Gian dối điểm thi: Tội ác và hiểm họa
Hiền tài là nguyên khí quốc gia nhưng gian lận trong thi cử đó là tội ác và hiểm họa.
Gian dối trong giáo dục không phải là vấn đề mới trong xã hội bây giờ. Đó là vấn nạn của lịch sử. Từ lịch sử phong kiến đến giờ sử sách ghi lại rất nhiều các giai đoạn sự gian dối trong thi cử đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của đất nước. Thậm chí những người gian dối trong thi cử còn bị xử tử.
Ví dụ như tiến sĩ Ngô Sách Tuân bị kết tội giảo (thắt cổ chết) do gian lận thi cử năm 1696, chủ khảo trường thi Phó đô ngự sử Ngô Hải đồng phạm bị bãi quan, Lê Quý Kiệt bị đuổi về làm thường dân còn Đinh Thì Trung bị bắt đi đày sau vụ gian lận đánh tráo bài thi cho nhau tại khoa thi Hương năm 1775,...
Chưa lúc nào giáo dục bê bối như lúc này, khắp nơi người dân luận bàn về giáo dục.Quay trở lại câu chuyện gian lận trong thi cử vừa qua mà sau 9 tháng điều tra mới có kết luận cuối cùng làm rúng động dư luận. Thật khó tin khi chứng kiến chuyện hàng loạt thí sinh điểm 0, điểm 1, điểm 2... bị các trường Đại học danh tiếng trả về.
Có thể bạn quan tâm
Khá “bảnh” và giáo dục
05:00, 09/04/2019
Nâng điểm thi: Trăm dâu đổ đầu “con dân"
11:00, 13/04/2019
Sửa điểm thi: Do đâu và vì sao?
05:33, 24/07/2018
Thật kinh hoàng khi biết rằng một thí sinh ở Sơn La có điểm thi lần lượt 3 môn Toán - Vật lý - Ngoại ngữ là: 9-9-9, nhưng khi chấm thẩm định, điểm số thật lần lượt là: 0 - 0,25 - 0,2.
Vậy trong suốt những năm học phổ thông những thí sinh đó đã học những gì để kiến thức cơ bản cũng không có?
Sau khi thanh tra vào cuộc hậu quả là các trường Công an đã phải trả lại 28 thí sinh gian dối, trường Đại học Y, đến thời điểm này ít nhất cũng đã trả lại 1 thí sinh gian dối.
Ai cũng biết, những trường đại học này đào tạo những con người chăm lo sức khỏe và bảo vệ tính mạng người dân. Và sự gian dối này trong giáo dục thực sự là một tội ác, sự hiểm nguy cho quốc gia, dân tộc.
Thế nhưng, đến thời điểm này mới chỉ có một vài chuyên viên cùng một vài lãnh đạo ở cấp phó sở Giáo dục bị khởi tố. Có lẽ, ai cũng biết một chuyên viên sao có thể can thiệp được số lượng lớn điểm sửa như thế được?
Vậy ai đã đứng sau tác động lên các quan chức và các công chức sở? Ai sẵn sàng dùng tiền, dùng quyền để hô biến những thí sinh không đủ 1 điểm 3 môn thành những tú tài, những thủ khoa của những ngành nghề trọng yếu quốc gia?
Nực cười hơn cả, là vùng trũng giáo dục, điểm trung bình 9 môn thi THPT quốc gia thuộc hàng thấp nhất cả nước, nhưng Hà Giang có hàng trăm thí sinh đạt từ 9 điểm trở lên ở các môn khoa học tự nhiên. 36/76 thí sinh cả nước có tổng điểm khối A1 trên 27 đến từ Hà Giang. Với khối A, tỉnh biên giới cũng chiếm tới 1/3 số thí sinh được trên 27 điểm.
Những con số bất thường khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo lập đoàn công tác, với sự tham gia của Bộ Công an, lên Hà Giang để làm rõ. Kết quả, 114 thí sinh bị phát hiện có sai lệch, cá biệt có em tổng điểm các môn tăng tới 29,95.
Chưa lúc nào giáo dục bê bối như lúc này, khắp nơi người dân luận bàn về giáo dục. Từ bạo lực học đường đến lạm dụng tình dục, từ thầy dâm ô với trẻ đến cô giáo vào nhà nghỉ với học sinh. Và bây giờ là gian dối điểm thi trong kỳ thi quan trọng bậc nhất của quốc gia.
Không ngoa khi nói thời điểm này giáo dục của ta đã bê bối đến mức đỉnh điểm. Dường như những thước đo về chuẩn mực đều bị xóa bỏ.
Mỗi chúng ta có lẽ đều không thể “làm ngơ” trước vấn nạn gian lận trong thi cử nữa. Sẽ như thế nào nếu một người không đủ 1 điểm cho 3 môn thi sẽ làm bác sỹ khám bệnh. Sẽ như thế nào nếu đó là một người trong ngành an ninh. Đây thực sự là một tội ác khi họ chỉ màng đến lợi ích cá nhân mà mang “vận mệnh” của cả một tương lai ra đánh đổi.
Tiền nào, vật chất nào có thể đánh đổi được cho việc này. Đó là câu hỏi mà người dân đang rất mong chờ câu trả lời và kết luận cuối cùng cho những kẻ đã định “đầu độc” tương lai của đất nước.