Rác trên phố hay “rác” trong lòng dân?
Hà Nội chưa thể trở thành thành phố thông minh nếu như không trở nên văn minh trước. Rác thải là một trong những vấn đề.
Tiếp nhận khoảng 4.000 tấn rác mỗi ngày - bãi rác Nam Sơn (Hà Nội) có diện tích 83ha oằn mình gánh chịu suốt 20 năm trời. Con số tính toán sơ bộ sẽ xấp xỉ 30 triệu tấn dồn về đây.
Câu hỏi đầu tiên. Người dân nào đủ sức để chung sống với vô vàn mầm bệnh chất chứa trong một khối lượng chất thải khổng lồ? Chính quyền thật sự sốt sắng với an nguy của người dân?...
Cuối cùng, những gì đến cũng phải đến, người dân - họ không còn cách nào khác phải sử dụng đến quyền lực cuối cùng, đó là đồng loạt phản đối, họ chặn xe chở rác, khiến thành phố Hà Nội có nguy cơ xảy ra “khủng hoảng rác” khắp nhiều quận huyện.
Hà Nội đang đối mặt với “khủng hoảng rác”! Khi sự chịu đựng của người dân quanh bãi rác khổng lồ Nam Sơn đã vượt quá giới hạn. Bất chấp bệnh tật bủa vây, rác vẫn dồn về.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên người dân có hành động như nói ở trên, mà trước đó đã có những sự việc tương tự xảy ra.
Truyền thông nhiều lần cảnh báo môi trường sống quanh bãi rác Nam Sơn bị ảnh hưởng, người dân mắc các bệnh về đường hô hấp, ung thư, bệnh ngoài da... Sản xuất nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng do nguồn nước tưới ô nhiễm nặng nề.
Thật khó tin là giữa thủ đô lại xảy ra một sự cố mà tưởng chừng chỉ có ở vùng quê xa xôi, và nguyên nhân - không phải như thường lệ là bởi ý thức kém cỏi của người dân.
Mà nguyên nhân xuất phát từ cái nhìn của nhà chức trách với một vấn đề quá đỗi bình thường. Khoảng thời gian 20 năm hoạt động của một bãi rác lớn nhất Hà Nội và lượng rác hàng ngàn tấn mỗi ngày, kéo theo đó là không dưới 2 lần người dân kêu cứu nhưng tình hình vẫn…rất tình hình!
Người dân còn có thể phó mặc sức khỏe giống nòi của mình chính quyền nữa hay không? Hẳn là không thể, vì nếu - họ không liều mạng phản ứng mạnh thì chắc chắn những người có chức trách vẫn nghĩ rằng, tình hình không có gì nghiêm trọng!
Rác ở đâu cũng có, nó là hệ quả hiển nhiên của hoạt động sống, nhưng không phải rác ở đâu cũng trở thành vấn đề xã hội “nóng” bỏng. Người dân vẫn chịu đựng nếu sự ô nhiễm bởi rác trong ngưỡng có thể chịu đựng.
“Đối thoại”, hiển nhiên là để trao đổi và lắng nghe nhau, nhưng ở Nam Sơn hiện tại, liệu đối thoại có thể giải quyết được gì, hay đó chỉ là cách phản ứng máy móc của chính quyền?
Đối thoại chỉ có tác dụng khi để giải quyết vấn đề bất chợt xuất hiện, khi người dân và chính quyền chưa thể hiểu nhau do diễn biến một vấn đề quá mới mẻ. Nhưng một bãi rác có lịch sử 20 năm, liệu chính quyền vẫn chưa hiểu rõ người dân muốn gì?
Chính quyền Sóc Sơn đã 3 lần đối thoại với dân nhưng không có kết quả, sự đền bù bằng tiền nào thỏa đáng nếu vẫn tiếp tục sống trong ô nhiễm? Hà Nội sẽ thế nào nếu mọi con phố, mọi ngã đường thành bãi rác bất đắc dĩ?
Có thể bạn quan tâm
13 triệu tấn rác thải nông thôn xử lý thế nào?
11:00, 08/01/2019
TP HCM tiên phong phân loại rác thải sinh hoạt
11:37, 30/11/2018
Sự việc ở Nam Sơn một lần nữa cho thấy rác và những vấn đề liên quan đến rác không giản đơn như người ta thường nghĩ.
Nếu cứ tiếp tục đối mặt với rác bằng sự cũ kỹ lạc hậu như cách đây vài chục năm - chôn lấp, giảm bớt cảm nhận trực quan, thì mối nguy từ đó sẽ tồn tại trong lòng đất, trong nguồn nước, đi vào dạ dày và rút ngắn con đường…ra nghĩa địa!
Rác - nếu không được xử lý tốt, chính nó sẽ quay trở lại và hiện hình thành những vấn đề nhức nhối trong lĩnh vực khác, bệnh tật, kiệt quệ nòi giống, gánh nặng lên an sinh xã hội.
Và trên tất cả là để lại “rác trong lòng dân” - đó là con mắt thiếu tin tưởng của người dân khi nhìn về trách nhiệm của chính quyền.
Hà Nội chưa thể trở thành thành phố thông minh nếu như không trở nên văn minh trước. Thước đo của văn minh không phải là cao ốc hay đường phố ken đặc xe cộ, mà đó là chất lượng sống của cư dân, tiêu chí quan trọng phải là một môi trường ít rác thải đến mức thấp nhất có thể.
Hãy xem 20 quốc gia được xếp hạng hạnh phúc nhất thế giới (The World Happiness Report), đa phần là những nền kinh tế vừa phải như Lucxemburg, Costa Rica, Áo, Na Uy, Phần Lan, Iceland…
Dựa trên những tiêu chí như: người dân được quan tâm, tự do quyết định cuộc sống, sự rộng lượng, chất lượng quản lý, sức khoẻ…