[VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Đất nước khó hùng cường nếu thiếu “tư duy lớn” (Bài 2)

Trương Khắc Trà 13/06/2019 06:06

Thật ra, “tư duy lớn” chưa phải là một khái niệm đầy đủ “nội hàm” và “ngoại diên”, mà là thuật ngữ để chỉ một đặc tính tiến bộ của thế giới quan con người.

Nhiều người “duy vật” sẽ thắc mắc tại sao để đất nước hùng cường không phải thay đổi từ thực tiễn mà phải bắt đầu bằng tư duy?. Nếu suy đến cùng thực tiễn quyết định tư duy, nhưng thời điểm hiện tại, người Việt cần làm mới làm mới tư duy để bắt kịp thực tiễn.

Khổng Tử nói “Tính tương cận, tập tương viễn” - tính cách thì gần gũi nhưng để thay đổi nó là quá trình dài, người Việt cũng nói “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”.

Thay đổi tư duy không bao giờ là việc dễ dàng, đặc biệt thay đổi tư duy của người khác, của cả cộng đồng người là một tham vọng rất lớn, nhưng vẫn có thể làm được nếu như đủ quyết tâm từ thượng tầng kiến trúc, nắm bắt được luồng khai minh tân tiến.

Có thể bạn quan tâm

  • Đất nước khó hùng cường nếu thiếu “tư duy lớn” (Bài 1)

    Đất nước khó hùng cường nếu thiếu “tư duy lớn” (Bài 1)

    08:00, 12/06/2019

Thật ra, “tư duy lớn” chưa phải là một khái niệm đầy đủ “nội hàm” và “ngoại diên”, mà chỉ là một thuật ngữ để chỉ một đặc tính tiến bộ của thế giới quan con người.

Trong bài viết này tôi tạm gọi đó là “tư duy logic, tư duy biện chứng”, biểu hiện ở tính liên kết chặt chẽ khi suy nghĩ và hành động, có mục đích, hài hòa giữa cái chung và cái riêng, cá nhân và tập thể.

Cụ thể hơn, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, mình vì mọi người, mọi người vì mình - để chúng ta không còn là những người Việt Nam khu biệt với thế giới, để con đường tiến lên của đất nước không bị lỗi nhịp với xu hướng vận động chung.

Theo nghĩa cơ học, tập hợp của tư duy cá nhân sẽ tạo thành “tư duy dân tộc”- đó là kho tàng lý luận. Vì vậy tư duy cá nhân và tư duy dân tộc có mối quan hệ biện chứng với nhau. Điều đó cho thấy rằng vì sao các nước văn minh thịnh vượng luôn sở hữu kho tàng lý luận đáng nể.

Nếu một đất nước nào đó có kho tàng lý luận phong phú mà không trở nên giàu có bền vững thì nhất quyết lỗi ở những nhà hoạch định chính sách!

Vậy làm sao để có “tư duy lớn”? Yếu tố căn bản nằm ở giáo dục - nhận định này không mới nhưng chưa bao giờ hết tính thời sự, và sẽ còn quan trọng kể cả khi người Việt đạt đến tầm với các quốc gia tiên tiến.

Rất đơn giản, bạn hãy so sánh giữa một người được đào tạo bài bản và một người mù chữ, sẽ thấy được sức mạnh của giáo dục; xa hơn hãy so sánh hai đất nước, một có nền giáo dục tiên tiến và một có nền giáo dục lạc hậu. Từ đó sẽ cho ra hai kết quả trái ngược nhau trong nhận thức và hành động.

Đầu tiên là mục đích của giáo dục, tôi không nói tất cả - nhưng là số đông và phổ biến ở nhiều cấp học “đọc - chép” đang rất phổ biến, chân lý hoàn toàn thuộc về sách giáo khoa và người truyền thụ.

Giáo dục phải đi tiên phong trong công cuộc thay đổi nhận thức

Giáo dục phải đi tiên phong trong công cuộc thay đổi nhận thức

Không ai nói ra nhưng sợi dây Nho giáo vẫn còn rất nặng nề, sự học là để làm quan, để vinh thân, để nhàn hạ với đồng lương còm cõi, như thế là đủ đảm bảo cuộc sống ôn tồn, tránh va chạm, tránh rủi ro theo “kinh tế thị trường”.

Nhiều thế hệ trưởng thành từ nền giáo dục mang tính chất “thọ giáo” nên thói quen phản biện hầu như không tồn tại. Trong tổ chức đó là những người “ít đóng góp ý kiến”, ngoài xã hội đó là những con người “không dám lên tiếng bảo vệ lẽ phải, công lý”.

Kết quả, không ai muốn (dám) nhìn thẳng vào sự thật, nói tránh, nói né, biến người có quyền lực thành “chân lý tối thượng”. Vì không hiếm hoi phản biện nên những việc cần quyết sách quan trọng luôn dựa vào tập thể, ngoài xã hội đó là “tâm lý đám đông”.

Trong gia đình, bố mẹ dạy con cái sử dụng mẹo nhiều hơn trí, thấy cái khó thì tránh xa, cái gì dễ mới làm, tham gia việc xã hội thì bị cho “vác tù và hàng tổng”.

Gần đây, mạng xã hội tranh luận nhau quyết liệt về khái niệm “tri thức” hay “trí thức”. Vâng, tôi thấy tri thức chỉ là người có kiến thức, còn trí thức là người biết dùng kiến thức ấy để thể hiện sự xót đau với thực trạng xã hội, yêu thương đồng loại, lên án cái xấu xa, không cúi đầu trước cường quyền.

Muốn có con người mang tư duy lớn, hoài bão lớn, trước hết hãy dạy cho con em chúng ta biết phản biện, biết nghi ngờ chân lý - nếu không nghi ngờ chân lý thì muôn đời hậu thế không thể bổ sung thêm gì vào kho tàng do cha ông để lại.

Nước ngoài có xe ôm công nghệ, nếu ta cũng làm xe ôm công nghệ cũng chỉ mới giải quyết được 50% vấn đề, vì sao không phải là thứ gì khác, tại sao xe ôm công nghệ đến từ phương Tây mà không phải do chính chúng ta nghĩ ra?

Óc phản biện là đầu mối của khác biệt

Óc phản biện là đầu mối của khác biệt

Chúng ta không thể mãi mãi men theo lối mòn xưa cũ, dẫu chính sách đúng đắn sáng tạo tới đâu mà con người không dám đột phá, không dám đối mặt với thách thức thì không bao giờ chính sách ấy biến thành cơm ăn nước uống.

Và, chúng ta đang dạy cho học sinh những gì? Một hội thảo khoa học mới đây, một giảng viên lâu năm trong ngành công nghệ thông tin, mang học hàm Phó Giáo sư nói rằng: “Chúng ta đang dạy những thứ mà thế giới đã bỏ đi” (đó là ngôn ngữ lập trình Pascal).

Cách đây vài năm, tôi có dự khán buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp của sinh viên một trường đại học rất uy tín ở Miền Trung (xin giấu tên), một sinh viên trình bày đề tài “Khảo sát nguyên lý hoạt động của động cơ đốt trong”.

Vị giáo sư phản biện nói ngắn gọn: “Bây giờ thế giới đã cải tiến loại động cơ này lên rất cao so với khi mới ra đời, hơn 1 thế kỷ, em sẽ là kỹ sư chế tạo máy, sao không nghiên cứu chế tạo, hay thứ gì đó mới mẻ hơn mà chỉ đi khảo sát cái thế giới đã đổ đống”.

Cải tiến nền giáo dục là mục tiêu dài hạn, có cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn, có mô hình hướng tới chứ không phải chỉ rộ lên khi xã hội kêu cứu xuất phát từ một vài vụ việc cụ thể.

Nhật Bản thay đổi nhận thức con người chỉ bằng một cuốn sách, đó là “Khuyến học” của Fukuzawa Yukichi. Trong cuốn sách này, Yukichi đề cập tinh thần cơ bản của con người và mục đích thực thụ của học vấn. Với các chương viết về sự bình đẳng, quyền con người, ý nghĩa của nền học vấn mới, trách nhiệm của nhân dân và chính phủ trong một quốc gia pháp trị...

Còn tiếp…

Trương Khắc Trà