, trong khi nông dân “vét nồi” vì…thiếu đất!
Luật Quy hoạch năm 2017 nêu khái niệm “Quy hoạch là việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ xác định để sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cho thời kỳ xác định”.
Nhưng quy hoạch bất hợp lý làm phương hại quốc kế dân sinh vẫn cứ tồn tại chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Không ai biết vì lý do gì. Vì yếu kém hay một lý do nào đó ngoài chuyên môn?