Bộ “Kinh tế sáng tạo”
Kinh tế sáng tạo cần một cơ quan chuyên trách quản lý hay cần nhân lực, thể chế và quyết tâm?
Tháng trước mua chiếc điện thoại mới cong keng, tưởng là mới nhất, nhưng tháng sau lại xuất hiện cái mới hơn, rẻ hơn, đẹp hơn, đa tính năng hơn. Khách hàng cảm thấy… xây xẩm mặt mày vì phải chạy theo vòng đời của sảm phẩm!
Đó là biểu hiện dễ thấy nhất của một nền kinh tế sáng tạo - luôn thay đổi các ý tưởng về sản phẩm, về hàng hóa, về chất lượng để đem lại lợi thế cạnh tranh về kinh doanh và các nền kinh tế quốc gia. Đó là nội hàm của “kinh tế sáng tạo”.
Nói rộng ra, “sáng tạo” là một đặc trưng của con người, từ thời đại đồ đá đến đồ đồng và đồ sắt như ngày nay là một quá trình sáng tạo; bước tiếp nối từ cuộc cách mạng công nghiêp lần thứ nhất đến lần thứ tư cũng là quá trình sáng tạo.
Đi vào tiểu tiết mỗi quốc gia - nói một cách dễ hiểu, sáng tạo là làm ra những thứ chưa ai làm, khai phá những lĩnh vực chưa ai đi tới. Nếu một nền kinh tế hội đủ các tiêu chí đó thì được gọi là nền “kinh tế sáng tạo”.
Đi vào từng doanh nghiệp, nếu họ kinh doanh, sản xuất những thứ chưa ai kinh doanh, hoặc kinh doanh, sản xuất lĩnh vực cũ bằng phương tiện hoàn toàn mới… thì có thể gọi là sáng tạo.
Nền kinh tế sáng tạo tất yếu xuất hiện trong quốc gia sáng tạo, bao gồm cả văn hóa, nghệ thuật, điện ảnh. Quốc gia sáng tạo sẽ hỗ trợ đắc lực cho kinh tế sáng tạo. Một nền kinh tế sáng tạo không phụ thuộc hoàn toàn vào năng suất lao động hay tài nguyên thiên nhiên mà còn dựa vào các ứng dụng công nghệ và sự học hỏi, đổi mới.
Hay nói cách khác, để có kinh tế sáng tạo trước tiên phải có con người sáng tạo, thể chế sáng tạo, môi trường sáng tạo, chính sách sáng tạo…
Có thể bạn quan tâm
Đề xuất thành lập “Bộ Kinh tế sáng tạo”
11:30, 14/05/2019
Việt Nam có gì và cần gì cho nền kinh tế sáng tạo?
11:30, 15/02/2019
Vậy nên, sự sáng tạo không gói gọn trong bất cứ lĩnh vực nào, cơ quan nào, một phần do bản chất của kinh tế sáng tạo và sự liên đới của các cơ quan quản lý nhà nước.
Ví dụ, để làm thông thoáng môi trường kinh doanh, chỉ mỗi Bộ Kế hoạch đầu tư và Bộ Công thương là chưa đủ; để kích thích khoa học công nghệ, Bộ Khoa học Công nghệ có 3 đầu sáu tay cũng chào thua; chỉ mỗi Trung ương khó làm được, hoặc chỉ địa phương đơn lẻ lại càng khó.
Kinh tế sáng tạo là đòi hỏi thực tế ở Việt Nam - một nền kinh tế chỉ dựa vào xuất khẩu thô, gia công lắp ráp, nếu có sản xuất sáng tạo cũng là của nước ngoài đầu tư.
Vậy, ai sẽ quản lý kinh tế sáng tạo? Câu trả lời là không ai quản lý chuyên biệt kinh tế sáng tạo và không ai nằm ngoài kinh tế sáng tạo nếu muốn tồn tại và phát triển, đưa đất nước hóa rồng hóa hổ.
Bởi vì bản thân khái niệm kinh tế sáng tạo là vô hình, “sáng tạo” cũng là đặc tính trừu tượng xuất phát từ ý tưởng của não bộ. Không ai quản lý được nó trừ cá nhân sở hữu ý tưởng sáng tạo.
Đem cái hữu hình là “quản lý nhà nước” để áp vào cái vô hình là “kinh tế sáng tạo” là cách làm không có tác dụng. Nếu không muốn nói lại làm sinh sản thêm thủ tục hành chính ngáng đường.
Người viết cho rằng, việc thành lập Bộ “Kinh tế sáng tạo” là không cần thiết, bởi vì nước ta đã có hàng chục Bộ, cơ quan tương đương Bộ quản lý tất thảy mọi vấn đề.
Để kích thích kinh tế sáng tạo, đôi khi phải làm ngược lại, bỏ bớt những đầu mối quản lý cấp Cục, Vụ, Sở… và hàng loạt cán bộ yếu năng lực, kém phẩm chất từ Trung ương tới địa phương.
Phát triển kinh tế sáng tạo ở Việt Nam hoàn toàn khác với các quốc gia còn lại, không thể thành công với giải pháp chung chung kiểu: “Đổi mới các chính sách, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, học hỏi lẫn nhau, áp dụng công nghệ tối tân với tư duy đột phá…”
Mà trước hết, hãy xem hơn 400 trường đại học, học viện, cao đẳng đang đào tạo ra những trí thức như thế nào; các viện nghiên cứu sáng tạo ra được sản phẩm gì? Hơn 24 ngàn tiến sĩ và 8.000 giáo sư đang ở đâu…?
Khác với kinh tế thông thường, kinh tế sáng tạo cần đầu vào là trí tuệ, cho ra đời những phát minh mới rồi áp dụng vào sản xuất kinh doanh. Đó phải là nội lực của một quốc gia không phải đi vay mượn, mua sắm hoặc thuê mướn…
Sáng tạo là một quá trình, buộc phải đi từ xuất phát điểm chứ không thể theo khẩu hiệu “đi tắt đón đầu”..
Ví dụ, việc phát minh ra động cơ đốt trong rồi cải tạo, nâng cấp nó qua nhiều năm và ứng dụng nó trong nhiều lĩnh vực chưa ai làm, đó mới là bản chất của sáng tạo. Nếu Việt Nam muốn có kinh tế sáng tạo bằng lĩnh vực sản xuất ôtô thì phải làm từ khâu nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, đi kèm đó là sự sáng tạo của hàng trăm, hàng nghìn ngành phụ trợ xung quanh.
Nói tóm lại, Việt Nam không cần thêm một đầu mối quản lý kinh tế sáng tạo, mà cần nhất là chất lượng con người, kể cả lãnh đạo hay nhân công trong nhà máy.