[40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc]: Mưa nơi miền biên viễn...
Sáng 17/2/2019, trời mưa tầm tã nơi Cột Cờ Lũng Cú, Hà Giang. Và cách đó hơn 300 cây số, mưa cũng đang trùm phủ trên danh thắng nổi tiếng của Cao Bằng - thác Bản Giốc.
Hôm nay là một ngày đặc biệt, ngày mưa bão như vật vã nhiều hơn. Nhưng mưa bão không che được những ánh mắt ngời sáng trên gương mặt của những người cựu chiến binh, những người từng viết nên lịch sử hào hùng của dân tộc, 40 năm trước tại Vị Xuyên.
Những nụ cười vượt lên tất cả
40 năm đã trôi qua. Trong ngày đặc biệt cả nước kỷ niệm 40 năm ấy, một người bạn gửi cho tôi những tấm hình chụp trong mưa cùng những người lính già, những cựu chiến binh đã hy sinh thanh xuân của mình cùng báng súng, đã may mắn vượt qua mưa bom bão đạn, bằng đôi dép cụ Hồ và lòng yêu nước bất khuất từ trong máu, trong tim. Họ, khoác những bộ trang phục lính, đội nón lính, bên ngoài khoác áo mưa, cười hiền hòa nhìn qua bên kia – đường biên giới phân chia Việt Nam – Trung Quốc đang nhòe màn mưa.
Bạn tôi kể với anh đây là một chuyến đi ý nghĩa nhất của đời mình. Chuyến đi đến vùng đang kỷ niệm 40 năm những người lính Việt Nam từ chiến tranh, bước qua chiến tranh với thảm kịch Vị Xuyên và các cứ điểm – nơi có hàng nghìn người dân, người lính đã mãi mãi nằm lại. Trong chuyến đi về miền biên viễn phía Bắc Tổ quốc, một lãnh đạo của một cơ quan quản lý quan trọng trong nền kinh tế quốc gia, giữ cương vị Phó Giám đốc (NHNN Hà Giang) chi nhánh của tổ chức đó tại Hà Giang, gợi ý đoàn từ miền Nam, là nên có chuyến thiện nguyện về Hà Giang. Ông là cựu chiến binh, cũng là người đã từng có mặt trong cuộc chiến ác liệt nhất với đoàn quân xâm lược phương Bắc.
Trên đường đi, đoàn may mắn hội ngộ cùng nhiều đoàn cựu chiến binh trở về thăm chiến trường xưa. Trong một tốp cùng hành trình, anh kể, có một người lính là đại đội phó (chú Lương Đức Minh), chịu trách nhiệm bảo vệ cao điểm 211 (cao điểm A6B tại mặt trận Vị Xuyên, phía Trung Quốc gọi là cao điểm 211). Toàn bộ đoàn đi đều tuân thủ, nhìn theo và hành động như theo hiệu lệnh của người đại đội phó - thủ trưởng của họ năm xưa.
Không ai nhắc lại hận thù cũ. Cũng không ai nhắc lại những lãng quên trong suốt nhiều tháng năm qua. Họ đơn giản nói rằng lịch sử vẫn luôn là lịch sử. Và nếu các thế hệ con, cháu của họ hôm nay có thể chưa được biết nhiều, là do còn thiếu thốn công nghệ, truyền thông... còn cần thời gian để trả về sự thật. Vượt lên tất cả là những nụ cười và ánh mắt ngời sáng, sự xúc động và tự hào. Như sự xúc động đã lan truyền đi trên mọi “mặt trận” thông tin, kể cả trên các mạng xã hội, khi sự thật được viết nên rõ ràng qua những con chữ, khi hàng loạt avatar với những nụ sim, mua tím luôn mọc nơi núi đồi biên viễn – đã đồng loạt được người người thay mới, đồng loạt nở hoa...
Một thương trường kinh tế cần hơn nữa lòng yêu nước
Bạn tôi cũng kể trong chuyến đi về nguồn đúng 17/2, bên cạnh sự xúc động, sự nể phục với cô hướng dẫn viên du lịch đã rất khéo léo và luôn tôn trọng nói về nước bạn – khuôn hẹp trong phạm vi nghề nghiệp của cô, chen lẫn còn những nỗi buồn và nhiều điều đáng nghĩ suy cả hôm qua, hôm nay và phía trước.
“Những cung đường Hà Giang hùng vĩ, đầy thử thách, đẹp mê hồn đã được nói đến rất nhiều và mình cũng đã nhiều lần nếm trải. Nhưng sau mỗi lần đến đây, và kể cả hôm nay khi cả nước đều hướng về miền biên cương phía Bắc, khi mọi thông tin đã “cởi mở” và lan tỏa nhiều hơn, thì Hà Giang nói chung vẫn như nhiều năm trước. Những con đường mòn vẫn lầy lội và khúc khuỷu, khó đi, thưa thớt vẫn là những mái nhà đơn sơ, rất nghèo. Trẻ em vẫn đến trường trong rét mướt và chắc chắn không thể nào no đủ. Nhiều vùng, mọi bữa cơm vẫn còn chỉ trông vào một vụ ngô”…
Buồn hơn nữa, anh nói, cùng một Thác Bản Giốc ta và “nước bạn” chia nhau khai thác du lịch, cùng một đường biên giới ngăn cách lãnh thổ 2 quốc gia, nhưng bên kia người láng giềng 100% bán các món hàng, sản vật made in China. Còn ở ta, các quầy, kệ tại shop… cũng bán hàng 100% "made in China".
Điều đó cho thấy chúng ta thiếu ý thức và còn rất nghèo nàn trong tư duy làm du lịch. Mở rộng ra, chúng ta còn thiếu ý thức dân tộc, thiếu ý thức người Việt Nam làm, bán hàng Việt Nam, không nói đâu xa mà ở ngay tại vùng đất xương máu ông cha ta đã đổ để giữ gìn vẹn nguyên lãnh thổ. “Để sống và tồn tại, vượt lên, giữ được độc lập tự cường trong thời đại mới, chúng ta hẳn phải còn tư duy và tư duy lại”, ông Huỳnh Trung Minh, chuyên gia kinh tế - một nhân vật trong chuyến về nguồn của đoàn thiện nguyện từ miền Nam vào đúng 17/2/2019, chia sẻ.
Ông Minh nói, trong thời đại mới, chiến tranh không còn súng ống, là bom đạn đơn thuần nữa. Có những cuộc chiến khác không kém khó khăn, thách thức, cái giá phải trả nếu thua không kém phần đau đớn cho cả dân tộc, là cuộc chiến với vũ khí “mềm” kinh tế. Chúng ta sống bên cạnh một cường quốc mà mọi quốc gia đều có mối quan hệ giao thương. Và chúng ta cũng đa, đang, sẽ tiếp tục giao thương cùng họ. Điều đó đòi hỏi một ý thức yêu nước, không chỉ nói bằng miệng, bằng hô hào, mà bằng ngay trong tư duy ứng xử kinh tế, kinh doanh và áp dụng vào thực tế.
Có thể bạn quan tâm
[40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc]: Hành trang người lính
12:00, 17/02/2019
[40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc]: Hiểu chiến tranh để trân quý HÒA BÌNH
05:35, 17/02/2019
40 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc: "Có một bài ca không bao giờ quên"...
03:46, 17/02/2019
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Thể hiện cao độ chủ nghĩa yêu nước
12:28, 17/02/2019
Chẳng hạn, các doanh nghiệp Việt nếu thay đổi tư duy chỉ cần nhập hàng, chỉ cần buôn bán sao cho có lãi, bằng cả ý thức bán hàng Việt, xây dựng thương hiệu Việt, trước hết ngay nơi khu vực chúng ta luôn cần khẳng định vị thế kinh tế thông qua sản phẩm, hàng hóa chất lượng của người Việt, thì đó chính là yêu nước.
Xa hơn, theo chuyên gia Huỳnh Trung Minh, cần những chính sách chặt và uyển chuyển để thay đổi cán cân đang lệch giữa nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc. Một chính sách “bảo hộ” nhưng không vi phạm hội nhập là điều cần thiết trên tầm cấp vĩ mô. Và với các địa phương, quản lý việc nhập khẩu các hàng hóa kém chất lượng, không thiết yếu từ Trung Quốc mà doanh nghiệp có thể sản xuất được thậm chí tốt hơn, là cần thiết.
“Giao dịch mậu biên mở cửa là bình thường nhưng lại là bất bình thường nếu chúng ta chấp nhận nhập khẩu ồ ạt mọi loại hàng kém chất lượng, có tác động xấu tới môi trường và ảnh hưởng sức khỏe kinh doanh của doanh nghiệp nội địa, người tiêu dùng trong nước. Sẽ càng bất bình thường nếu chúng ta cứ bỏ ngỏ việc quy hoạch sản xuất, nuôi trồng, kinh doanh để xuất nhập khẩu mậu biên một cách tự do, manh mún, khiến người hộ dân, làng nghề, ngành hàng… ngày càng lệ thuộc, có nguy cơ suy yếu dần nếu phía đối tác kinh tế thương mại có thay đổi chính sách, siết nhập khẩu…Thay đổi đi từ quy hoạch đến kiểm soát đồng bộ đang vô cùng cần thiết để thay đổi cục diện giao thường Việt Nam và nước bạn trong một thương trường mới – cũng cần sự khéo léo, đồng lòng, thông minh và đặc biệt là ý thức dân tộc – cần lòng yêu nước”, ông Minh đánh giá.
40 năm nhìn lại từ chiến trường Vị Xuyên, nhìn lại lịch sử ngoại giao và giao thương kinh tế, mối quan hệ bên người láng giềng khổng lồ của Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Những chuyên gia kinh tế, còn có những cô, những cậu thanh niên trẻ chưa từng nếm mùi vị chiến tranh, thậm chí sinh ra sau 1979 -thời điểm cuộc chiến biên giới biên giới bùng nổ, đã đứng bên cạnh những người lính già năm xưa, ngay tại nơi đường biên cương Tổ quốc, cùng một lòng nhắc nhở quá khứ, nhưng để hướng tới tương lai.
Mưa nơi đường biên viễn Tổ quốc hôm nay dường như rơi nhiều hơn mọi ngày. Mưa trong lòng của những người tưởng nhớ người nằm lại. Mưa cũng để hoa sim, hoa mua vào mùa hạ tới sẽ tím thẫm hơn và ngày mai trời sẽ quang hơn. Nhưng có một điều chắc chắn rằng trên thương trường, sẽ không có mưa bão nào khiến người Việt, với tinh thần dân tộc, lòng yêu nước được nối kết lại và không gì bẻ gãy được, có thể chùn bước.