“Sức mạnh mềm” của nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới
Hàn Quốc là nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới, không chỉ được mang lại bởi những chaebol hùng mạnh. Thứ mạnh mẽ hơn nhiều và hậu thuẫn đằng sau đó là văn hóa.
Nếu hỏi những người thế hệ 7x, 8x ở Việt Nam: Bạn ấn tượng gì về đất nước Hàn Quốc? Chắc chắn không thể thiếu những bộ phim truyền hình sướt mướt đủ lấy nước mắt người xem.
Nhìn đất nước này thịnh vượng như hôm nay, nó có một phần đóng góp từ văn hóa - những bộ phim, bản nhạc, bộ trang phục, kiểu tóc… mà ngày nay được gọi là “sức mạnh mềm”.
Hàn Quốc dùng văn hóa đi trước để "dọn đường" cho kinh tế theo sau, đó là cách mà nhiều nước giàu có từng làm, nhưng đơn giản và hiệu quả, Hàn Quốc là số 1.
Xóm tôi, cách đây 20 năm, mấy mươi nóc nhà chỉ có một chiếc tivi đen trắng chạy ắc quy chì. Mọi người không quan tâm thứ gì ngoài những bộ phim như “Quyền được yêu”, “Trái tim mùa thu”, “Mối tình đầu”, “Anh em nhà bác sỹ”…
Những bộ trang phục đẹp đến nao lòng, kiểu tóc bờm sư tử, dàn diễn viên như thiên thần. Chỉ là câu chuyện tình yêu đơn thuần, xuyên suốt là ủy mị, buồn bã nhưng nó ăn sâu vào tâm trí vài thế hệ người Việt Nam, trụ lại bền bỉ một cách khó giải thích.
Những cảnh phim lãng mạn dưới ánh đèn đường, trên một chiếc cầu vượt biển gió thổi rung rung mái tóc vàng, lớt phớt cặp kính cận trên khuôn mặt điển trai…, nó khiến những đứa trẻ tắm chưa sạch mơ một ngày được đến Hàn Quốc gặp thần tượng.
Giấc mơ hoang một thời giờ nhiều người đã thực hiện được, Hàn Quốc trở thành điểm đến nổi tiếng thế giới. Cái mà thuật ngữ kinh tế gọi là “Du lịch”.
Theo những báo cáo gần đây về số lượng khách du lịch đến Hàn Quốc, hơn một nửa số khách châu Á đật chân tới quốc gia này bị hấp dẫn bởi những đoạn quảng cáo, phim truyền hình, và đặc biệt là những bài hát của Kpop.
Với tôi và nhiều thế hệ đồng trang lứa, Hàn Quốc nghiễm nhiên đẹp đẽ, chiếm một chỗ trong ký ức. Sau này lớn lên, mới biết “người Hàn Quốc” không phải ai cũng đẹp mã… như trong phim.
Có thể bạn quan tâm
"Chính sách hướng Nam mới" của Hàn Quốc sẽ đồng hành tại Việt Nam ra sao?
22:00, 17/01/2019
Hàn Quốc đẩy mạnh “chính sách phương Nam mới”
16:29, 14/01/2019
Nhưng khi đủ nhận thức để biết được điều này, Hàn Quốc đã là nền kinh tế được mệnh danh “Rồng châu Á”, sự hâm mộ của thế hệ sau này đã có lúc mất kiểm soát!
Những thước phim lãng mạn một thời mà chúng ta xem - không tự nhiên mà có, mà nó nằm trong chiến lược “xuất khẩu văn hóa” có lớp lang bài bản do Chính phủ Hàn Quốc chủ trương.
Để thực hiện mục tiêu này họ thành lập một quỹ 12 tỷ won từ những năm 2000, bước thứ nhất khôi phục văn hóa truyền thống, bước thứ hai tập trung cho K-Art (nghệ thuật Hàn Quốc), bale và học viện âm nhạc rồi xuất khẩu ra nước ngoài.
Từ những năm 2000, bắt đầu xuất hiện Hallyu hay còn gọi là “Hàn lưu” để ám chỉ trào lưu phổ biến văn hóa Hàn Quốc, từ những bộ phim, bản nhạc đến cả những đế chế kinh tế như Samsung, LG, KIA, Huyndai, CJ…
Năm 2008, khi ở Việt Nam đang hân hoan với Hallyu, tập đoàn công nghiệp điện tử Samsung chính thức đặt nền móng ở Bắc Ninh với số vốn ban đầu 700 triệu USD xây dựng nhà máy trên khoảnh đất 100 ha.
Trước đó tập đoàn này đã vươn ra khắp Đông Nam Á, từ Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia.
Những chiếc điện thoại, tivi, máy giặt, điều hòa nhiệt độ Samsung, LG được người Việt yêu chuộng - một phần vì chất lượng tốt, phần còn lại, người Hàn Quốc đã khéo léo xây dựng hình ảnh quá đẹp trong lòng khách hàng từ phim ảnh, ca nhạc.
Thoạt đầu là đạo cụ trong các bộ phim tình cảm, người Hàn Quốc vô cùng tinh tế “cài đặt” vào nhân vật gu thời trang do chính họ thiết kế, những chiếc áo vest phía trong là sơ mi trắng cổ bẻ xếp chồng, quả đầu ngố… búi như rơm trở nên “sốt” tại Việt Nam.
Cứ sau mỗi bộ phim, lại xuất hiện mốt thời trang bắt chước thần tượng trong giới trẻ, trang phục sơ mi họa tiết, body, đeo giày vải, tóc nhuộm vàng hao hao… Hàn Quốc.
Thời trang, từ đồ công sở đến chiếc váy ngủ nếu được gắn mác Hàn Quốc bỗng trở nên giá trị, không khó để nhìn thấy những cửa hàng “thời trang Hàn Quốc” ở mọi phố phường ở Việt Nam.
Những phóng sự về phụ nữ châu Á đến Hàn Quốc kiếm một tấm chồng bắt đầu xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Một bài viết trên Washington Post với tựa đề “Không gì hơn một người bạn đời Seoul; và một mô tả trên CNN về hàng ngàn em gái Trung Quốc gào thét để được nhìn thấy ban nhạc Super Junior, dẫn đến vụ hỗn loạn…!
Mấy năm trước, điệu nhảy Gangnam Style nổi đình nổi đám khắp thế giới, ước lượng khoảng 1 nửa số người đang sống trên trái đất đã xem clip này. Cùng với đó là danh từ Korea, Seoul được nhắc đến với tần suất lớn chưa từng thấy. Đó không phải là ngẫu nhiên!
Sự mê mẩn Kpop ở Việt Nam có những mặt trái đáng lên án, nhưng không thể phủ nhận sức mạnh chinh phục của nó, hầu như ngự trị bền chặt trong giới trẻ, nó tạo ra “ấn tượng khó phai” hơn vạn lần mọi khẩu hiệu quảng bá.
Hàn Quốc được Bloomberg xếp hạng là nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới trong 6 năm liên tục, điều đó không chỉ được mang lại bởi những chaebol hùng mạnh. Thứ mạnh mẽ hơn nhiều và hậu thuẫn đằng sau đó là văn hóa với tư cách là “sức mạnh mềm”.