[40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc]: Nhắc chuyện quá khứ để hướng đến tương lai
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc khẳng định chính nghĩa của Việt Nam, đây là cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam luôn hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn trong quan hệ với Trung Quốc.
Khoảng cách 40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979 – 17/2/2019) là không ngắn, có rất nhiều cách suy nghĩ khác nhau về những gì xảy ra kể từ khi chiến tranh bùng nổ cho đến lúc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Lịch sử chứng minh sự chính nghĩa của Việt Nam
Sau bình thường hóa, chúng ta đã khai thác được những mặt tích cực trong quan hệ Việt – Trung, nối lại quan hệ giữa Đảng, Nhà nước, chính quyền nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những vấn đề trong quá khứ hay hiện tại như Biển Đông. Cho nên cần nhìn nhận từ thực tiễn, nhưng chắc chắn có một điều mà người dân cũng như giới sử học có những suy nghĩ, băn khoăn về ứng xử đối với cuộc chiến tranh này như một phần ký ức, một phần lịch sử của dân tộc.
Có thể bạn quan tâm
[40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc]: Mưa nơi miền biên viễn...
15:14, 17/02/2019
[40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc]: Hành trang người lính
12:00, 17/02/2019
[40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc]: Hiểu chiến tranh để trân quý HÒA BÌNH
05:35, 17/02/2019
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc khẳng định chính nghĩa của Việt Nam, đây là cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Cuộc chiến tranh này không nhằm gây hận thù, vì tất cả những gì diễn ra sau đó đã cho thấy Việt Nam luôn hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn trong quan hệ với Trung Quốc.
Phân tích nguyên nhân phía Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh mà họ dùng khái niệm “dạy cho Việt Nam bài học”, chính thời gian và lịch sử đã chứng minh một cách rất thuyết phục về chính nghĩa của chúng ta. Trung Quốc luôn nói đến việc Việt Nam can thiệp vào Campuchia. Như chúng ta đã biết, trước khi bùng nổ cuộc chiến tranh biên giới phía bắc, ngày 7/1/1979 chúng ta giải phóng Phnom Penh, đánh một đòn quan trọng để tiêu diệt Pol Pot và tạo điều kiện cho nhân dân Campuchia và các lực lượng cách mạng Campuchia dành lại đất nước của mình. Hạn chế và chấm dứt từng bước cuộc diệt chủng tại đất nước này.
Thời điểm Trung Quốc đưa ra lý do dạy cho Việt Nam bài học, cả thế giới không phải ai cũng nhận ra một sự thật. Lúc đó rất nhiều người cho rằng Việt Nam xâm lược Campuchia. Nhưng 40 năm sau, chúng ta lại chứng kiến việc kết thúc một phiên tòa xử tội diệt chủng tại Campuchia. Có rất nhiều nhà lãnh đạo Campuchia từ các thế hệ như quốc vương Norodom Sihanouk cho đến Quốc vương đương đại, kể cả Thủ tướng hiện nay của Campuchia đều khẳng định, Việt Nam đã giúp Campuchia tiêu diệt chế độ diệt chủng, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi sự diệt chủng.
Và 40 năm sau lịch sử đã làm sáng tỏ lý do Trung Quốc xâm lược Việt Nam, cũng như nhận thức đương thời về Việt Nam của không ít quốc gia.
Cá nhân tôi nhìn nhận, chúng ta luôn hướng đến tương lai, mong ước hòa bình, hữu nghị, hợp tác thân thiện với Trung Quốc và nhân dân toàn thế giới. Vấn đề còn lại là việc ứng xử như thế nào cho đúng, vừa không né tránh quá khứ, nhưng vẫn trân trọng và mong ước có một môi trường hòa bình mà chúng ta đang có, cũng như mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc.
Nhìn thẳng lịch sử để thấy những điều sâu sắc
Cuộc chiến tranh biên giới chúng ta mới nhìn ở khía cạnh bảo vệ chủ quyền và độc lập dân tộc. Nhưng điều có ý nghĩa quan trọng hơn, đó là làm cho chúng ta trưởng thành hơn về nhận thức trong mối quan hệ quốc tế rất phức tạp hiện nay. Càng làm sáng tỏ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nói đến: không có gì quý hơn độc lập tự do.
Vấn đề không kém phần quan trọng khác, đó là ứng xử như thế nào với quá khứ. Người dân và giới sử học có băn khoăn khi chúng ta chưa ứng xử đúng mực về giá trị của cuộc chiến tranh biên giới như một phần lịch sử dân tộc, như một phần của những hy sinh mất mát, như một phần những chiến công hiển hách. Đây là những bài học lịch sử hết sức quý báu.
Truyền thống cha ông còn đó, Lê Thái Tổ sau 10 năm kháng chiến bằng sức mạnh của mình tiêu diệt giặc Minh, nhưng vẫn không quên dùng “tâm công” lấy chính nghĩa của mình để thắng sự hung bạo. Vua Lê còn lập một lễ hội thề, hai bên không dùng đến binh đao, điều này thể hiện người Việt Nam luôn mong muốn hòa hiếu với Trung Quốc, nhưng cũng không bao giờ quên tội ác của kẻ thù. Với Bình Ngô đại cáo rất chắt lọc, cô đọng nhưng cũng rất quyết liệt. Hay với bài học của Quang Trung – Nguyễn Huệ, ngay sau chiến thắng ông đã có chính sách hết sức mềm dẻo đề hòa hiếu với phương bắc. Nhưng vẫn để lại những áng văn bất hủ nói về ý chí, quyết tâm bảo vệ chủ quyền, văn hóa và bản lĩnh dân tộc. Đồng thời khẳng định với thiên hạ rằng, nước Nam này có quốc sử.
Có một số điều chúng ta còn băn khoăn, đặc biệt trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Hai chữ Trung Quốc có những lúc được nhắc đến với lòng trân trọng như một phần của văn minh nhân loại. Nhắc đến Trung Quốc thời kỳ hữu nghị, hợp tác giúp đỡ nhau trong cách mạng giải phóng dân tộc. Và chúng ta cũng có thể nói rõ, vậy nhân tố nào gây nên cuộc chiến tranh này? Tại sao phải né tránh, khi trong lịch sử chúng ta đã từng trải qua thử thách với nhiều quốc gia, chúng ta đã có trải nghiệm về hòa giải với các quốc gia khác. Chiến tranh Việt Nam – Hoa Kỳ chúng ta vẫn thẳng thắn nhưng vẫn giữ được mối quan hệ tốt đẹp, không những hòa giải quá khứ mà còn trở thành những nhân tố tích cực trong quan hệ phát triển. Với nước Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc… tại sao làm được, còn với Trung Quốc lại phải né tránh?
Nếu nhìn thẳng vào lịch sử sẽ thấy những điều sâu sắc, bài học về chiến tranh bản chất là bài học để hướng đến hòa bình. Các nhà lãnh đạo hai nước cần thực hiện được nguyện vọng của nhân dân hai nước, đó là giữ được sự hòa hiếu, hợp tác với nhau.