Làm thế nào để loại bỏ được những phần tử cơ hội chính trị?

Vũ Đức Tâm 25/12/2018 11:30

Những phần tử cơ hội chính trị không phải ở đâu xa mà đang nằm ngay trong hệ thống quyền lực.

Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII khai mạc sáng 25/12 sẽ cho ý kiến về quy hoạch nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Đây là sự kiện quan trọng của Đảng để tìm ra những người đủ phẩm chất, năng lực và uy tín lãnh đạo đất nước trong giai đoạn 2021-2026.

Khai mạc sáng nay (25/12), Hội nghị T.Ư 9, khóa XII sẽ thực hiện công việc quan trọng theo quy định của Đảng là lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Khai mạc sáng nay (25/12), Hội nghị T.Ư 9, khóa XII sẽ thực hiện công việc quan trọng theo quy định của Đảng là lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ảnh: TP

Trước đó, phát biểu kết luận tại phiên họp Ban Chỉ đạo xây dựng Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, mục tiêu cốt lõi của quy hoạch nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII là tìm được cán bộ cấp chiến lược cho những vị trí lãnh đạo chủ chốt, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Yêu cầu về tiêu chuẩn cán bộ phải có trình độ, hiểu biết tương đối toàn diện trên các lĩnh vực.

Đây là những người sẽ hoạch định đường lối chủ trương, lộ trình bước đi sắp tới của đất nước ta, nên phải nắm chắc tình hình trong nước, quốc tế. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Dứt khoát không đưa vào Quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, mất đoàn kết, gây rối nội bộ, tham nhũng, tiêu cực, cơ hội chính trị như “con lươn, con chạch” là sau này rất khó”.

Trăn trở và thái độ kiên quyết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đúng cả trong phạm vi cán bộ cấp chiến lược nói riêng lẫn cán bộ lãnh đạo các cấp nói chung. Vậy làm thế nào loại bỏ được họ - những phần tử cơ hội chính trị, ngay từ khâu quy hoạch? Đó thực sự là một nan đề.

Những người quan tâm đến hiện tình đất nước vô cùng tâm đắc với những luận giải và quyết tâm nêu trên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Bởi trong nhiệm kỳ hiện tại, hàng loạt cán bộ cao cấp của Đảng, có cả Ủy viên Bộ Chính trị, nhiều nguyên và đương nhiệm Ủy viên Trung ương bị bắt giam, xử lý kỷ luật vì tham nhũng.

Dư luận không khỏi băn khoăn, lâu nay từ cấp Trung ương xuống đến cơ sở, chúng ta vẫn tiến hành công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, cất nhắc bổ nhiệm rất đúng quy trình, bài bản. Mà vì sao, những thành phần cơ hội, tham nhũng vẫn lọt vào bộ máy lãnh đạo, quản lý không ít? Vì sao “con cháu các cụ” vẫn ùn ùn kéo vào chiếm giữ các vị trí lãnh đạo quan trọng trong các ngành, các cấp? Dẫn tới hệ lụy cả nhà làm quan, cả họ làm cán bộ. Thực tế đó làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Có thể bạn quan tâm

  • Cần nhiều hơn nữa cán bộ “thật lòng, thật tâm” với dân!

    Cần nhiều hơn nữa cán bộ “thật lòng, thật tâm” với dân!

    05:07, 18/11/2018

  • Khai giảng lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương

    Khai giảng lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương

    12:07, 12/12/2018

  • TP HCM: Nhiều cán bộ văn phòng quản lý đất đai có thái độ nhũng nhiễu, hành dân!

    TP HCM: Nhiều cán bộ văn phòng quản lý đất đai có thái độ nhũng nhiễu, hành dân!

    02:47, 06/12/2018

  • “Mập mờ” trong gói thầu hàng trăm tỷ tại Học viện Cán bộ TP.HCM

    “Mập mờ” trong gói thầu hàng trăm tỷ tại Học viện Cán bộ TP.HCM

    16:20, 20/11/2018

  • Trận địa khoáng tặc tại Gia Lai: Cán bộ bị kỷ luật, tài nguyên vẫn mất?

    Trận địa khoáng tặc tại Gia Lai: Cán bộ bị kỷ luật, tài nguyên vẫn mất?

    06:06, 19/12/2018

Phải chăng quy trình công tác cán bộ đang có vấn đề, chưa đáp ứng đòi hỏi tình hình, nhiệm vụ mới? Không thể phủ nhận, phản chiếu với nền kinh tế thị trường, các nhóm lợi ích đã hình thành và chi phối trong cả công tác cán bộ. Tệ ô dù, cài cắm, mua bán ghế nảy sinh ngay trong các khâu quy hoạch, đào tạo, bầu bán, bổ nhiệm mà lâu nay tưởng chừng khá nghiêm ngặt. Kẽ hở nào trong chuỗi quy trình đó cần được bịt lại? Phải chăng tính tập thể chưa được phát huy và còn thiếu tính cạnh tranh lành mạnh trong ứng cử, đề cử? Rồi trách nhiệm cá nhân của người giới thiệu chưa được đề cao đúng mức? Rất nhiều câu hỏi cần được trả lời.

Chỉ khi lý giải được những tồn tại và tìm ra những giải pháp có tính đột phá mới có thể loại bỏ được những thành phần cơ hội chính trị ngay từ khâu quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, cũng như các ngành các cấp. Bởi họ không phải ở đâu xa mà đang nằm ngay trong hệ thống quyền lực. Làm điều đó thiết nghĩ cũng chính để thực hiện đúng đắn chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Tiến hành công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược một cách bài bản, chặt chẽ, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, công tâm, đúng quy trình, quy định, bảo đảm cả về số lượng, cơ cấu và nâng cao chất lượng”.

Vũ Đức Tâm