[CẢM XÚC NGÀY XUÂN] Tết: Nên ở hay về…?

Trương Khắc Trà 03/02/2019 07:00

Tết là khoảng thời gian không chỉ để nghỉ ngơi mà còn xốc xác lại tình cảm gia đình đang có nguy cơ nguội lạnh bởi những cơn bão kinh tế thị trường đượm mùi bon chen.

Đứa cháu lớp 2 của tôi tự nhiên hỏi: “Chú ơi, sao cứ tết là bà mẹ lại mời mọi người vào nhà ăn mứt, bánh mà những ngày khác không thấy có?”.

Tôi hơi bất ngờ và trả lời đại khái “ừ, thì vì đó là những người thân của ba mẹ cháu”. Nó lại cắc cớ: “Thế không có tết là không thân hả chú?”.

Thú thực, tôi có thể viết huyên thuyên dong dài trên mặt báo, nhưng đây là câu hỏi làm tôi thật sự bó tay!

Điều gì khiến một hệ giá trị dường như vĩnh cửu là “Tết” đang bị đặt câu hỏi: Để làm gì?

Tết có thể kém phần quan trọng, thế nhưng ai cũng thấy mình như “được sống lại” trong mâm cơm chiều cuối năm, con cháu sum vầy tíu tít quanh ông bà cha mẹ dưới nếp nhà xưa.

Bởi vì, đó là lúc CON NGƯỜI “thấm” thêm đạo lý “cây có cội, nước có nguồn” là dịp để mỗi người bồi đắp thêm cho mình những giá trị nhân văn cốt lõi của dân tộc, đó chính là đoàn kết, yêu thương, đùm bọc…

Khi hệ giá trị “Tây - Ta” trộn lẫn, trong những năm gần đây nhiều người chọn cho mình phong cách tết khác hẳn với truyền thống, đó là những tour du lịch hay phượt đến những vùng xa lạ…

Tết cổ truyền đang bị mai một

Tết cổ truyền đang bị mai một

Văn hóa Phương Tây nếu đặt lên bàn cân sẽ là một đối trọng “trái dấu” hoàn toàn với Phương Đông.

Nếu Tây trọng “động” thì ta trọng “tĩnh”, Tây du mục thì ta lúa nước, Tây trọng cá nhân thì ta trọng tập thể… có vô vàn điều có thể đem ra đây so sánh để thấy sự khác biệt đó.

Có thể bạn quan tâm

  • Đường về quê xa mấy nẻo…?

    Đường về quê xa mấy nẻo…?

    11:00, 31/01/2019

Người phương Đông trong bữa cơm thường có bát nước chấm chung, nồi cơm chung… điều này thể hiện tính cộng đồng, còn Phương Tây dùng nĩa, dĩa từng phần riêng biệt - trọng cá nhân.

Phương Đông nói chung và Việt Nam thì khác, do yêu cầu “trị thủy” của nền văn minh lúa nước trong nên mới nảy sinh cộng đồng làng, xã sống với nhau hàng ngàn đời trong đó gia đình là cái “rốn” có ảnh hưởng suốt đời đến mỗi cá nhân.

Ở Việt Nam, đa số mọi thành phần xã hội hầu hết có gốc gác sâu xa từ làng, “vỡ ra từ hòn đất” rồi tỏa đi các thành phố công nghiệp để làm ăn, tết là dịp để trở về sum họp với gia đình, hơn thế suốt một năm làm lụng mưu sinh vất vả.

Tết là khoảng thời gian không chỉ để nghỉ ngơi mà còn xốc lại tình cảm gia đình đang có nguy cơ nguội lạnh bởi những cơn bão kinh tế thị trường đượm mùi bon chen.

Cổ truyền chỉ còn là tên gọi?

"Cổ truyền" chỉ còn là tên gọi?

Những năm gần đây đạo lý gia đình Việt đang có những biểu hiện đáng lo ngại, “tôn ti trật tự” có nguy cơ bị “vỡ trận” trước mùi tanh của đồng tiền, hàng ngày báo chi đưa tin không biết cơ man nào là những vụ việc con giết cha, vợ giết chồng, anh giết em…

Ở cấp độ xã hội, đạo đức, đạo lý truyền thống “thương người như thể thương thân” hầu như lép vế. Tại sao con người ngày càng ác độc? Vì sao đời sống vật chất ngày càng đầy đủ nhưng lòng trắc ẩn vơi vai?

Có phải vì thiếu “hơi ấm” của giáo dục đạo đức, truyền thống ngay chính từ gia đình?

Một người con hiếu thảo với cha mẹ, đoàn kết với anh em ruột thịt chắc chắn là một công dân tốt và điều đó có thể hun đúc ngay từ gia đình.

Vậy tại sao không xem tết là lúc để giáo dục truyền thống nhân ái, cha mẹ báo hiếu ông bà, con trẻ được ươm lòng vị tha, bao dung…

Chính vì vậy người Việt có câu “mồng 1 tết cha, mồng 2 tết mẹ, mồng 3 tết thầy”, đó cũng chính là 3 người quan trọng nhất với mỗi chúng ta.

Đó là sự biết ơn, kính trọng đối với những người đã có công sinh thành, nuôi dưỡng và dạy dỗ mỗi chúng ta trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam.

Bạn có muốn bỏ mặc đấng sinh thành, dạy dỗ để cùng lũ bạn du xuân, tết cho riêng mình?

Tôi tin chắc rằng đến một lúc nào đó con người sẽ trở lại tìm kiếm mình trong các giá trị tinh thần chứ không phải vật chất.

Gia đình, xã hội, đất nước; kinh tế, văn hóa, xã hội,… ra sao là phụ thuộc vào suy nghĩ, hành động của mỗi cá nhân.

Cô hàng xóm nhà tôi mất mấy con gà béo mẫm để dành cho tết, đương nhiên đối tượng tình nghi là lũ trẻ nghịch ngợm trong xóm. Bà ức lắm, định bụng báo... công an làm cho ra nhẽ...

Thế mà sáng mùng 1 tết, bà đon đả lì xì cho bọn chúng mỗi đứa mỗi tờ tiền mới cóng, mà bỗng dưng quên béng chuyện mấy con gà!

Hai gia đình sống cạnh nhau nhiều đời nay, họ kèn cựa nhau từng tí một, từ chuyện đỗ đạt của mấy đứa con cho đến cọng cỏ tí tẹo bên bờ ranh.

Thế mà, ngày tết - không ai bảo ai, họ sang nhà nhau vui vẻ uống rượu ăn bánh, chúc nhau sức khỏe... như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

...

Tết thật hay thế đấy!

Kính mời quý độc giả gửi chia sẻ ý kiến của mình về vấn đề này qua hộp thư toasoan@dddn.com.vn. Bài viết phù hợp sẽ được đăng tải kèm theo chế độ nhuận bút nhanh, hấp dẫn.

Trương Khắc Trà