Khá “bảnh” và giáo dục

Trương Khắc Trà 09/04/2019 05:00

Nếu các vấn đề đưa ra không có tính khoa học, tính giáo dục thì nó trở nên phù phiếm, hình thức sáo rỗng, không có ý nghĩa.

Giáo dục là căn cốt thịnh vượng của mọi xã hội, nhưng giáo dục không phải “chiếc đũa thần” có thể biến mọi công dân thành người tốt. Sự lạc lối nhân cách của một bộ phận người như là sai số đương nhiên trong quá trình trưởng thành.

Thế nên mới có cụm từ “giáo dục” trước “đào tạo”. Giáo dục là một quá trình, có thất bại có thành công, điều đó biểu hiện rõ trên từng cá thể người và toàn xã hội.

Một vài “điển hình hư hỏng” không thể dùng phép suy ra bao trùm hết thảy một lĩnh vực lớn, nhưng nếu có quá nhiều những “điển hình” như thế, đích thị giáo dục đã sai. Khi giáo dục sai lầm thì khâu đào tạo không thể thành công - đó là nguyên lý.

Khá “bảnh”, Tuyền “thánh chửi”… dù muốn hay không phải thừa nhận đó là sản phẩm lỗi của nền giáo dục. Bản thân những cá nhân này phải được “giáo dục” lại bằng một hệ thống đặc biệt.

Nếu lấy Khá “bảnh” để giáo dục cho học sinh? Điều đó xem ra phi logic giáo dục. Vì không thể lấy cái “phi giáo dục” để uốn nắn cái cần giáo dục.

Khá “bảnh” đã được lấy vào đề thi học sinh giỏi Văn của một trường phổ thông để học sinh cảm nhận, biểu đạt ý kiến…qua đó có tác dụng giáo dục, định hướng!?

Khá

Khá "bảnh vào đề thi học sinh giỏi Văn

Đây không phải là lần đầu tiên một hiện tượng trái nghịch trong đời sống được lấy làm đề tài phản biện cho học sinh phổ thông, đã từng có Ngọc Trinh, Sơn Tùng, Bà Tưng, Chi Pu…

Thế nhưng, học sinh thu hoạch được gì? Hay càng ngày càng xuất hiện thêm những vụ việc đau lòng mà “tác giả” là những em học sinh từng buộc phải lên án tập thể những người bị xem là phản cảm.

Có thể bạn quan tâm

  • Từ Khá Bảnh đến Yeah1

    Từ Khá Bảnh đến Yeah1

    05:00, 05/04/2019

Khá “bảnh” được theo dõi bởi 2 triệu người trên Youtobe, chắc chắn trong đó đa phần lứa tuổi học sinh. Các em hâm mộ một thanh niên giang hồ, chửi bới, kém văn hóa cũng bởi vì còn khiếm khuyết quan điểm thẩm mỹ.

Giờ những người chưa hoàn thiện quan điểm thẩm mỹ buộc phải bày tỏ quan điểm thật đứng đắn về một người khác bị xã hội lên án là phi giáo dục. Cách làm có vẻ khiên cưỡng, sáo rỗng.

Những người chấm bài sẽ ứng xử ra sao nếu có quan điểm thiểu số, cá nhân về phía “lề trái” - tức là khác với những gì dư luận, báo đài rầm rập lên án suốt thời gian qua.

Những bài như thế có được phép tồn tại? Hay sẽ quy những học sinh đó là thiên lệch, sai lầm? Trong khi yêu cầu của đề thi là ý kiến phản biện, bày tỏ suy nghĩ cá nhân.

Mặc dù không ai nói ra, nhưng người ta đã mặc định rằng, học sinh buộc phải “nói leo” lên án Khá “bảnh” cho hợp xu thế, là sườn bài không bao giờ bị lạc đề. Vô tình, nhà trường giáo dục học sinh chỉ trích kẻ khác.

Sẽ rất tốt nếu những hiện tượng như Khá “bảnh” vào đề thi khi chưa bị dư luận lên án, lúc đó ý kiến học sinh mới thật sự quý giá, người làm giáo dục sẽ đong đếm chính xác hiệu quả của mình.

Quan điểm mỗi người mỗi khác, kiểu đề bài như Khá “bảnh” chỉ làm xuất hiện tư duy đồng phục, một chiều. Đó là cái nên tránh trong giáo dục thời 4.0.

Lớp người mà mạng xã hội gọi là “trẻ trâu” sẽ lột xác khi đủ độ chín trưởng thành, đó là quá trình tự nhiên được dẫn dắt bởi ánh sáng giáo dục. Ví dụ, tuổi 18 đôi mươi có thể thích những bản nhạc “thị trường”, ca từ đơn giản, có phần kệch cỡm nhưng khi lớn lên thị hiếu thẩm mỹ sẽ chuyển đổi theo chiều sâu.

Việc đổi mới cách thức ra đề thi cho thấy sự chuyển biến theo hướng tích cực của việc dạy và học. Sự ảnh hưởng của thời đại công nghệ 4.0 đã phần nào đi vào quá trình dạy và học.

Tuy nhiên cần cân nhắc trong việc lựa chọn vấn đề. Vì các vấn đề có tính thời sự, xu hướng không có tính bền vững sẽ nhanh chóng trở thành cái xưa cũ khi dư luận không quan tâm đến nữa. Nếu các vấn đề đưa ra không có tính khoa học, tính giáo dục thì nó trở nên phù phiếm, hình thức sáo rỗng, không có ý nghĩa.

Việc của nhà trường là cần khơi gợi những vụ việc như Khá “bảnh”, phân tích lợi hại để học sinh cần tránh, đồng thời không nên gượng ép học sinh phải bày tỏ quan điểm “chững chạc” như người trưởng thành.

Thực tiễn xã hội không thiếu chất liệu để đưa vào đề thi. Vì sao đó không phải là 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc; em bé vùng cao rách rưới đến trường; đống rác trước ngõ phố?...         

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khá “bảnh” và giáo dục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO