Sách thật “đấu” sách giả: Cuộc chiến không cân sức!
Kẻ làm sách giả, sách lậu không phải chi trả tiền cho dịch giả, người hiệu đính, biên tập viên, nhân viên chế bản, họa sĩ trình bày bìa... Chỉ việc scan và in ra bán.
Sách giả được bày bán công khai. Ảnh: TP.
Không phải ngẫu nhiên mà ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam nói tại buổi tổng kết hoạt động xuất bản 6 tháng đầu năm tại TP Hồ Chí Minh mới đây rằng: “Ngành xuất bản đang chết dần vì nạn sách giả tràn lan hiện nay”.
Thực tế cho thấy, hành vi in ấn và phát hành sách giả hiện nay quá tinh vi và hiện đại. Không chỉ một số cơ sở đã được định danh về việc kinh doanh và phát thành sách giả, còn rất nhiều trang thương mại điện tử tham gia vào việc phát hành sách giả. Độc giả không phân biệt được đâu là đơn vị chuyên bán sách giả và không phân biệt được sách giả với sách thật vì quá giống nhau.
Hiện tượng sách lậu, sách giả được bán công khai, tràn lan trên thị trường, nhất là tại các đô thị lớn. Sách giả được bán rất nhiều ở các nhà sách, bán trên vỉa hè, thậm chí là len lỏi cả vào các trường học.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nhân Nguyễn Ngọc Tuấn: Hạnh phúc đến từ đọc sách
10:51, 20/04/2019
"Đọc sách không chỉ là thói quen mà còn là một phẩm chất tốt đẹp"
19:55, 13/11/2017
Hãy đọc sách vì… sức khỏe!
10:56, 22/08/2017
Tiền và thói quen đọc sách
14:45, 17/09/2015
Qua khảo sát của Hội Xuất bản Việt Nam, số sách giả hiện nay được phân phối, phát hành ở quy mô rộng lớn và rất phức tạp. Theo ông Lê Hoàng, sách giả không chỉ xuất hiện trong các cửa hàng sách truyền thống mà còn được rao bán trên các sàn thương mại điện tử theo hình thức cho cá nhân, đơn vị khác thuê “chỗ” kinh doanh nên đa số sàn không kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng của sách.
Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao lại có những cuốn sách giả rẻ, chiết khấu cao đến vậy? Bởi vì, làm sách lậu cứ việc scan và copy những cuốn sách thật ra bán. Người làm sách giả không hề trả tiền bản quyền cho tác giả. Nếu là sách mua bản quyền từ nước ngoài, các công ty sách phải trả thêm tiền dịch, tiền hiệu đính, mà nhiều khi những khoản tiền này không hề nhỏ. Kẻ làm sách giả, sách lậu không phải chi trả tiền cho dịch giả, người hiệu đính, biên tập viên, nhân viên chế bản, họa sĩ trình bày bìa… Rất nhiều khoản chi phí họ không hề mất. Chỉ việc scan và in ra bán.
Liên quan đến vấn đề này, còn nhớ, First News đã từng phối hợp với các ban ngành chức năng đi bắt sách in giả. Đã có vụ bắt giữ được hơn 10 ngàn cuốn sách in giả Đắc nhân tâm do First News xuất bản. Tuy nhiên tại toà án, First News lại bị thua kiện bởi một lý do cực kỳ vô lý với phán quyết: “10 ngàn quyển sách làm giả đã bị bắt trước khi tung ra thị trường, nên không hề gây bất cứ thiệt hại nào cho First News. Rút cuộc First News thua kiện và còn phải đóng án phí!”.
Có thể nói, sách giả, sách lậu khiến tác giả mất đi tác quyền, không được nhận phần tiền bản quyền lẽ ra họ xứng đáng được nhận. Các công ty sách, các nhà xuất bản. Họ bị mất đi cả thương hiệu lẫn doanh thu, họ bị ảnh hưởng cả uy tín lẫn kinh tế. Đáng quan tâm hơn là đối tượng bị ảnh hưởng đó chính là bạn đọc, bị mua sách sai nội dung, kém thẩm mỹ, bị đắt. Và nguy hại lớn nhất đó là xã hội, xã hội chấp nhận sách lậu tức là chấp nhận ăn cắp.
Từ đây chúng ta thấy, sách giả là vấn đề nhức nhối đối với cả nước chứ không riêng bất kỳ địa phương nào. Cùng với sự phát triển của công nghệ hiện nay, việc sản xuất và lưu hành sách giả cho thấy pháp luật đang có phần “hụt hơi”, chạy theo không kịp thực tiễn. Vì thế, nhiều đơn vị làm sách đang chới với trong cuộc chiến không cân sức giữa hàng giả với hàng thật.
Luật sư Châu Huy Quang - Công ty Luật TNHH Rajah & Tann LCT từng nói: “Trong lĩnh vực in ấn, xuất bản đang có quá nhiều cơ quan chức năng liên quan nhưng không có đầu mối, để khi có vụ việc vi phạm sẽ đứng ra tổ chức điều tra, tịch thu và xử phạt. Chưa kể rằng hiện nay, còn có những vụ tranh chấp khi các doanh nghiệp vì muốn bảo vệ quyền chủ sở hữu tác phẩm nên đưa vụ việc ra tòa lại nhận được những bản án, phán quyết bất nhất từ cơ quan tư pháp”.
Sách là loại hàng hóa đặc biệt, một loại tài sản cao quý và đáng trân trọng nhất – đó chính là trí thức. Nếu ai cũng lao vào kiếm tiền trên sách, “làm bậy” thì thử hỏi tương lai sẽ đi về đâu?
Chính vì vậy, đã đến lúc cần phải gọi đúng tên hành vi làm sách giả là sản xuất hàng giả. Hành vi này bị chế tài bởi Luật Hình sự năm 2015, có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can và truy tố những kẻ làm hàng giả trước pháp luật.