[VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Bàn về mô hình phát triển kinh tế (Bài 1)

Trương Khắc Trà 09/07/2019 05:12

Thế giới có hàng trăm nền kinh tế nhưng chung quy lại chỉ có vài mô hình tăng trưởng được tổng kết, Việt Nam không ngoại lệ.

Bất kỳ quốc gia nào cũng phải chọn cho mình “mô hình phát triển” - tức là phải giải quyết được mấy câu hỏi: Phát triển như thế nào? Đâu là động lực? Phát triển phục vụ ai?...

Từ mấy câu hỏi đó sẽ tạo ra bộ khung để chính sách, thể chế ban hành nhằm phục vụ cho mô hình ấy. Nhưng mô hình không phải là khái niệm có tính chất vĩnh hằng, có nghĩa là nó thay đổi theo tình hình thực tế.

Ví như trước đây (sau năm 1975), Việt Nam chọn (ưu tiên) công nghiệp nặng để vực dậy nền kinh tế bị tàn phá nặng nề sau mấy cuộc chiến tranh vệ quốc. Lúc đó, chọn công nghiệp nặng là phù hợp, bởi nó tương thích với trình độ của lực lượng lao động…

Sau đại hội VI/1986, tư duy đổi mới bắt đầu do tác động của tình hình thế giới và thực tiễn trì trệ trong nước. Mở cửa, nhận thấy ích lợi từ dòng giao thương Đông - Tây rầm rộ nên các nhà lãnh đạo hướng nền kinh tế vào xuất khẩu, dựa vào tài nguyên dồi dào, nhân công giá rẻ.

Sau thời điểm đó, các Tổng công ty 90, 91 ra đời trên cơ sở sắp xếp lại khu vực kinh tế nhà nước, nhưng còn thực hiện chức năng quan trọng nhất là “nhiệm vụ chính trị” - bảo đảm vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước như một mỏ neo trong tiến trình quá độ lên CNXH.

Việt Nam đã từng có thời kỳ tăng trưởng kinh tế kỷ lục

Việt Nam đã từng có thời kỳ tăng trưởng kinh tế kỷ lục.

Sau hơn 30 năm, mô hình xuất khẩu bắt đầu tới hạn, khi tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, môi trường ô nhiễm, xuất khẩu thô không giải quyết tận gốc bài toán phát triển bền vững; thặng dư thu về không xứng đáng với nguồn lực bỏ ra.

Có thể thấy, khoảng thời gian 2006 - 2010, kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất châu Á, nhưng cũng đồng nghĩa với việc các loại khoáng sản chiến lược như than đá, dầu lửa… bị khai thác cùng kiệt.

Nhưng khoảng thời gian 5 năm tăng trưởng mạnh mẽ về mặt “lượng” dường như không để lại nhiều tác dụng cho đến nay. Tuy tăng trưởng GDP, nhưng nợ công tăng, phần thất thoát do tham nhũng, quản lý yếu kém, lỗ do kinh tế nhà nước đầu tư tràn lan…

Hay nói cách khác, nguồn ngoại tệ thu về từ xuất khẩu thô không được tái đầu tư đúng cách. Tái đầu tư đúng cách ở đây theo nghĩa hẹp là: Tái đầu tư vào những ngành, lĩnh vực được xác định là xu thế trong thế kỷ 21, đó là kinh tế tri thức, nghiên cứu, phát triển…

Dĩ nhiên, muốn làm được điều đó - trước hết phải có đội ngũ các nhà kinh tế dự báo chiến lược trong vòng 10 năm, 20 năm, thậm chí 50 năm tới xu hướng phát triển của thế giới là gì, để chuẩn bị nguồn lực ở tầm quốc gia. Cái đó được gọi là “đi tắt đón đầu” đúng nghĩa!

Trong kinh tế, thực trạng đó được gọi là “hiệu suất sử dụng vốn” (chỉ số ICOR). Nếu giai đoạn 2000-2005 bỏ ra gần 5 đồng có thể tạo ra 1 đồng tăng thêm của GDP, đến giai đoạn 2006-2010 phải bỏ ra 7,4 đồng mới tạo ra 1 đồng tăng thêm của GDP.

Lượng vốn bỏ ra ngày một nhiều để tạo ra 1 đồng tăng thêm GDP cho thấy nhiều điều. Không loại trừ tham nhũng, thất thoát, nhưng thứ quan trọng hơn lại thuộc về “mô hình tăng trưởng”.

Ví dụ, cùng một đồng vốn nhưng mãi đầu tư vào lĩnh vực đã cũ, không phải lĩnh vực tiên phong, cũng không phải “đi đầu” xu thế nên hiệu quả thấp. Sự lao đao của taxi truyền thống trước taxi công nghệ cho thấy rõ điều đó.

Cụ thể hơn, giá trị thặng dư mà ngành sản xuất ôtô Nhật Bản mang lại rõ ràng lớn gấp hàng nghìn lần so với Việt Nam chỉ đầu tư vào trồng và bán thô hạt cà phê, tiêu, điều...

Khái quát lại, nếu mô hình tăng trưởng tân tiến, sẽ giúp đồng vốn phát huy hiệu quả cao hơn, ngược lại mô hình lạc hậu là nơi chôn vùi đồng vốn nhanh nhất!

Có thể bạn quan tâm

  • Nền tảng đổi mớip/mô hình tăng trưởng

    Nền tảng đổi mới mô hình tăng trưởng

    11:05, 29/05/2019

  • Mô hình tăng trưởng và cơ hội số

    Mô hình tăng trưởng và cơ hội số

    10:30, 30/04/2019

  • [DIỄN ĐÀN TẦM NHÌN VIỆT NAM 2045] Đi tìm các giải pháp hình thành mô hình tăng trưởng cho Việt Nam

    [DIỄN ĐÀN TẦM NHÌN VIỆT NAM 2045] Đi tìm các giải pháp hình thành mô hình tăng trưởng cho Việt Nam

    09:36, 21/03/2019

Từ những năm đầu thế kỷ 21 đến nay, mô hình tăng trưởng bằng kinh tế nhà nước bắt đầu phát lộ yếu điểm. Mất sức đề kháng do bao cấp, chậm thay đổi do được bao bọc, lợi ích nhóm, cục bộ…

Khi Việt Nam hội nhập mạnh, tham gia WTO, ký hơn chục FTA song phương lẫn đa phương thì làn sóng đầu tư nước ngoài vào cũng tăng theo thời gian. Các biểu tượng của kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ở Việt Nam như Samsung, Honda, Intel… phát huy hiệu quả rất cao.

Trước làn gió mới, chúng ta ước mơ trở thành “công xưởng thế giới” - mô hình tăng trưởng dựa vào nhân công giá rẻ, nguyên nhiên liệu dồi dào, nhưng khác giai đoạn trước ở chỗ - do doanh nghiệp nước ngoài khai thác.

Từ những hạn chế của kinh tế nhà nước, Đảng và Nhà nước nhìn nhận lại kinh tế tư nhân và nâng thành “một động lực quan trọng của nền kinh tế”. Câu chữ - mặc dù còn dè dặt nhưng càng lúc càng thấy vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân.

Nhìn lại, Việt Nam đã phần nào chủ động chuyển đổi mô hình kinh tế theo từng thời kỳ, nhưng cũng có thể thấy chưa có mô hình nào mà nước ta khai thác triệt để - ít nhất nếu so sánh với Liên Xô (cũ) và Trung Quốc trước đây.

Cùng kinh tế bao cấp nhưng Liên Xô phát triển vượt bậc, Trung Quốc cũng tiến rất nhanh, còn Việt Nam nhiều trì trệ; cùng mô hình nhân công giá rẻ, tài nguyên dồi dào nhưng Trung Quốc thực hiện “đại nhảy vọt” còn Việt Nam mắc bẫy “thu nhập trung bình”, “chưa giàu đã già”.

“Ở ngã ba đường” - đó là nhận xét rất đúng của ngài giám đốc WB tại Việt Nam, Ousmane Dione, trong đó ông nhận định: “Mô hình hiện nay đã đạt đến giới hạn của nó, chúng ta phải tìm cách thay đổi mô hình”.

Rất rõ, chúng ta không thể tiếp tục sản xuất nông nghiệp theo cách thức cách đây 10, 20 năm và hàng công nghiệp không thể cạnh tranh với ai nếu như mãi là nơi lắp ráp linh kiện từ Trung Quốc.

Điều luyến tiếc nhất là thời kỳ tăng trưởng nhanh, tài nguyên dồi dào, dân số trẻ sắp qua nhưng chưa tận dụng được bao nhiêu!

Còn tiếp...

Trương Khắc Trà