Quảng Nam "rầu" vì chuyện đất
Một khi môi trường kinh doanh vẫn là nơi “ăn nên làm ra” của một dạng kinh doanh lừa đảo, rất khó để thực thi chính sách lớn bằng sự minh bạch công khai.
Chẳng biết vì lý do gì Quảng Nam - Đà Nẵng ngày càng xuất hiện nhiều vấn đề liên quan đến doanh nghiệp, đất đai...
Trong khi thị trường bất động sản toàn quốc có dấu hiệu chững lại thì Đà Nẵng - những vùng ven tận Quảng Nam bị cuốn vào vòng xoáy giá. Có những sự việc tưởng chừng khó tin như “tin đồn thành lập quận mới” lại được rỉ tai nhau một cách bài bản để “thổi” giá đất!
Nhiều chiêu trò buôn đất đã được báo chí bóc mẽ, nhưng rất khó hiểu vì sao giới “cò đất” vẫn sống khỏe, tung hoành khắp nơi từ trung tâm cho đến vùng nông thôn.
“Sốt đất” thứ mà người ta luôn liên tưởng đến sự đổi thay tích cực của một địa phương, nhưng chẳng phải, chí ít là ở Đà Nẵng, hay mới đây là Quảng Nam, nó như cơn bão bất ngờ quét qua rồi để lại mọi thứ trong hụt hẫng. “Sốt đất” không mang lại ấm no cho người dân, ngược lại hệ lụy quá lớn.
Sự việc lùm xùm mới nhất tại Quảng Nam lại liên quan đến bất động sản, 1.000 hồ sơ mua đất nền đã thanh toán đến 95% giá trị có nguy cơ chỉ còn lại 30% sau khi chủ đầu tư và công ty phân phối “cạch mặt” nhau, khách hàng lâm cảnh bị “mang con bỏ chợ”.
Cụ thể, công ty cổ phần và đầu tư Hoàng Nhất Nam phân phối 3 dự án của công ty cổ phần Bách Đạt An cho gần 1.000 hợp đồng bán đất với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng với lời hứa ra sổ đỏ trong năm 2018, nhưng đến nay "bặt vô âm tín" dù đã nhận đến 95% giá trị hợp đồng.
Nếu hai bên không thỏa thuận được với nhau thì người dân có nguy cơ mất số tiền rất lớn bởi một điều khoản trong hợp đồng mà Hoàng Nhất Nam quy định với khách hàng “nếu xảy ra rủi ro thì đơn vị phân phối chỉ trả 30% trên số tiền mà khách hàng đã đóng” trong khi giá đất khu vực này đã tăng nhiều lần so với giá mua ban đầu!
Có thể bạn quan tâm
Cơn sốt đất nền Quảng Nam: Chủ đầu tư lách luật bán "lúa non“
07:00, 08/03/2019
Chủ tịch Đà Nẵng chỉ đạo công an điều tra vụ giả văn bản tạo sốt đất
15:50, 02/11/2018
Theo một khách hàng đang mắc kẹt số tiền lớn tại 3 dự án này cho biết: “đã từng cầu cứu tỉnh Quảng Nam nhưng nhận được câu trả lời là việc này thuộc trách nhiệm của đơn vị phân phối và chủ đầu tư”. “Tại sao UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép dự án mà giờ phủi bỏ trách nhiệm là không được. Chúng tôi sẽ tiếp tục vào Quảng Nam yêu cầu lãnh đạo tỉnh phải có trách nhiệm với người dân chúng tôi”
Có hay không nhà phân phối và chủ đầu tư thông đồng nhau tạo ra “sự cố” này? Chính quyền sở tại ở đâu khi để xảy ra tình trạng mất trật tự, làm xấu môi trường kinh doanh? Ai đảm bảo quyền lợi người dân trong giao dịch buôn bán?
Dĩ nhiên, chính quyền có thể xem mình vô can trong hợp đồng khách hàng ký với bất kỳ đơn vị nào, nhưng một khi có dấu hiệu lừa đảo thì vai trò “phán xử” của chính quyền - luật pháp phải được kích hoạt.
Sự thật đằng sau vụ việc này chắc chắn còn nhiều điều bí ẩn, song mỗi một sự việc nhức nhối như thế này đang bào mòn nỗ lực xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch.
Tình trạng lừa đảo trong mua bán bất động sản vốn không hiếm, nhưng cũng rất nhiều doanh nghiệp bất động sản làm ăn chân chính, đàng hoàng. Họ đương nhiên không muốn bị vấy bẩn, không muốn bị khách hàng “vơ đũa cả nắm”.
Nếu chính quyền tiếp tục “nói không với trách nhiệm” không chỉ người dân thiệt hại mà ngay cả chính quyền tự lấy đá ghè chân mình.
Tuy nhiên, đây chỉ là sự việc “cụ thể” xảy ra chỉ phản ánh hiện tượng của vấn đề, còn bản chất của nó là những cơn “sốt đất” dai dẳng mà chính quyền địa phương hầu như tỏ ra bất lực.
Bởi vì “sốt đất” bất thường còn cho thấy môi trường kinh doanh đang có vấn đề nghiêm trọng, vì sao “sốt đất” đã lan ra tới Quảng Nam? Vì ở đó còn quá nhiều kẽ hở chính sách.
Một doanh nghiệp có dấu hiệu lẩn tránh quyền lợi khách hàng bị chính quyền trả lời “không thuộc trách nhiệm”. Vậy thì trách nhiệm minh bạch môi trường kinh doanh là của ai?