Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Thể hiện cao độ chủ nghĩa yêu nước

Theo Ngọc Thành/VOV.VN 17/02/2019 12:28

Định vị tính chất cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc không phải để khắc sâu hận thù, mà nhắc nhở hai bên bắc cầu hữu nghị vượt qua ngăn cách.

Nói về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc năm 1979, GS Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, cần có cái nhìn và trình bày khoa học như những gì nó vốn có, bởi sự kiện lịch sử là khách quan.

“Tính chính nghĩa của Việt Nam thể hiện ngay từ đầu”

Theo GS Vũ Minh Giang, tính chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc thể hiện Trung Quốc gây khó khăn và ý đồ tấn công quân sự xuất hiện từ trước. Việt Nam đã kiềm chế, giữ hòa khí nhưng cuối cùng phải cầm chống lại khi đạo quân 60 vạn quân ào ạt tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc của nước ta vào ngày 17/2.

“Khi đạo quân tiến vào nước ta thì người Việt Nam cầm vũ khí đứng lên chống lại. Tính chính nghĩa của Việt Nam thể hiện rõ ngay ở phút đầu của cuộc chiến đấu là hoàn toàn bảo vệ biên cương của Tổ quốc” – ông Vũ Minh Giang nói.

GS Vũ Minh Giang: Tính chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc thể hiện rất rõ

Vị Giáo sư này cũng đặt vấn đề, vì sao Trung Quốc đem quân sang Việt Nam chỉ có tập đoàn Khơ me đỏ ủng hộ còn nhiều nước phản đối quyết liệt, yêu cầu Trung Quốc rút quân, thể hiện thái độ không đồng tình tạo thành dư luận quốc tế? Điều đó thể hiện tính phi nghĩa ở đạo quân ngoại bang và đương nhiên tính chính nghĩa thuộc về người chống lại đạo quân đó.

“Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc được sự đồng tình hưởng ứng của toàn dân tộc Việt Nam thì nếu không chính nghĩa làm sao có được điều đó. Sinh viên lấy máu viết thư xin ra mặt trận; nhiều nghệ sĩ thể hiện ý chí mạnh mẽ, người dân xung phong cầm súng kể cả khi chưa có Lệnh Tổng dộng viên. Tính chính nghĩa là vô cùng rõ ràng” – GS Vũ Minh Giang khẳng định.

Phó Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam nhấn mạnh, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 một lần nữa thể hiện đây là chiến thắng của nhân dân. Những trận đánh đầu tiên khi bờ cõi bị xâm phạm năm đó khởi đầu là bội đội địa phương, dân quân tự vệ khi quân đội thường trực, lực lượng vũ trang chính quy còn đang làm nhiệm vụ ở địa bàn khác.

Có thể bạn quan tâm

  • [40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc]: Hành trang người lính

    [40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc]: Hành trang người lính

    12:00, 17/02/2019

  • [40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc]: Hiểu chiến tranh để trân quý HÒA BÌNH

    [40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc]: Hiểu chiến tranh để trân quý HÒA BÌNH

    05:35, 17/02/2019

  • 40 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc:

    40 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc: "Có một bài ca không bao giờ quên"...

    03:46, 17/02/2019

  • Khát vọng nơi biên cương: Nén hương tháng Hai

    Khát vọng nơi biên cương: Nén hương tháng Hai

    19:48, 16/02/2019

  • Lịch sử không được lãng quên

    Lịch sử không được lãng quên

    07:15, 16/02/2019

Định vị cuộc chiến để bắc cầu hữu nghị

Dưới góc nhìn của một nhà khoa học, GS Vũ Minh Giang nhấn mạnh, với Việt Nam, lịch sử không chỉ có xây dựng đất nước mà luôn luôn sẵn sàng cầm vũ khí chống ngoại xâm để gìn giữ độc lập dân tộc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, điều đó ngấm vào máu của Việt Nam, là một phần sức mạnh, thậm chí nó thành văn hóa Việt Nam.

Chủ nghĩa yêu nước được coi là giá trị tinh thần vô cùng quý giá của dân tộc, là cội nguồn sức mạnh của Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước đó được đẩy lên mức cao nhất khi thế lực khác đụng đến giá trị thiêng liêng nhất là độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ. Cuộc chiến 1979 thể hiện tập trung cao độ sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước.

Theo GS Vũ Minh Giang, việc nhìn lại và định vị tính chất cuộc chiến không phải để khắc sâu hận thù, khuếch rộng hay kích động tâm lý bài Trung Quốc mà như một cách để nhắc nhở trong quan hệ hai nước có vết hằn, hố ngăn cách cần bắc cầu hữu nghị vượt qua, để tương lai không tái diễn.

Việc đưa ra những nhận định đúng đắn về cuộc chiến đấu chính là sự tiếp nối truyền thống, hun đúc khí chất của người Việt Nam, dung dưỡng sức mạnh nội lực của người Việt Nam, cùng với xây dựng đất nước hùng cường, quân đội mạnh để bảo vệ đất nước.

Với Việt Nam, lịch sử không chỉ có xây dựng đất nước mà luôn luôn sẵn sàng cầm vũ khí chống ngoại xâm để gìn giữ độc lập dân tộc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. (Ảnh tư liệu)

Đánh giá đúng cuộc chiến đấu và giảng dạy, tuyên truyền theo hướng tích cực để có bài học lịch sử. Các hình thức giáo dục thể hiện tinh thần yêu chuộng hòa bình của Việt Nam, dập tắt muôn đời chiến tranh nhưng sẵn sàng đứng lên cầm vũ khí khi quân xâm lược kéo đến.

Trong tình hình hiện nay, Văn bản Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh coi lợi ích của quốc gia, dân tộc là tối thượng. Ý thức dân tộc, chủ nghĩa yêu nước đó thể hiện ở nhiều lĩnh vực, song tập trung nhất vẫn chính là an ninh - quốc phòng, do đó, mỗi người lính phải luôn gắn bó máu thịt với dân.

“Chữ “Quân đội Nhân dân” mà Bác Hồ đặt cho không phải là danh từ đẹp đâu mà là bản chất của quân đội ta nên hai chữ “Nhân dân” phải khắc ghi. Như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nói: Trên dưới đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước chung sức thì đạo quân xâm lược hùng mạnh đến đâu cũng đều thất bại” – GS Vũ Minh Giang nhấn mạnh.

Theo Ngọc Thành/VOV.VN