Doanh nghiệp cho rằng cần ban hành các cơ chế chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Theo Chủ tịch Tập đoàn Thaibinh Seed Trần Mạnh Báo, năm 2024, ngành nông nghiệp đã đạt được kết quả vượt bậc, thành quả đó, là xuất khẩu đạt 62,5 tỷ USD, thặng dư 17,9 tỷ USD.
Ông Báo nói, hơn 60 năm làm nông nghiệp, điều làm ông trăn trở nhất, đó là làm sao ngành nông nghiệp phát triển bền vững. Trong đó, liên quan đến vấn đề môi trương, thị trường, đời sống của người nông dân.
Để ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển và phát triển bền vững, Chủ tịch Tập đoàn Thaibinh Seed kiến nghị, thứ nhất, hiện nay, cơ chế chính sách chưa khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. “Chúng ta có Nghị định 210 năm 2013, sau đó, Nghị định 57 năm 2018, tuy nhiên, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn rất hạn chế”, ông Trần Mạnh Báo nêu kiến nghị.
Đồng thời cho rằng để xây dựng một dự án chế biến nông sản thì phải mất rất nhiều thời gian, công sức thủ tục, công đoạn thì mới khởi công được dự án. Đề nghị thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành các cơ chế chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Thứ hai, về công tác quy hoạch. Khi có quy hoạch rồi thì phải tôn trọng quy hoạch. Trong nông nghiệp thì quy hoạch phải đi liền với cơ sở hạ tầng. ông Báo cho rằng, bão Yagi vừa rồi đã cho chúng ta một bài học rất rõ ràng về quy hoạch sản xuất nông nghiệp không phù hợp với quá trình triển khai thực hiện.
Thứ ba, phải làm sau để “biến nông dân thành doanh nhân”. Thứ tư, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Liên kết phải chặt chẽ, vai trò của KTTT, HTX phải hoạt động kinh tế chứ không phải là nơi tiêu thụ “đầu vào – đầu ra”.
Cùng nỗi lo, ông Nguyễn Quốc Huy, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX nấm Tam Đảo cũng băn khoăn cơ chế, chính sách gì để khuyến khích xây dựng thêm nhiều vùng nguyên liệu tập trung cho các sản phẩm khác như tôm, cá tra, dược liệu, dâu tằm tơ..., Bởi nền nông nghiệp của ta đang manh mún tự phát, nếu không tập trung thành các vùng nguyên liệu lớn thì cứ nhỏ lẻ, manh mún mãi.
Bên cạnh đầu tư tư nhân vào nông nghiệp còn chưa đủ sức hút, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cũng nhận định, hiện mức đầu tư cho nông nghiệp còn rất hạn chế. Do đó, chuyên gia kiến nghị Chính phủ cần tăng mức đầu tư cho nông nghiệp giai đoạn tới lên gấp 2 lần giai đoạn 2020-2024. Mức đầu tư này nên ưu tiên phát triển công nghệ trong sản xuất hiện đại và đảm bảo môi trường xanh để phát triển bền vững.
Thứ hai, từ bài học thắng lợi nhiều năm qua của ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp, HTX rất cần hệ sinh thái nông nghiệp bền vững để phù hợp với sự phát triển chung của toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 62 tỷ USD là mức rất kỷ lục.
Bộ trưởng cho rằng, hiện chúng ta có 20 Hiệp định tự do đã ký kết, nếu thực thi hết 20 hiệp định.. chúng ta sẽ đưa được rất nhiều sản phẩm vào các thị trường này. Đặc biệt là sản phẩm của chúng ta có thương hiệu nhiệt đời, sản phẩm chúng ta xuất thô nên tiềm năng rất lớn. “Tôi rất đồng tình với các đại biểu, để làm được các điều này, đầu tiên là quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi và áp dụng công nghệ vào sản xuất, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn có chất lượng cao”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Đồng thời cho rằng không ai khác là chính quyền địa phương, xưa có tổ đội nhưng nay HTX chỉ làm dịch vụ nên phải có bàn tay của chính quyền địa phương để quy hoạch, áp dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến sản phẩm... Từ chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, thì phải có các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó là hỗ trợ tiếp cận thị trường, thị trường nội địa có dư địa rất lớn. Để sản phẩm tiếp cận được thị trường trong nước, chúng ta cũng phải chứng minh được chất lượng của mình trước.
“Chúng tôi đã có chiến lược tiếp cận thị trường trong nước phải đặt lên hàng đầu, Sau đó là tiếp cận các thị trường thế giới. Chúng ta cần tiếp cận thị trường theo hướng mà họ cần, chứ không phải những gì ta có”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Tư lệnh ngành công thương cho biết, trong thời gian vừa qua, đã tổ chức đưa khách hàng khắp nơi trên thế giới về các tỉnh, địa phương để du khách tìm hiểu rõ về các sản phẩm và để tạo kích cầu, tiêu thụ sản phẩm cho các địa phương. Hiện, Bộ Công Thương có 90 cơ quan thương vụ tại các nước để gỡ khó cho các vụ kiện thương mại.
“Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn trong các hiệp định, chúng tôi có sổ tay, chương trình quảng bá trên truyền hình... Hiện, chúng tôi đang bố trí 40% kinh phí xúc tiến thương mại dùng cho xúc tiến nông nghiệp. Sắp tới chúng tôi sẽ nâng gói này lên để các doanh nghiệp mang hàng ra thế giới đạt hiệu quả cao hơn, thuận lợi hơn”, Bộ trưởng nói.
Bên cạnh đó, thời gian tới, Bộ trưởng cho biết cũng sẽ xây dựng dữ liệu khu vực dùng chung để các đơn vị, doanh nghiệp có thể tiếp cận thông tin xuất khẩu đạt hiệu quả cao hơn.
“Chúng tôi cũng khuyến cáo các địa phương gắn phát triển sản xuất gắn với thương mại và du lịch sinh thái để đảm bảo sản xuất nông nghiệp bền vững gắn theo chuỗi giá trị. Đây là vấn đề quan trọng, không chỉ có sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ ngành mà các cấp ủy chính quyền địa phương cũng cần vào cuộc để triển khai hiệu quả hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.