Doanh nghiệp

Xuất khẩu cao su năm 2025: "vạn sự khởi đầu nan"

Thy Hằng 19/02/2025 02:53

Dù xuất khẩu cao su tháng đầu năm 2025 giảm cả về lượng và giá trị nhưng 2025 hứa hẹn sẽ tiếp tục là một năm thành công kim ngạch xuất khẩu dự báo đạt 11-11,2 tỷ USD.

Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 1/2025, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 160.632 tấn, trị giá 298,68 triệu USD, so với tháng 12/2024 giảm 32,5% về lượng và 34% về trị giá, so với tháng 1/2024 giảm 23,7% về lượng nhưng vẫn tăng 0,6% về trị giá nhờ giá duy trì ở mức cao.

cao-su.jpg
Tháng 1/2025, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 160.632 tấn, trị giá 298,68 triệu USD, so với tháng 12/2024 giảm 32,5% về lượng và 34% về trị giá.

Cụ thể, tháng 1/2025, giá cao su xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt 1.859 USD/tấn, giảm 2,3% so với tháng 12/2024 nhưng vẫn tăng mạnh 31,7% so với tháng 1/2024.Do trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên hoạt động xuất khẩu cao su của Việt Nam giảm khá mạnh trong tháng đầu tiên của năm 2025.

Về thị trường, trong tháng 1/2025, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang hầu hết thị trường tiêu thụ chính đều giảm so với tháng 12/2024. Còn so với tháng 1/2024, lượng cao su xuất khẩu sang các thị trường Malaysia, Indonesia, Hoa Kỳ tăng rất mạnh, trong khi Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ… lại giảm.

Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam trong tháng đầu năm 2025, chiếm tỷ trọng 78,7% về lượng và 78,1% về trị giá, với khối lượng đạt 126.384 tấn, trị giá 233,3 triệu USD, giảm 24,7% về lượng nhưng tăng 0,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cao su xuất khẩu bình quân sang thị trường này đạt 1.846 USD/tấn, tăng 33%.

Trong khi đó, lượng cao su xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ và Hàn Quốc cũng giảm mạnh 66,6% và 54% so với cùng kỳ năm 2024, lần lượt đạt 3.934 tấn và 2.452 tấn.

Malaysia vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu cao su lớn thứ hai của nước ta trong tháng 1/2025, với khối lượng tăng gấp 8,4 lần và trị giá tăng 9,4 lần so với tháng 1/2024, đạt 6.605 tấn, trị giá 10.095 tấn.

Ngoài ra, lượng cao su xuất khẩu sang thị trường lớn tiếp theo là Indonesia cũng tăng mạnh 123%, từ Hoa Kỳ tăng 16,9%... Có thể thấy, cao su của Việt Nam hiện nay không chỉ xuất khẩu sang các nước tiêu dùng lớn mà còn đang được đẩy mạnh vào các quốc gia sản xuất và xuất khẩu cao su hàng đầu thế giới là Malaysia và Indonesia.

tháng 1/2025, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 160.632 tấn, trị giá 298,68 triệu USD, so với tháng 12/2024 giảm 32,5% về lượng và 34% về trị giá
Trong tháng 1/2025, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang hầu hết thị trường tiêu thụ chính đều giảm so với tháng 12/2024.

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trên "bản đồ” thương mại cao su thế giới, đặc biệt nhu cầu nhập khẩu rất lớn. Trung Quốc đang có tham vọng đưa ngành sản xuất xe điện, xe hybrid và các nhà sản xuất ô tô, dẫn đến nhu cầu nhập cao su cho sản xuất lốp xe của nước này cũng đang lên cao. Tuy nhiên, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su sơ chế, tỷ trọng xuất khẩu cao su chế biến sâu rất thấp.

Do đó, Hiệp hội Cao su Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu cao su cần có chiến lược tăng tỷ lệ cao su chế biến hơn là cao su nguyên liệu để nâng cao giá trị xuất khẩu.

Đồng thời, các doanh nghiệp xuất khẩu cao su nước ta cần chú trọng mở cửa ở thị trường mới, nhằm giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Đặc biệt, cần tăng tốc mở rộng thị phần tại thị trường EU. Bởi EU là thị trường nhập khẩu cao su và sản phẩm cao su lớn nhất thế giới, đạt bình quân 75 tỷ USD. EU đồng thời là thị trường xuất khẩu cao su và sản phẩm cao su lớn nhất thế giới, chiếm 31 – 34,5% tổng xuất khẩu cao su và sản phẩm cao su toàn cầu.

Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng tại thị trường EU này, ngành cao su còn đối diện với những tiêu chuẩn mới, trong đó có quy định về chống phá rừng của Liên minh Châu Âu (EUDR) bắt đầu thực thị từ tháng 1/2026.

Đây là vấn đề khó khăn đối với ngành cao su Việt Nam, vốn đang nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm và phát triển thương hiệu bền vững. Các doanh nghiệp cần đầu tư vào quy trình sản xuất và nâng cao năng lực truy xuất nguồn gốc để đáp ứng các yêu cầu của các thị trường quốc tế, đặc biệt là EU. Để đáp ứng quy định EUDR của thị trường này, doanh nghiệp phải có Chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam VFCS/PEFC.

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, hiện nay khó khăn trong việc đảm bảo truy xuất nguồn gốc của ngành cao su Việt Nam lại nằm ở nguyên liệu của cao su tiểu điền và phần cao su nhập khẩu. Nguồn cung cao su trong nước là từ diện tích 918.000 ha trồng cao su, bao gồm nguồn cao su tiểu điền (cung trên 50% trong tổng lượng cung trong nước) và nguồn cao su đại điền (chiếm dưới 50%). Bên cạnh đó, nguồn cung nhập khẩu ngày càng trở nên quan trọng.

Bên cạnh thách thức, Hiệp hội Cao su Việt Nam cũng nhận định, năm 2025 hứa hẹn sẽ tiếp tục là một năm thành công với ngành cao su Việt Nam, dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành sẽ đạt 11-11,2 tỷ USD, tăng trưởng 10% so với năm 2024. Dự báo này được đưa ra trong bối cảnh ngành cao su không ngừng tìm kiếm cơ hội để tăng trưởng bền vững, đặc biệt khi giá trị xuất khẩu đang có xu hướng tăng mạnh nhờ các yếu tố kinh tế quốc tế và các chính sách nội tại của Việt Nam.

Giá cao su trong giai đoạn đầu năm 2025 được dự báo sẽ tiếp tục giữ mức cao, chủ yếu nhờ vào sự hỗ trợ của cả cung và cầu. Theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù sản lượng cao su tự nhiên tại các quốc gia sản xuất hàng đầu có xu hướng thu hẹp, nhưng nhu cầu tiêu thụ cao su toàn cầu vẫn tiếp tục tăng, đặc biệt là từ Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu cao su lớn nhất thế giới.

Một yếu tố quan trọng giúp duy trì giá cao su ở mức cao là sự gia tăng nhu cầu cao su phục vụ cho ngành "sản xuất lốp xe" và các thiết bị công nghiệp. Các công ty cao su Việt Nam đang hưởng lợi từ xu hướng này, khi nhu cầu cao su toàn cầu tăng cao, góp phần đẩy giá cao su xuất khẩu tăng lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xuất khẩu cao su năm 2025: "vạn sự khởi đầu nan"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO