Theo đó, cần xây dựng công thức thu tiền sử dụng đất nông nghiệp cho từng loại đất có cải tiến để ổn định sản xuất cho nông dân.
Đặt vấn đề tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An nhận định, gần đây, Trung ương đưa ra nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng, đặc biệt là đưa Luật Đất đai vào thực tế sớm hơn dự kiến. Gần nhất, trong ngoại giao, Thủ tướng đã mời gọi các nước đầu tư vào thị trường Halal và các kí kết AFTA mới.
Tuy nhiên, “Vua chuối” Võ Quan Huy cũng kiến nghị một số vấn đề còn tồn tại. Theo đó, về đất đai, ông Huy cho biết, từ hơn 20 năm trước lúc đó đất cần người sản xuất, Đảng và nhà nước có chính sách vận động thành lập nông lâm trường, đưa dân đến khai hoang sản xuất, giao khoán trả sản phẩm.
Sau đó, mô hình này hoạt động không hiệu quả, dẫn đến thoái trào giải thể, chuyển về địa phương quản lý, nông dân vẫn canh tác trả tiền thuê đất theo quy định của chính quyền địa phương.
“Tuy nhiên, theo quy định mới, muốn thuê đất thuộc diện này, cũng phải thực hiện đấu giá, nên các địa phương đang rất khó thực hiện vì người nông dân đã đầu xây dựng đồng ruộng chỉnh sửa mặt bằng rất tốn kém, thậm chí bỏ tiền khai hoang từ nhiều năm. Trong khi, nếu tiến hành đấu giá, thì phải thực hiện việc thu hồi, chuyển đổi vị trí người nông dân đang sản xuất rất khó cho địa phương và người dân”, ông Võ Quan Huy nêu vấn đề.
Đồng thời kiến nghị, cần xây dựng công thức thu tiền sử dụng đất nông nghiệp cho từng loại đất có cải tiến để ổn định sản xuất cho nông dân.
Ông Huy cho biết thêm, Bộ TNMT cũng đã diễn giải, công đầu tư trên đất còn lại thì đất nông nghiệp này không phải đấu giá mà tiếp tục được thuê, nhưng địa phương chưa chấp nhận điều này vì họ lo lắng tất cả đất này sẽ phải giải phóng khi đưa về địa phương quản lý.
Thứ hai là, về đầu tư vốn cho nông nghiệp xanh, ông Huy cho biết, mặc dù có nhiều gói tín dụng do Ngân hàng Nhà nước đưa ra nhưng hiện nay chưa có gói nào mạnh và cụ thể đi vào sản xuất.
Thứ ba là, về khoa học công nghệ, đây là yếu tố mấu chốt nhằm đưa nông dân đất nước ta tiến vào kỷ nguyên vươn mình, làm sao có thể số hoá nhà nông? “Tôi cũng kiến nghị Chính phủ có những chương trình đầu tư mang tính chất dẫn dắt. Ví dụ hiện nay trong thu hoạch rừng, cao su cành vụn rất nhiều nhưng chưa có ai đầu tư máy móc để thu gom, băm vụn. Nếu có máy móc thì sẽ cải thiện vấn đề môi trường, thất thoát sau thu hoạch”, ông Võ Quan Huy đề xuất.
Thứ tư là, về vấn đề liên kết, nhiều lần chúng ta đề cập vấn đề này nhưng tính pháp lý mang hơi hướng “bênh” nông dân nên vẫn chưa tạo được động lực gắn kết về phía doanh nghiệp, dẫn đến câu chuyện thừa - thiếu ở vùng nguyên liệu vẫn xảy ra thường xuyên.
Thứ năm là, về thị trường, con đường nông sản của chúng ta dường như đang rất thông thoáng, gần đây nhất là thị trường Halal. Ông Võ Quan Huy kiến nghị Chính phủ có những giải pháp để trong 3 năm nữa, làm sao nông sản của chúng ta sang thị trường này nhanh nhất.
Thứ sáu là, kiến nghị Thủ tướng dành thời gian vi hành xuống các nông, lâm trường để tìm hiểu, lắng nghe câu chuyện, tâm tư của người nông dân đang sản xuất tại các vùng đất này, để từ đó có thể đưa ra những chủ trương, quyết sách giúp bà con yên tâm sản xuất.
Trả lời một số vấn đề của ông Võ Quan Huy đưa ra, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, cách đây 40 năm, chúng ta có nghị quyết khoán 10 trong nông nghiệp, và mới đây nhất chúng ta có Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Nghị quyết vừa được kí ban hành đúng ngày 22/12, được ví như nghị quyết khoán 10 trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, để làm sao chúng ta không chỉ sản xuất đủ nhu cầu trong nước mà còn có thể dư thừa phục vụ xuất khẩu.
Trong đó, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là 3 trụ cột chính trong quá trình phát triển đất nước. Lần đầu tiên bộ 3 này đi chung trong 1 nghị quyết. Trong đó, Nghị quyết 57 yêu cầu xây dựng một chương trình thông minh trong nông nghiệp; nền tảng học tập số, kỹ năng số cho nông dân, hay nói cách khác là “số hoá” nhà nông; tư vấn cho nông dân qua một trợ lý ảo, app hỏi đáp; xây dựng các nền tảng thương mại điện tử, nền tảng truy xuất nguồn gốc thuận lợi để giúp bà con nông dân xác nhận sản phẩm do mình làm ra.
Với ứng dụng này, bà con có thể chứng minh được quả cà chua tại vườn nhà mình có sự khác biệt, chất lượng, duy nhất như thế nào so với quả cà chua của nhà khác. Đặc biệt, Nghị quyết dành tới 3% ngân sách nhà nước hàng năm cho đổi mới khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Nghị quyết cũng yêu cầu trợ giúp bà con làm ăn kinh doanh để bà con trở thành doanh nghiệp một cách dễ dàng hơn, ví dụ cần 10 việc thì phần mềm số có thể giải quyết được 7-8 việc.
Giải đáp thêm kiến nghị của ông Võ Quan Huy về thị trường Halal, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trước đây chúng ta chưa quan tâm nhiều tới thị trường này dù tiềm năng rất lớn. Về thúc đẩy thị trường, mới đây Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã đẩy mạnh đàm phán kí kết với UAE.
Gần đây nhất, chúng tôi cũng đang triển khai thị trường Trung Đông; tiếp xúc với các nhà doanh nghiệp làm thị trường Halal tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Đây là thị trường rộng lớn, chúng ta có tiềm năng về gạo tròn và dẻo nhưng thị trường Halal cần gạo dài và rời. Họ sẵn sàng đưa cho chúng ta hạt giống để trồng theo nhu cầu của họ.
Về vấn đề đất đai ở nông lâm trường, Thủ tướng khẳng định đây là vấn đề nhức nhối ở nhiều địa phương. Trước đây, ở một số nơi hình thành các nông lâm trường rồi giao đất cho cán bộ nhân viên của nông lâm trường sản xuất. Tuy nhiên, cán bộ các nông lâm trường không sử dụng lại giao tiếp cho người khác, giao tới 5-6 lượt nên dẫn đến khó quản lý.
Thực tế việc sử dụng khai thác đất nông lâm trường đang rất lãng phí. Tôi giao luôn cho Bộ TNMT, Bộ NN&PTNT, trong đó Bộ TNMT chủ trì, khảo sát, báo cáo lại nguồn đất đai này một cách nghiêm túc. Phải có quyết sách rất mạnh mới khai thác được nguồn đất đai này hiệu quả.