Nhắc người vượt đèn đỏ bị đâm chết: Hãy cho lòng tốt mảnh đất sống
Một cộng đồng mà đứng trước những việc sai trái, không ai dám nhắc nhở, vì sợ bị đánh, bị giết như trường hợp này thì thử hỏi, chúng ta sẽ sống ra sao?
Con dao gây án của đối tượng vượt đèn đỏ bị người lớn nhắc nhở. Ảnh: TQ.
Dư luận chưa hết bức xúc với những “điểm nóng” của các vấn đề xã hội trong thời gian qua thì nay lại bàng hoàng và xót thương cho số phận của một con người xấu số - chỉ vì nhắc nhở người đi đường không được vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông mà bị chính đối tượng này đâm chết.
Thảm kịch để lại đằng sau cái chết của người đàn ông xấu số đó là hình ảnh người vợ và đứa con thơ, cùng với tư tưởng “sợ làm người tốt” trong một bộ phận người dân. Khi mà, cái đáng sợ nhất của một số trẻ hiện nay là nhận thức lệch lạc, không nhận ra mình sai, nên dễ xem người khác góp ý là xúc phạm mình.
Đã có không ít sự thảng thốt: Tại sao xã hội chúng ta lại có những đứa trẻ mới lớn mà đã đầy tính côn đồ như trường hợp này, chỉ một va chạm nhỏ đã rút dao đâm người? Hay là từ giờ ra đường thì nhắm mắt làm ngơ trước những việc chướng tai gai mắt, mặc kệ những kẻ phạm luật, bởi nhắc nhở thì chỉ thiệt vào thân. Nhẹ thì bị đánh đập, gây thương tích, nặng thì mất mạng...
Thế nhưng, một cộng đồng mà đứng trước những việc sai trái, không ai dám nhắc nhở, vì sợ bị đánh, bị giết như trường hợp này thì thử hỏi, chúng ta sẽ sống ra sao? Đâu chỉ riêng mấy chuyện nhắc đừng vượt đèn đỏ, đưa người đi cấp cứu, mà rất nhiều câu chuyện thương tâm chỉ vì trót làm người tốt: Nhặt được đồ đánh rơi, bị chụp luôn cái mũ “thằng ăn cắp”. Mới đây nhất là vụ tài xế cứu cháu bé giữa đường bỗng chốc rơi vào vòng lao lý..v..v.
Có thể bạn quan tâm
“Áo giáp” nào che chở được lòng tốt?
06:00, 19/05/2018
Điều tử tế: Tự sản xuất hay "gia công lắp ráp"?
05:30, 29/06/2018
Mạn đàm về sự tử tế
05:31, 22/03/2018
Mặt khác, sự việc đau lòng này chứng minh thêm một điều rằng: Làm người tốt khó biết nhường nào khi pháp luật Việt Nam tồn tại “tranh tối, tranh sáng” về các tội danh giết người, cố ý gây thương tích, cố ý gây thương tích dẫn đến chết người... cần phải sửa để giữ nghiêm phép nước, răn đe kẻ xấu khi có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe người khác. Tất cả các hành vi này dù ý thức là gì đều là “tội giết người” bỏ đi các tội danh khác. Có như vậy mới răn đe được quỷ dữ!
Bên cạnh câu chuyện đau lòng này, thời gian qua, cả nước đã bức xúc về vấn đề gọi vong chùa Ba Vàng, nữ sinh đánh nhau trong chính trường học, “giang hồ mạng” Khá Bảnh được giới trẻ thần tượng một cách thái quá, sai lầm. Nó cho thấy rõ một điều là đạo đức xã hội đang xuống cấp nghiêm trọng.
Mà khi những thang bậc xã hội xuống cấp thì mọi vấn đề tưởng như bình thường lại trở nên bất thường. Nói như nguyên Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự: “Khi đạo đức xuống cấp, cái tốt không được ca ngợi, thậm chí có những người có hành động tốt còn bị coi là hâm, không bình thường. Tự nhiên người đó bị nhìn nhận theo một cách bất thường, trong khi đáng lý ra đó là điều hết sức bình thường”.
“Đạo đức xuống cấp do kinh tế hay văn hóa?” đây cũng chính là câu hỏi đã làm nóng nghị trường Quốc hội trong buổi Chất vấn tại kỳ họp Quốc hội thứ 6, hồi tháng 10/2018 vừa qua. Cần phải tìm cốt lõi của nguyên nhân dẫn tới đạo đức xã hội, giá trị văn hóa xã hội của dân tộc đang dần bị mai một.
Nếu đổ lỗi cho việc đây là tác động của nền kinh tế thị trường, đây chính là “mặt trái” đang tàn phá và làm xói mòn đi giá trị tốt đẹp của xã hội. Con người chạy theo đồng tiền, bỏ mặc con cái trước tác động, giáo dục của xã hội.
Nhưng nếu chỉ đổ lỗi riêng cho kinh tế, cho sức nóng của đồng tiền, của nền kinh tế thị trường, thì liệu đã đủ công bằng hay chưa? Bởi vì, mọi thứ đều xuất phát từ gia đình trước tiên. Gia đình là nền tảng của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách của trẻ em. Quan điểm này rất đúng trong mọi hoàn cảnh, xã hội thời đại nào muốn phát triển thì gia đình phải là nền tảng đầu tiên.
Chính gia đình tạo nên nhân cách con người, định hình lối sống và tư duy cá nhân. Nếu bố mẹ không gương mẫu, thầy cô không nhận được sự tôn trọng của học trò, cán bộ có chức có quyền hư hỏng, sa ngã, thì rất khó có thể duy trì đạo đức và tôn ti trật tự trong xã hội.
Có thể nói, nhân cách con người được tạo nên bởi môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Thiếu một trong ba yếu tố hoặc có ba yếu tố nhưng mâu thuẫn khập khiễng thì phần lớn nhân cách sẽ méo mó. Sự méo mó nhân cách không chỉ là vấn đề liên quan “văn hoá giao thông” mà len lỏi, hiện diện ở mọi ngóc ngách đời sống như sự rò rỉ, thấm nước vậy. Chỉ có thể ngăn chặn rò rỉ, thấm nước bằng giải pháp khắc phục từ gốc rễ mà thôi!