Khi EUDR được lùi thời gian thực hiện, Việt Nam sẽ có thêm thời gian chuẩn bị, từ cấp hoạch định chính sách cho đến cấp thực thi doanh nghiệp có thể chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.
Mới đây, Ủy ban châu Âu (EC), đã đề xuất lùi 1 năm việc áp dụng luật cấm nhập khẩu nông sản liên quan đến phá rừng vào EU (EUDR). Đạo luật này cấm nhập khẩu vào châu Âu các sản phẩm như cacao, cà phê, đậu nành, dầu cọ, gỗ, thịt bò, cao su và giấy... nếu có nguồn gốc từ đất rừng bị phá hoặc suy thoái.
Ban đầu luật dự kiến có hiệu lực vào ngày 30/12/2024. Nhưng các doanh nghiệp và nông dân cho rằng quy định mới sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động nông nghiệp và lâm nghiệp bền vững. Cùng với đó, các văn bản hướng dẫn vẫn chưa được hoàn thiện.
Vì thế, Ủy ban châu Âu đề xuất lùi thời điểm áp dụng 12 tháng, bắt đầu áp dụng từ 30/12/2025 đối với các doanh nghiệp lớn và sau đó 6 tháng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Theo Thương vụ Việt Nam tại châu Âu, việc EU lùi thời gian thực thi luật cấm nhập khẩu nông sản liên quan đến phá rừng cũng là cơ hội để các nước xuất khẩu đủ thời gian chuẩn bị. Dự kiến, đạo luật này sẽ có tác động đến 7 nhóm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, vì thế nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp đang là điều cần làm ngay để nông sản Việt đáp ứng yêu cầu thị trường.
Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) đây là tín hiệu tích cực. Nếu đề xuất lùi thời gian áp dụng EUDR được thông qua, Việt Nam sẽ có thêm thời gian chuẩn bị, từ cấp hoạch định chính sách cho đến cấp thực thi doanh nghiệp, hiệp hội có thể chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.
Phó Chủ tịch Viforest phân tích, EUDR được thông qua vào giữa năm 2023, tuy nhiên nếu được thực thi từ 1/1/2025 (đối với doanh nghiệp lớn) thì thời gian còn lại quá ngắn. Do đó, nhiều nước trên thế giới bao gồm Đức, Mỹ đã đề nghị gia hạn thời gian thực thi EUDR.
Trong số 7 nhóm hàng liên quan đến quy định EUDR, Việt Nam có 3 nhóm hàng chịu tác động chính là cao su, cà phê và gỗ.
Theo ông Ngô Sỹ Hoài, chuỗi cung ứng sản phẩm gỗ, cà phê và cao su đều tương đối phức tạp, nhiều yêu cầu trong việc tuyên bố về trách nhiệm thực thi, giải trình cũng như khai báo, cung cấp bằng chứng điện tử về tọa độ địa lý của lô rừng, khoảng rừng cung ứng vào thị trường EU còn mới. Sự mới mẻ này không chỉ đối với các doanh nghiệp mà với cả các hộ nông dân trồng rừng.
Do đó, ông Hoài cho rằng, còn cần thêm thời gian và có hướng dẫn từ phía Việt Nam - EU, có các lớp tập huấn để các chủ thể tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu có thể nắm bắt và có cùng một cách hiểu về việc thực hiện giải trình vấn đề mới đặt ra là khai báo tọa độ địa lý. Việc EC đề xuất hoãn thi hành EUDR sẽ tạo điều kiện cho các hoạt động tập huấn này diễn ra hiệu quả hơn.
Ông Ngô Sỹ Hoài cho rằng, EUDR sẽ là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội cho Việt Nam: “Nếu chúng ta thực thi tốt sẽ phát đi được thông điệp: Việt Nam kiên quyết kinh doanh lâm nghiệp, kinh doanh gỗ mà không gây mất rừng, suy thoái rừng".
Tổng thư ký Viforest cũng nhấn mạnh, cho đến hiện tại nhiều doanh nghiệp gỗ của Việt Nam đã chứng minh được năng lực thích ứng, đáp ứng các quy định của EUDR. Các doanh nghiệp này đã đàm phán với đối tác nhập khẩu từ phía EU, các bên nhận thấy rằng có thể ký kết hợp đồng cung ứng sản phẩm gỗ vào EU từ đầu năm tới.
Trong thời gian vừa qua, thông tin về EUDR mặc dù đã được phổ biến rộng rãi, nhưng nhiều doanh nghiệp còn chưa nắm rõ những quy định cụ thể, các tiêu chí cần tuân thủ, nhất là trong việc giải trình nguồn gốc.
Ông Trần Văn Công, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại châu Âu cho biết, doanh nghiệp nước ta, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các nguồn cung sản phẩm thu thập từ các hộ gia đình sản xuất khá lớn, gây ra nhiều khó khăn đến việc thu thập thông tin.
Các chương trình đào tạo để doanh nghiệp Việt Nam từng ngành hàng đang được tổ chức liên tục bởi Bộ Công Thương phối hợp cùng Phái đoàn liên minh châu Âu tại Việt Nam, nhằm nâng cao năng lực phát triển xuất khẩu xanh trong bối cảnh áp dụng EUDR.
"Hỗ trợ của EU cho Đông Nam Á và các nước phát triển, dự án sẽ có dự định ngân sách khoảng 3 - 3,5 triệu Euro. Sẽ tổ chức các đối thoại và đạo tạo cho phía Việt Nam", ông Hoàng Thành, Quản lý Chương trình Ban Hợp tác Phát triển, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam thông tin.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng kiến nghị Bộ Công Thương cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho doanh nghiệp, cập nhật nhiều tài liệu liên quan đến EUDR hơn để doanh nghiệp chủ động kế hoạch sản xuất thích ứng với thay đổi trong tương lai.
Cho biết EUDR là thách thức cũng là cơ hội, ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty Vĩnh Hiệp cho biết: "Doanh nghiệp Việt Nam đã chuẩn bị việc này rất lâu từ khi chuẩn bị kí các hiệp định FTAs. Cà phê Việt Nam có thể đáp ứng tốt quy định EUDR".
Việt Nam đang là một trong những nước thể hiện tích cực nhất trong việc đáp ứng với quy định không gây mất rừng, từ xây dựng vùng trồng, thu mua và chế biến đạt chuẩn. Đáp ứng EUDR không chỉ là tuân thủ yêu cầu của thị trường có tiêu chuẩn cao của xuất khẩu nông sản, mà còn là cơ hội để nền nông nghiệp của chúng ta có thể chuyển đổi theo hướng xanh, bền vững.