[VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Đất nước khó hùng cường nếu thiếu “tư duy lớn” (Bài 1)

Trương Khắc Trà 12/06/2019 08:00

Chúng ta đang thiếu tư duy lớn từ những điều nhỏ bé, nhưng quá nhiều tư duy nhỏ ở những việc lớn lao...

Tỷ phú Lý Gia Thành nói trong bài diễn thuyết gây chấn động: “Tôi phản đối việc làm công cả đời, bởi vì làm công là cách đầu tư ngu ngốc nhất”. Dù bạn nghĩ đến việc thay đổi, làm giàu cả trăm, ngàn lần đi nữa, nhưng nếu bạn không làm, hoặc không dám làm, vậy bạn đã thua rồi. Thua chính mình!

Người Việt rất thích giàu vật chất, hãy nhìn xem sự cần cù nhẫn nại có ở mọi nơi, trên đường phố, trong nhà xưởng, giữa đồng ruộng… nhưng vì sao đất nước chưa giàu, thậm chí tụt hậu so với khu vực và thế giới?

Một lần vào nhà máy dệt nhuộm để liên hệ công tác, tôi chẳng tìm thấy gì ngoài những câu trả lời “sếp đi vắng”, mọi bộ phận do người Việt nắm giữ trong đó chỉ đóng vai trò “gác cổng”- họ không thể quyết định bất cứ điều gì, họ thụ động và cảm thấy sợ sệt.

Quan sát trong công xưởng, ta thấy người Việt hầu như đảm nhận những công việc không mấy quan trọng, nhìn tấm băng-rôn tuyển dụng lao động với số lượng hàng ngàn giăng bên hàng rào nhà máy đủ thấy chúng ta chỉ có “lượng”.

Chúng ta xem “công nhân” như một nghề thời vụ, kiếm tiền để giải quyết nhu cầu trước mắt, và chúng ta ở rất xa khái niệm “chuỗi lợi ích toàn cầu”.        

Nhìn ra giữa đồng ruộng, bao đời nay không có gì đổi thay, sống chết với cây lúa, với mùa vụ cố định từ rất xa xưa. Không một ai muốn làm gì khác, họ đổ lỗi cho thiên nhiên và hài lòng với tính “ổn định” của nghề nông.

Nhìn ra đường, người Việt ta bận rộn lắm! Vài giây đèn đỏ cảm giác như mình bị bỏ lại phía sau, ai cũng lao về phía trước, rồi va chạm, tai nạn giao thông - nơi phát sinh thứ văn hóa cá nhân đáng quan ngại.

Tư duy nhỏ trên những con đường (Hình minh họa)

Tư duy nhỏ trên những con đường (Hình minh họa)

Một lối đi đường “bất quy tắc” bùng nhùng, những con đường quanh co, đắt đỏ, lấp xuống lại đào lên, quy hoạch sau chồng lên quy hoạch trước… phần nào cho thấy tư duy cẩu thả của người Việt, gặp chăng hay chớ, miễn được việc mình.

Chúng ta đang tư duy… rất nhỏ từ nhiều phía, nhiều khía cạnh, nhiều tầng nấc, hệ quả là một nền kinh tế “buôn thúng bán bưng”, “lấy ngắn nuôi dài” mà vì sao không phải “lấy dài nuôi ngắn”?

Có thể bạn quan tâm

  • Đổi mới tư duy quản lý đầu tư

    Đổi mới tư duy quản lý đầu tư

    11:09, 20/02/2019

  • Đổi mới tư duy quản trị sẽ thúc đẩy công nghệ phát triển

    Đổi mới tư duy quản trị sẽ thúc đẩy công nghệ phát triển

    16:32, 08/09/2018

  • Tiếp tục đổi mới tư duy, tạo bước đột phá về chính sách để phát triển bền vững

    Tiếp tục đổi mới tư duy, tạo bước đột phá về chính sách để phát triển bền vững

    09:00, 30/04/2018

Tôi khẳng định rằng, người Việt là một trong những dân tộc khát khao thịnh vượng hơn bất cứ dân tộc nào. Chỉ có điều cách người Việt quan điểm về thịnh vượng khác so với đa số.

Đa số người Việt chỉ mưu cầu thịnh vượng cá nhân, gia đình và dòng tộc, ước mơ cải tạo xã hội, thay đổi định kiến bị cho là viễn vông. Thật khó để tồn tại quan điểm “tôi giàu cho làng xóm giàu theo” trong xã hội ta, ngược lại “tôi không muốn ai bằng mình, tôi không thích ai đó giỏi hơn mình”.

Người Việt thích giàu có, đề huề nhưng có tâm lý ghét người giàu, ghét đến mức muốn “xúc đất đổ đi” - như nhận xét của ông Trần Đình Thiên.

Tâm lý người Việt vừa thực tế, vừa mơ mộng nhưng không đủ kiên nhẫn tìm tòi, gạn lọc để nâng lý thuyết thành lý luận riêng, không dám làm lớn, coi khinh cái bé nhỏ và chẳng quan tâm tới cái bình thường.

Không dám làm lớn, coi khinh cái bé nhỏ và không quan tâm cái bình thường (Hình minh họa)

Không dám làm lớn, coi khinh cái bé nhỏ và không quan tâm cái bình thường (Hình minh họa)

Kiểu tư duy đó xuất hiện khá phổ biến, từ chính sách, ví dụ: Người ta hay nói đến những mục tiêu tổng quát, rất dài, rất lớn, nhưng không thể chỉ ra cụ thể làm sao để thực hiện mục tiêu đó, nếu chẳng may thất bại thì nguyên nhân không thuộc về mình.

“Make in Viet Nam” mới được nhắc đến với rất nhiều hứa hẹn, nhưng không thấy ai rốt ráo để hoàn thiện và đưa vào hoạt động Khu công nghệ cao Hòa Lạc - dù đã khởi công 2 thập kỷ!

Trong 2 thập kỷ vừa qua, Apple cho ra đời 10 thế hệ sản phẩm, Internet vạn vận kết nối cũng ra đời và được áp dụng, Trung Quốc trở thành siêu cường, xe cộ, thiết bị thông minh của Hàn Quốc, Nhật Bản đã tràn ngập ở Việt Nam, rất nhiều thứ từng là tân tiến giờ bị bỏ đi…

“Make in Viet Nam” là rất thực tế với xu thế hiện tại, nhưng khá viển vông với thực lực hiện có, và chúng ta cũng không đủ bình tĩnh để rút ra điều gì sau khi mục tiêu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp sau đây 1 năm nữa (2020) coi như thất bại, và tuyệt nhiên không thấy bài học gì từ các khu công nghệ cao - với tư cách là bệ đỡ cho “Make in Viet Nam”.

Chúng ta đang thiếu tư duy lớn từ những điều nhỏ bé, nhưng quá nhiều tư duy nhỏ ở những việc lớn lao.

Người Israel trồng rau bằng tư duy rất lớn, họ trồng rau để cải tạo tự nhiên, để sản xuất ra những sản phẩm mà thế giới chưa có, để đảm bảo an ninh lương thực và phát triển quốc gia.

Người Việt trồng rau để chống nạn thực phẩm bẩn, để tận dụng sự ưu đãi của khí hậu, để mang ra chợ bán kiếm đồng ra đồng vào, không ai hướng đến trồng rau để bán cho châu Âu, châu Mỹ... Rau quá tầm thường để trở thành đặc sản quốc gia?

Người Israel không có đồng bằng màu mỡ, không có khí hậu nhiệt đới, nhưng họ biết cách lấy "đoản khúc chế trường trận", còn ta có đồng bằng màu mỡ nhất thế giới nhưng biến "sở trường thành sở đoản"... Vì sao?

Người Israel dạy con - một việc rất hệ trọng, bằng cách làm đơn giản, còn người Việt ta dạy con - một điều bình thường nhưng bằng tất cả sự rối rắm phức tạp không cần thiết.

Trong phát triển kinh tế, chúng ta một mặt khích lệ phát triển cộng đồng doanh nghiệp, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020, nhưng cũng chính chúng ta giăng ra vô vàn thứ thủ tục hành chính để ngáng đường doanh nghiệp, sinh ra vô số “lệ” để giảm sức cạnh tranh của môi trường kinh doanh. Cuối cùng không biết ai là “thủ phạm chính”!

Cái chính, nói như ông Lý Gia Thành, “bạn thua vì bạn không dám làm”, không dám làm do thiếu tư duy lớn, thiếu đi sự khác biệt cần có.

Còn tiếp...

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
[VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Đất nước khó hùng cường nếu thiếu “tư duy lớn” (Bài 1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO