Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 có 80.000 đến 100.000 doanh nghiệp có hoạt động đầu tư kinh doanh hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, doanh nghiệp nông nghiệp có vai trò là “trụ cột” trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp nước ta theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành sự quan tâm đặc biệt cho nông nghiệp, với trọng tâm là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Theo Thủ tướng, nông nghiệp là một trong ba lợi thế cạnh tranh, ba mũi nhọn đột phá mà Việt Nam cần tập trung phát triển, cùng với ngành công nghệ thông tin và du lịch.
Nghị quyết của Chính phủ về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 3,0%/năm; tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 6%-8%/năm.
Đến năm 2030 có 80.000 đến 100.000 doanh nghiệp có hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả, trong đó khoảng 3.000 đến 4.000 doanh nghiệp có quy mô lớn và 6.000 đến 8.000 doanh nghiệp quy mô vừa.
Có thể bạn quan tâm
07:10, 19/06/2019
18:32, 15/05/2019
14:13, 02/05/2019
Nghị quyết đưa ra nhiều nhóm giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, mà tinh thần bao trùm là tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm mạnh các rào cản về điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp, tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, trao quyền cho thị trường quyết định...
“Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần chung sức để đưa Việt Nam vươn lên vị trí hàng đầu thế giới về nông sản.Tôi đặt hàng cho ngành nông nghiệp trong 10 năm tới phải đứng vào tốp 15 các nước phát triển nhất thế giới, trong đó lĩnh vực chế biến nông sản đứng vào tốp 10 thế giới. Nông nghiệp Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, là một trung tâm logistics của thương mại nông sản toàn cầu”, Thủ tướng nêu tầm nhìn với ngành nông nghiệp.
Để hiện thực hóa tầm nhìn trên, Thủ tướng cho rằng ngành nông nghiệp cần có khát vọng phát triển, cốt lõi là sự phát triển của các doanh nghiệp đầu tư trong ngành nông nghiệp và việc đầu tiên là phải có thể chế pháp luật tốt, xóa bỏ những quy định lạc hậu.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, mặc dù ngành nông nghiệp đã đạt được những thành tựu lớn trong thời gian qua, nhưng không thể bằng lòng với những gì đã đạt được, vì sắp tới ngành nông nghiệp phải đối mặt với ba thách thức lớn.
"Đó là, năng suất của nền kinh tế Việt Nam vẫn kém vì chủ yếu là nông nghiệp hộ nhỏ lẻ manh mún, để tiến lên nền nông nghiệp hiện đại còn rất nhiều khó khăn; thứ hai, Việt Nam chịu tổn thất lớn nhất từ biến đổi khí hậu; và cuối cùng, vì đã chấp nhận cuộc chơi toàn cầu, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ đối mặt với sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt", ông Cường nói.
Theo Bộ trưởng, ngành sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển cơ cấu sản xuất theo 3 trục sản phẩm chủ lực: nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, nhóm sản phẩm đặc sản địa phương theo mô hình “mỗi xã phường một sản phẩm”.
“Các sản phẩm chủ lực cần xây dựng các chuỗi giá trị để mở cửa và phát triển thị trường cho phù hợp, ưu tiên sản xuất tốt các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu như lâm sản, thủy sản, gạo và trái cây”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
"Chúng ta phải chuyển từ sản xuất để ăn thành sản xuất để bán. Nhưng để bán cho thế giới với lượng dân số càng ngày càng tăng và thu nhập càng cao là khó. Khó nhưng chúng ta vẫn làm được. Do đó, cần có sự vào cuộc đồng bộ, cùng đồng hành quyết liệt ở cả 3 trục: Chính phủ, doanh nghiệp và người dân", Bộ trưởng cho hay.
Chính phủ hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp, nông dân. Hàng triệu hộ nông dân liên kết được với hàng nghìn hợp tác xã, doanh nghiệp. Như vậy, chúng ta mới hình thành được sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến với thị trường, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ.
Hiện tốc độ tăng trưởng khu vực nông nghiệp đạt khá, năng suất, chất lượng và hiệu quả không ngừng được nâng cao. Trong đó, phải kể đến những thành tựu nổi bật như Việt Nam đã đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và trở thành nước xuất khẩu nông sản đứng thứ hai Đông Nam Á, thứ 15 trên thế giới với 10 nhóm mặt hàng nông, lâm, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ đô la Mỹ, trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ đô la Mỹ. Hệ thống doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đã hình thành với trên 50 nghìn doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm cả sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông sản, các dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp, trong đó có khoảng 10.200 doanh nghiệp trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản. Tuy nhiên, sự phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế phát triển. Số doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp hiện chỉ chiếm 8% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, trong đó số doanh nghiệp nông lâm, thủy sản chiếm 1%. |