Trẻ nhiễm sán lợn: Ai tiếp tay cho tội ác?

Trương Khắc Trà 18/03/2019 05:00

Hàng trăm trẻ mầm non nhiễm ấu trùng cực độc, làm sao để đặt tên cho loại tội trạng này? Liệu chúng ta có còn tặc lưỡi làm ngơ thêm nữa?

Cầm kết quả xét nghiệm đứa con trai 5 tuổi dương tính với ấu trùng sán lợn, chị Huyền (Bắc Ninh) rớm nước mắt giữa bệnh viện. Có lẽ, chị ức không phải vì lãnh hậu quả của thực phẩm bẩn mà vì niềm tin vào nhà trường đã trống trơn.

Nhìn khung cảnh các bà mẹ ôm con la liệt tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TW không ai dám nghĩ rằng, những đứa trẻ hồn nhiên ấy đã từng ăn miếng thịt lợn chứa mầm bệnh hiểm nguy, lúc nhúc ấu trùng và cả mùi tanh hôi của lợi ích ngay chính trong nhà trường!

Con trai chị Huyền chỉ là một trong hàng trăm trường hợp như vậy, ai có thể đặt tên cho loại tội trạng này? Liệu chúng ta có còn tặc lưỡi làm ngơ thêm nữa?

Đặt tên cho bức hình này là gì? (Ảnh VnEpress)

Nên đặt tên cho bức hình này là gì? (Ảnh VnEpress)

Có lẽ ngôn từ đã thực sự bất lực trước nghịch cảnh con người đang âm thầm giết hại nhau. Chốn học đường, lẽ ra phải là nơi an toàn nhất cho con trẻ, sau bạo lực học đường đến thực phẩm độc hại, buộc dư luận phải đặt câu hỏi, ngưỡng lợi ích đến đâu mới chịu dừng lại?

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp và trọng trách tiêu diệt thực phẩm bẩn

    Doanh nghiệp và trọng trách tiêu diệt thực phẩm bẩn

    03:45, 21/12/2018

  • Thực phẩm bẩn: Từ nghị trường đến đời thường

    Thực phẩm bẩn: Từ nghị trường đến đời thường

    05:00, 02/11/2018

  • Cuộc chiến chống thực phẩm bẩn: Trách nhiệm thuộc về ai?

    Cuộc chiến chống thực phẩm bẩn: Trách nhiệm thuộc về ai?

    09:34, 22/01/2018

“Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn thế” đó là một lời kêu cứu thảng thốt hết sức gãy gọn của Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh cách đây chưa lâu lắm.  

Cơ quan chức năng hầu như bất lực, người dân bị bủa vây không lối thoát. Ăn gì để không… chết? Đây là câu hỏi khó trả lời nhất vào lúc này bởi ngay bây giờ - những đứa trẻ chưa thể trang bị cho mình khả năng phản kháng trở thành nạn nhân.     

Nhiều nhà trường bất lực trong bảo vệ trẻ em, từng bị cho là khó khăn bởi tác nhân nội bộ, thế còn thịt lợn nhiễm sán, chúng ta lấy gì để bao biện cho sự man rợ của người lớn?

Cứ mỗi đầu năm học, chuyện tiền nong lại rùm beng trên mặt báo, nơi nào cũng thu, tận thu đủ mọi thứ bằng lý do hết sức thuyết phục, nhưng hàng ngàn trường mầm non bán trú, có bao giờ ai đó đả động đến độ “sạch sẽ” của bếp ăn?

Không ai khác, hàng trăm phụ huynh ở Bắc Ninh đã làm thay việc của cơ quan chức năng - họ kiên trì tố cáo, họ không còn niềm tin vào cam kết của nhà trường, và kết quả thật xót xa.

Một câu hỏi như thường lệ, những người có chức trách đang ở đâu và làm gì trong chuỗi ngày thịt lợn bẩn đi vào bữa ăn của trẻ em? Có quy trình nào kiểm tra thực phẩm mỗi ngày hay không?

Những lỗ hổng quản lý quá lớn trong khi người dân phải è cổ đóng thuế nuôi bộ máy khổng lồ, đó là một nghịch lý.

Trạng thái “nóng”, “lạnh” bất thường của luật pháp diễn ra khắp mọi ngõ ngách, oái ăm thay, thực phẩm bẩn tung hoành ngang dọc, trên nỗi đau quằn quại của người tiêu dùng mà chưa thấy một ai phải trả giá xứng đáng cho tội danh này. Có hay không “kẻ chống lưng” vững chãi đằng sau?

Một mẩu chuyện nhỏ xíu ở nước Nhật rằng, bức tường xây dở sụp xuống đè chết đứa trẻ, lập tức các nhà lập pháp, kỹ thuật ngồi lại với nhau - bằng trách nhiệm, họ sửa đổi nguyên một bộ luật về bảo vệ trẻ em và nguyên tắc xây dựng.

Và, ở nước ta, sau nỗi kinh hãi cả hữu hình lẫn vô hình về thực phẩm thiếu an toàn, 124 trẻ em nhiễm sán lợn từ bếp ăn trường học liệu có làm xao động luật pháp, có đủ “nóng” để luật pháp không “lạnh nhạt” với những kẻ đầu độc đồng loại.

Đến ngày 16/3, con số nạn nhân đã là 63 trẻ, nhưng chính quyền sở tại vẫn một mực “vẫn phải chờ kết quả xét nghiệm thể mới đưa ra phương án xử lý”. Xin hỏi, như thế nào nữa mới là “cụ thể”?

Rất nhiều khả năng, đến khi cơ quan chức năng “lập xong đoàn kiểm tra” thì những người gây ra tội trạng này có thừa thời gian tẩu tán tang vật, và nghi ngại lắm một kết luận kiểu như “đã kiểm tra và không phát hiện thấy dấu hiệu vi phạm”. Nhưng, ấu trùng sán lợn không dừng lại ở dạ dày, nó di chuyển lên não, đe dọa sinh mạng và tổn thương nhận thức cả quãng đời còn lại.

Rùng mình bởi những hình ảnh như thế này (Ảnh VTV)

Rùng mình bởi những hình ảnh như thế này (Ảnh VTV)

Lương tâm, đạo đức của người kinh doanh là những khái niệm có vẻ xa xỉ trong thời buổi ai cũng đua chen bất chấp mọi thứ để kiếm tiền, đạo đức xã hội đang tụt dốc không phanh.

Hậu quả nhãn tiền đã quá rõ ràng khi tỉ lệ người bệnh mới bị ung thư của nước ta tăng nhanh, từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 năm 2010. Và dự kiến đến năm 2020 con số này sẽ vượt qua 190.000 ca, phân nữa số đó phải từ giã cõi đời.

Trung bình mỗi ngày nước ta có khoảng 315 người chết vì ung thư, gấp hơn 7 lần so với tai nạn giao thông; ngày càng xuất hiện nhiều hơn “làng ung thư”,” “xã ung thư”… sau đó là những cái chết làm bàng hoàng tâm lý dư luận.

Nếu không có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn kịp thời, rồi đây 10, 20 năm sau tỷ lệ mắc ung thư và tâm thần của người Việt chắc chắn như dự báo, chẳng lẽ cứ khoanh tay đứng nhìn mầm xanh đất nước bị bức hại!

Trương Khắc Trà