Bóng đá và nỗi lo... “hết xôi rồi việc”
Không gì cản được một Việt Nam hùng cường nếu tinh thần làm kinh tế, tinh thần đoàn kết và trách nhiệm xã hội… may mắn một lần được thăng hoa như trong bóng đá!
Bóng đá đang làm đảo lộn mọi thứ - đương nhiên nếu “gạn đục khơi trong” không quá khắt khe thì đều là những tác động tích cực. Này nhé! Bóng đá biến nỗi lo cơm áo gạo tiền dịp cuối năm thành niềm tin vào ngày mai, bóng đá tập cho cả dân tộc đức tính nhẫn nại…
Cố nhiên, bóng đá - khiến con người mang dòng máu Việt trở nên đoàn kết, gần gũi nhau hơn, ít nhất là cùng nhau cất lên khẩu hiệu “Việt Nam vô địch” trong những phút giây mà khoảng cách giàu nghèo, cao thấp… được khỏa lấp.
Có người tưởng tượng ra viễn cảnh nếu một ngày nào đó bóng đá Việt Nam được tham dự World Cup - khung cảnh sẽ thế nào trên những con phố, trên sân cỏ,ở nông thôn, miền núi?
Ngoài lá quốc kỳ, dòng người, khẩu hiệu, thứ âm thanh vang vọng như lời hiệu triệu… liệu còn thứ gì đó đặc biệt hơn, đại loại như một bước tiến xa hơn của đất nước như một kết quả tốt đẹp được mang lại từ bóng đá?
Nếu nói về bước tiến của dân tộc song hành với bóng đá, hãy nhìn sang quê hương của ông Park Hang - Seo. Cách đây 16 năm, kể từ khi Hàn Quốc đồng đăng cai World Cup 2002 và trở thành 4 đội mạnh nhất thế giới, người Hàn và đất nước này đã không phung phí khi bỏ ra hàng tỷ USD.
Có thể bạn quan tâm
[Chung kết lượt đi] Malaysia vs Việt Nam: Cửa ải Bukit Jalil
10:15, 11/12/2018
Bóng đá và bài học của chiến thắng
11:00, 07/12/2018
Đầu tiên là thương hiệu bóng đá Hàn Quốc đã giúp các cầu thủ của họ lọt vào mắt xanh các tuyển trạch viên châu Âu, một loạt tên tuổi xứ kim chi nổi danh ở môi trường bóng đá thượng thặng.
Có thể kể ra như Son Heung - Min (Tottenham), Ki Sung - Yueng (Swansea) ở Anh; Koo Ja - cheon (Augsburg) ở Đức, Anhn Jung - Hwan (Perugia) ở Italy… Ở những câu lạc bộ lớn - các cầu thủ Hàn Quốc không chỉ chơi bóng mà còn làm “nhiệm vụ” đại sứ hình ảnh cho đất nước và con người Hàn Quốc, nó rất có giá trị vì các giải bóng đá châu Âu phát sóng khắp thế giới vào mỗi dịp cuối tuần.
Sức hút bóng đá Hàn Quốc đủ lớn để các nền bóng đá nhỏ hơn muốn học hỏi, đây là cơ hội để nước này “xuất khẩu” huấn luyện viên bóng đá đi làm thầy khắp châu Á. Đó là một hệ giá trị rất vững bền mà không phải nước nào cũng làm được.
Không phải ai cũng thành công, nhưng vẫn cho thấy bóng đá và “ngoại giao thể thao” có sức ảnh hưởng lớn hơn những gì chúng ta tưởng. Ông Park Hang - Seo không chỉ mang về thành tích khó tưởng cho bóng đá Việt Nam, mà còn khiến cho hai nước Việt - Hàn gắn bó với nhau hơn.
Từ ông Park hàng triệu người Việt Nam - trong những phút giây thăng hoa nhất bỗng dưng mang ơn Hàn Quốc, cũng dễ hiểu vì trong lịch sử bóng đá nước nhà chưa ai có thể biến môn túc cầu trở thành thứ không thể thiếu ở dải đất hình chữ S, ít nhất cho đến thời điểm này.
Ông Park và các học trò có thể làm… kẹt cứng mọi con đường dù lớn nhất, đắt nhất, dài nhất; có thể biến sự quan tâm của hàng chục triệu người vào một mục đích duy nhất; có thể thổi sức sống vào cụ già 80 tuổi, vùng khỏi chăn cầm lá cờ xuống phố dưới cái rét cắt da thịt…
Hơn thế nữa họ còn đưa AFF cup lần đầu tiên lên sóng trực tiếp đài truyền hình hàng đầu Hàn Quốc SBS, trận chung kết lượt đi, cả đất nước Hàn Quốc dõi theo ông Park và các cầu thủ Việt Nam, xác lập kỷ lục về lượt xem của đài trong 10 năm gần đây!
Mối bang giao Việt- Hàn đang hưởng lợi từ bóng đá, quốc kỳ 2 nước bay song song nhau trong những trận đấu đã cho thấy điều đó. Và không hẳn nhiên Hàn Quốc cấp visa 5 năm cho 5 thành phố lớn của Việt Nam. Cơ hội là bao nhiêu? Chắn chắn không thể đo đếm hết!
Chúng ta vui mừng dường như tột cùng với ngôi á quân U23 châu Á, bán kết Asiad và rất có thể là chiếc Cup vô địch AFF năm nay. Nhưng thật sự mà nói, đó chưa phải là những gì quá lớn lao trong thế giới bóng đá. Thật “sởn gai ốc” nếu Việt Nam trở thành một “Hàn Quốc thứ hai” trong bóng đá!
Năm 2018 cả nước cuồng si vì bóng đá, không gì ngoài tinh thần và niềm tự hào dân tộc - không có những thứ đó chúng ta sẽ không biết nhói đau, không biết tiếc nuối và không có hy vọng… xung quanh trái bóng tròn.
Người Hàn đã thành công rực rỡ khi lấy bóng đá phục vụ phát triển đất nước. Người Việt cũng đang trên đỉnh của bóng đá, nhưng chúng ta có làm được điều tương tự như ở quê hương của ông Park?
Khó có cái gì cản được một Việt Nam hùng cường nếu tinh thần làm kinh tế, tinh thần đoàn kết, tinh thần vì xã hội… may mắn một lần được thăng hoa như trong bóng đá những ngày vừa qua.
Nhưng sợ rằng, khi hồi còi kết thúc trận đấu cuối cùng vang lên, kể cả khi một chức vô địch ở lại, dăm ba bữa niềm vui hân hoan lịm tắt và một bộ phận người Việt lại trở về với chính mình: ích kỷ, cá nhân, rời rạc và vô cảm…
Không ai vui mãi muôn đời với niềm vui hôm nay, cũng chẳng ai buồn mãi với nỗi buồn đã qua. Nhưng có một thứ là mãi mãi đó là tinh thần dân tộc của người Việt, “kiên cường” , “bất khuất”, “nồng nàn”… tưởng chừng chỉ có trong sách giáo khoa hay dưới hòn tên mũi đạn!?
Thật may mắn, bóng đá mang đến cho chúng ta tất cả điều đó, và hy vọng rằng những thứ gì thiêng liêng nhất được gợi dậy từ bóng đá là điểm tựa tinh thần cho đất nước.
Chứ đừng nên - sau tất cả - xong việc… nhà ai nấy về, bỏ lại sự chỏng chơ, xơ xác, tiêu điều...!