[VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Đồng bằng và những cái "chết" từ gốc (Bài 1)

Trương Khắc Trà 31/07/2019 10:50

Làm sao để "ly nông bất ly hương"? Rất khó vì đồng bằng đang bắt đầu xuất hiện những cái "chết" từ gốc rễ...

Trong khi chúng ta sốt sắng với công nghiệp, thì ở một trạng thái khác của nền kinh tế là nông nghiệp điển hình ở những vùng đồng bằng đang rất nguy ngập - đó không đơn thuần là hiện tượng rớt giá của một vài mặt hàng chủ lực.

Điều tôi muốn nói ở đây là cái chết dần hiện hình đối với đồng bằng châu thổ khởi nguồn từ mảnh ruộng nhỏ của người nông dân.

Làng Mai Xá (xã Gio Mai, Gio Linh, Quảng Trị) vốn là ngôi làng cổ có lịch sử 600 năm, các bậc khai khẩn từng khởi nghiệp với con trâu và cái cày, trải qua nhiều biến cố lịch sử, đến lúc này làng đổi thay ngoạn mục.

Một trong những thứ rất dễ nhận thấy ở đây là lớp trẻ không ai mặn mà với nông nghiệp, họ “coi thường” ruộng nương, cây lúa… cũng đúng vì những thứ đó giờ không thể đảm bảo cuộc sống với tiêu chí “ăn ngon, mặc đẹp” thay cho tiêu chuẩn huy hoàng một thời “ăn no, mặc ấm”.

Xuất hiện trên cánh đồng làng ngày nay là người già, phụ nữ và những người bất đắc dĩ không thể thoát ra khỏi làng vì một lý do nào đó; trâu bò dường như xuất hiện ít dần trong khi máy móc, phương thức canh tác không khác lắm với ngày xưa.

Điều đó tuy chứng minh cho một khía cạnh khác là công nghiệp đã phát triển, đủ sức lôi kéo lao động từ mọi vùng quê xa xôi nhất. Song, còn để lại nỗi lo lắng, rồi đây nguồn nhân lực nào sẽ lấp chỗ trống để tiếp tục cày cấy, sản xuất trên đồng ruộng?

Hay chỉ chờ một bản quy hoạch công nghiệp là tất cả đồng loạt phủi tay, nhận chút đỉnh tiền đền bù và mưu sinh một cuộc đời “phi nông, phi thương, hao hao dịch vụ” như hàng vạn làng quê trên cả nước đang rung chuyển vì công nghiệp hóa?

Nền nông nghiệp đang có những cái

Nền nông nghiệp đang có những cái "chết" từ gốc. Ảnh: Khắc Trà

Tôi là người “không ưa ruộng”, vì làm ruộng rất vất vả mà chẳng kiếm được bao nhiêu, ngoài lý do đó - như tôi và hàng trăm thanh niên khác sinh ra từ làng đã ít nhất một lần nghe câu hỏi đầy sức nặng của cha mẹ “con muốn cầm cuốc hay cầm bút?”.

Cha mẹ chắc chắn đúng vì trải nghiệm của họ đã quá dư dả nỗi khổ, nhưng ba mẹ tôi cũng là một trong hàng trăm thế hệ làm nông nghiệp không khác gì với thuở hồng hoang, không ai cho họ tư duy đột phá, cách làm mới, thay đổi phương thức sản xuất để biến nông nghiệp trở thành nghề nghiệp “sang trọng” hơn.

Đúng như vậy, nếu làm nông nghiệp mà sang trọng, giàu có thì chắc chắn không thể xuất hiện câu hỏi đầy kích động khiến mọi thế hệ sau này nhìn ruộng với ánh mắt ruồng rẫy!

Có thể bạn quan tâm

  • Cần một “lối đi riêng” cho sản phẩm của start up nông nghiệp

    Cần một “lối đi riêng” cho sản phẩm của start up nông nghiệp

    10:24, 25/07/2019

  • Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

    Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

    16:52, 19/07/2019

  • Doanh nghiệp đóng vai trò “trụ cột” phát triển nông nghiệp

    Doanh nghiệp đóng vai trò “trụ cột” phát triển nông nghiệp

    07:10, 22/07/2019

Rất bất hạnh vì một đất nước có truyền thống nông nghiệp ngấm vào gen như Việt Nam - giờ đây đang “tuyên truyền” nhau bỏ ruộng, di cư về thành phố bán sức lao động rẻ mạt, đầu tắt mặt tôi trong các khu công nghiệp. Có gì hơn ruộng?

Số liệu từ Báo Nông nghiệp Việt Nam cho hay: Một xã ở Thái Bình có tới 155 lá đơn xin trả ruộng, có đơn đã viết cách đây 15 năm; xã Phù Ninh (Phú Thọ) từng bỏ 100% vụ mùa, cho tiền cũng không cấy.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam, năm 2017, cả 2 vụ Xuân và Mùa, toàn tỉnh có hơn 100 ha ruộng bị bỏ nhưng riêng vụ Mùa năm 2019, Hà Nam đã có 310 ha bị bỏ không gieo cấy.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, năm 2016, tỉnh này có hơn 70 ha ruộng lúa, gần 120ha diện tích nuôi trồng thủy sản bỏ hoang, đất suy giảm thâm canh (chủ yếu là đất lúa) gần 550 ha.

Đối sáng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam nền tảng rất mạnh về nông nghiệp (Ảnh: Khắc Trà)

Đối sánh với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam nền tảng rất mạnh về nông nghiệp. Ảnh: Khắc Trà

Tôi ủng hộ công nghiệp hóa và phản đối kiểu nông nghiệp mùa vụ, mãi độc canh cây lúa không khác gì cách đây mấy thế kỷ, và tôi cũng bày tỏ nỗi hoài nghi với chính sách nông nghiệp của nhà nước - dường như thả nổi nông dân trên mảnh ruộng. Đồng thời, cũng lo ngại việc làm kiếm được từ nền công nghiệp gia công sẽ không lấy gì làm đảm bảo.

Câu ca dao “có sức người sỏi đá cũng thành cơm” dường như đã lạc hậu - ít nhất với kinh tế ruộng đồng. Thời cuộc đã đổi thay, làm sao biến sỏi đá thành giàu có, sung túc?

Ruộng vẫn ở đó như hàng ngàn năm nay, nhưng ruộng không nhận được bất kỳ sự đổi thay nào vì thiếu lao động trẻ, thiếu vốn và không có bất cứ tầm nhìn nào đủ sức mạnh để đưa ruộng đồng bước vào thế kỷ mới.

Người Israel rất bất hạnh vì không có đồng bằng “bờ xôi ruộng mật”, họ mất hàng chục năm biến sa mạc thành nông trại đủ sản xuất đặc phẩm bán khắp thế giới. Người Nhật cũng bất hạnh không kém vì địa hình toàn núi đá và biển, không có đồng bằng, họ phải lấn biển làm ruộng.

Nếu người nông dân Israel phải tiết kiệm từng giọt nước nên phát minh ra công nghệ “tưới nhỏ giọt” trứ danh, thì đồng ruộng ở Việt nước non lai láng, lẽ ra từ món quà thiên nhiên người Việt phải phát minh ra công nghệ canh tác nào đó có tiếng tăm mới phải.

Nếu người Israel ngăn chặn côn trùng phá hoại bằng phương pháp sinh học thì người Việt dễ dàng mua thuốc trừ sâu Trung Quốc về phun xịt mịt mù, trong khi người Việt có lịch sử chung sống với tự nhiên lâu đời hơn.

Củ khoai tây của người Israel hôm nay có thể trồng ở sa mạc, tưới nước mặn là thành quả của 30 năm nghiên cứu từ trường Đại học Hebrew, trong khi đó 30 năm qua Việt Nam có vô số đề án, chương trình “đao to búa lớn” trong nông nghiệp, nhưng kết quả là bao nhiêu?.

Vấn đề ở chỗ, với nhiều thế hệ trẻ người Việt cứ đóng khung tư duy “làm ruộng là hèn, nghèo” khó nói chuyện với bè bạn đồng trang lứa là kỹ sư, bác sĩ, chuyên viên công ty nước ngoài lương “nghìn đô”!

Cách đây hơn 40 năm, chính sách “Khoán 10” ra đời tạo ra cuộc cách mạng giải phóng sức lao động trong giai tầng nông dân, hơn 4 thập kỷ qua “nông dân hứng khởi nhờ có ruộng”, nhưng nhưng động lực đó bắt đầu cạn kiệt.

Còn tiếp

Trương Khắc Trà