[40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc]: Hiểu chiến tranh để trân quý HÒA BÌNH

Trương Khắc Trà 17/02/2019 05:35

Sau 40 năm, Việt Nam hoàn toàn khác thập kỷ 70 về thế và lực, nhưng có một thứ không bao giờ thay đổi, đó là khát khao HÒA BÌNH.

Đã 40 năm trôi qua, tất cả chúng ta đều muốn nói rõ hơn về cuộc chiến này. Để làm gì? Chỉ một mục đích: Để một giai đoạn lịch sử không bị gián đoạn vì bất cứ lý do gì.

Lần đầu tiên sau 40 năm, Hội sử học Việt Nam đã có một cuộc Hội thảo khoa học quốc gia về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-1989) tổ chức ngày 15-2 ở Hà Nội. Bởi nói như các nhà sử học, các cựu chiến binh tại hội thảo: "sẽ mắc nợ với người đã ngã xuống trong cuộc vệ quốc ở biên giới phía Bắc 40 năm trước nếu như bản chất cuộc chiến không được làm rõ để các thế hệ người Việt Nam hiểu và tự hào".

Vết tích cuộc chiến vệ quốc hào hùng (Ảnh tư liệu)

Vết tích cuộc chiến vệ quốc hào hùng (Ảnh tư liệu)

Vậy bản chất của cuộc chiến tranh này là gì? Giả sử, gọi nó là “xung đột biên giới”.

Trên trái đất này có hàng ngàn biên giới, nên có hàng vạn cuộc giao tranh lớn nhỏ xảy ra, ngay khi tôi đang viết những dòng này người Palestine và Israel vẫn chưa thu xếp ổn thỏa đường biên giới; ngay cả Hoa Kỳ và Mexico đang mâu thuẫn cực độ ở biên giới.

Ngay cạnh ta, Lào, Campuchia và Thái Lan đã từng xung đột vì biên giới với nhau, đã xảy ra cuộc chiến tranh cách đây 31 năm, đến bây giờ vẫn âm ỉ.

Nhưng, rất khó để tìm thấy cuộc “xung đột biên giới nào” mà bên chủ chiến huy động lực lượng hùng hậu được VNE thống kê như sau:

600 nghìn quân bộ binh, 550 tăng thiết giáp Type-62, Type-59, Type-63, 480 khẩu pháo mặt đất, hơn 1.200 súng cối từ 76,2mm đến 152mm, 160mm và dàn hỏa tiễn 107mm đến 130mm. Không quân và hải quân cũng triển khai 200 tàu chiến; 706 máy bay tiêm kích J-5, J-6, J-7; 120 tiêm kích bom J-6, Q-5 và 122 máy bay ném bom H-5, H-6, để chi viện trong trường hợp cuộc chiến mở rộng.

Đúng ngày này (17/2) 40 năm về trước, cánh quân phía Quảng Tây, do ông Hứa Thế Hữu chỉ huy, gồm các quân đoàn 41, 42, 43, 53; cánh quân Vân Nam do Dương Đắc Chí chỉ huy với các quân đoàn 11, 13, 14 và sư đoàn 149 cùng lực lượng biên phòng và dân binh chính thức đánh vào Việt Nam qua biên giới trên đất liền.

Theo Niên giám châu Á năm 1980, thời điểm Trung Quốc tấn công, tổng lực lượng phòng thủ của Việt Nam tại các tỉnh biên giới phía Bắc chỉ có khoảng 50.000 quân. Trong khi đó, Trung Quốc sử dụng 9 quân đoàn chủ lực và 32 sư đoàn bộ binh độc lập; 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn với khoảng 600.000 người, gấp hơn 10 lần lực lượng tham chiến thực tế của Việt Nam.

Sự hùng hậu đến mức, chính người Trung Quốc đã ví von rằng “dùng lao mổ lợn để giết gà”.

Cuối cùng thống kê lại, quân đội Trung Quốc đã sử dụng 1,06 triệu quả đạn pháo, 23,8 nghìn tấn đạn, giết hàng chục ngàn người Việt Nam; đốt sạch, phá sạch các vùng họ tạm chiếm, thậm chí còn cho nổ mìn hang Pác Pó - Di tích lịch sử đặc biệt của Việt Nam.

Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược - Bộ Công An trả lời phỏng vấn trên báo Nghệ An (đăng ngày 13/2/2019) có đoạn: Những hành động trên, có thể nói là tàn bạo hơn thực dân Pháp…” và ông khẳng định: “Đây là cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc và dân tộc Việt Nam đã đứng lên chống quân xâm lược để bảo vệ Tổ quốc”.

Có thể bạn quan tâm

  • Lịch sử không được lãng quên

    Lịch sử không được lãng quên

    07:15, 16/02/2019

  • Khát vọng nơi biên cương: Nén hương tháng Hai

    Khát vọng nơi biên cương: Nén hương tháng Hai

    19:48, 16/02/2019

Đúng 20 ngày (28/1/1979) trước khi đổ quân đánh Việt Nam, ông Đặng Tiểu Bình có chuyến đi đến Mỹ và nói chuyện với Tổng thống Jimmy Carter. Cuộc gặp trên đã diễn ra trong Phòng Bầu dục vào cuối buổi chiều ngày 29/1, ngay sau phiên họp chính thức thứ 2, với sự có mặt của ông Đặng Tiểu Bình, Ngoại trưởng Trung Quốc Hoàng Hoa và Thứ trưởng Ngoại giao Chương Văn Tấn từ phía Trung Quốc, cùng các đại diện từ phía chủ nhà là Tổng thống Jimmy Carter, Phó Tổng thống Walter Mondale, Ngoại trưởng Cyrus Vance và Cố vấn An ninh quốc gia Zbigniew Brzezinski.

Trong cuốn hồi ký của mình, ông Brzezinski đã kể lại rằng lãnh đạo Trung Quốc đã nói về quyết định tấn công Việt Nam với thái độ rất “bình tĩnh, quả quyết và chắc chắn”. Theo đó, ông Đặng Tiểu Bình đã thông báo với phía Mỹ rằng để ngăn chặn sự bành trướng của Liên Xô, Trung Quốc cho rằng cần phải có những biện pháp hạn chế tham vọng và dạy cho Việt Nam “một bài học thích đáng”.

Trung Quốc đã biến một cuộc “chiến tranh xâm lược” thành một “bài học” cho nước khác, nhưng bản chất không khác được, vì “xung đột biên giới năm 1979” liệu đã đạt đủ điều kiện “đấu tranh vũ trang có tổ chức giữa các đơn vị đối kháng và gây ra hậu quả đáng kể” để được gọi là “chiến tranh”.

Và theo quy ước quốc tế thông thường thì để một cuộc xung đột được xem là chiến tranh thì số người tử trận trong cuộc xung đột đó phải lên đến con số tối thiểu là 1.000.

Không có lý do gì một đất nước mới thoát ra khỏi chiến tranh sau mấy mươi năm sức cùng lực kiệt, khúc ruột miền Nam còn rướm máu, mừng rơi nước mắt lau chưa khô lại mang quân đi gây hấn nước khác. Hơn nữa, đó là nước lớn hơn mình về mọi mặt.

Việt Nam luôn khao khát hòa bình

Việt Nam luôn khao khát hòa bình

Việt Nam luôn coi Trung Quốc là người anh em tốt, núi liền núi, sông liền sông, mãi khát khao hòa bình, yên ổn trên mấy trăm kilomet đường biên giới đầy trắc trở.

Chiến tranh kết thúc, Việt - Trung đã nhanh chóng bình thường hóa quan hệ. Sau 40 năm, Việt Nam hoàn toàn khác thập kỷ 70 về thế và lực, nhưng có một thứ không bao giờ thay đổi, đó là khát khao hòa bình.

Nhắc đến sự kiện bi tráng này để chúng ta biết trân quý giá trị của HÒA BÌNH và kéo dài khoảng thời gian khi mùi thuốc súng đã tan. Nhắc đến để thế hệ trẻ hiểu thêm những khốc liệt của chiến tranh và nỗ lực hơn nữa cho sự bình yên của Tổ quốc.

Nói như GS. TSKH Vũ Minh Giang - Đại học Quốc gia Hà Nội: "Trình bày khách quan, khoa học về cuộc chiến 1979 là cách tốt nhất để đẩy lui luận điệu xuyên tạc, dùng lịch sử để kích động, đồng thời cũng là cách tốt nhất để giáo dục thế hệ trẻ truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của dân tộc".

Chính PGS, Thiếu tướng Lê Văn Cương cũng đau đáu: "Chúng ta có hàng ngàn luận án thạc sĩ, hàng trăm luận án tiến sĩ nghiên cứu về các trận chiến Bạch Đằng, 3 lần thắng quân Nguyên, trận Chi Lăng, Ngọc Hồi, trận Điện Biên Phủ, tổng tiến công Mậu Thân 1968 và cuộc đại thắng mùa xuân 1975. Nhưng chúng ta chưa có công trình nào nghiên cứu về cuộc chiến này. Nếu không có nghiên cứu về cuộc chiến này, chắc chắn chúng ta sẽ bị động trong tương lai".

Hơn nữa, phải có thứ gì đó để làm chuẩn, để mai này con cháu được học về chiến tranh biên giới Tây Bắc 1979 hiển nhiên như phải học phép cộng trừ nhân chia. Không gì có thể làm tốt hơn SÁCH GIÁO KHOA.

Bởi bốn ngàn năm nay, hễ cứ qua một cuộc chiến, dân tộc Việt Nam lại trở nên mạnh mẽ hơn, dẫu bị tàn phá vật chất nhưng tinh thần kiên cường bất khuất lại được bồi đắp thêm giá trị - xin được mượn tựa đề tác phẩm của Nicolai Ostrovsky để tạm thời khép lại: “Thép đã tôi thế đấy”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
[40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc]: Hiểu chiến tranh để trân quý HÒA BÌNH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO