Cần nâng cao sử dụng nguồn vốn ODA giúp nông nghiệp Việt Nam vượt qua thách thức, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.
Thực tế cho thấy, ODA là nguồn vốn quan trọng, bổ sung cho đầu tư phát triển, nhất là đầu tư từ ngân sách nhà nước, các dự án ODA được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước và đa dạng về lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, khai thác và nuôi trồng thủy sản... Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt, ký kết 5 chương trình, dự án vốn vay được thực hiện với tổng giá trị là 826 triệu USD, bao gồm 662 triệu USD vốn vay phân bổ cho các lĩnh vực. Các chương trình này đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng và tính bền vững của tăng trưởng nông nghiệp, đổi mới xúc tiến thương mại, hoàn thiện hạ tầng các vùng sản xuất tập trung, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, phát triển lâm nghiệp…
Trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến tổng vốn vay cho các dự án mới đang chuẩn bị lên tới 2 tỷ USD, trong đó 58 triệu USD là vốn không hoàn lại và 478 triệu USD vốn đối ứng. Hiện nay, 5 dự án đã được phê duyệt với tổng vốn vay đạt 750 triệu USD. Các nguồn vốn vay đến từ các đối tác WB, ADB, JICA, KEXIM và nguồn vốn không hoàn lại đến từ các quốc gia như Hà Lan, Nhật Bản, Úc…
Đối với các khoản viện trợ không hoàn lại, hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang có 112 dự án đang thực hiện (phê duyệt từ 2016 đến nay) với tổng số vốn không hoàn lại khoảng 300 triệu USD. Hiện Bộ đang tiến hành thủ tục phê duyệt tiếp 32 dự án với số vốn viện trợ khoảng 9 triệu USD. Các đối tác tài trợ nguồn vốn không hoàn lại rất đa dạng trong đó, các đối tác chủ chốt gồm có Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Mỹ, Newzealand, Canada, Úc, Ai Len, Bỉ, Pháp, các cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc, Tổ chức GEF, GCF, các tổ chức Phi Chính phủ...
Đánh giá rằng Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trong việc sử dụng hiệu quả vốn ODA ưu đãi, góp phần hỗ trợ phát triển xanh và ứng phó biến đổi khí hậu, bà Mariam Sherman, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Campuchia và Lào nhận định, Việt Nam cũng như các nước sẽ phải có giải pháp ứng phó tốt với những biến đổi đó, giúp người dân cải thiện đời sống, đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài. Đây có thể coi là con đường mới, lộ trình mới giúp người dân Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển đầy tham vọng của mình.
Theo bà Mariam, nhu cầu về vốn vay ODA của Việt Nam còn rất lớn, ước tính lên tới khoảng 17 tỷ USD. Nguồn vốn này không chỉ đầu tư vào cơ sở hạ tầng, mà còn đầu tư vào những "phần mềm" như đào tạo, tập huấn kỹ thuật, tăng cường năng lực...
"Trước đây chúng tôi đã đầu tư một dự án rất thành công ở Việt Nam, đó là VnSAT nhằm hỗ trợ mục tiêu phát thải thấp. Gần đây tôi đã đi thăm một số mô hình ở Cần Thơ và có thể nói sự can thiệp của dự án này đã tạo được kết quả rất tích cực. Từ đó, chúng tôi mong muốn tìm các yếu tố thành công để hỗ trợ nhiều hơn cho Việt Nam qua các nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi. WB mong muốn hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật để các bạn phát huy hiệu quả cao nhất, thông qua một gói bao gồm cả kỹ thuật, phần mềm, chuyên môn", bà Mariam khẳng định.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, tỷ lệ nguồn vốn ODA trong tổng số nguồn vốn đầu tư phát triển của Bộ có thời điểm xấp xỉ 50%. Hầu hết vốn vay ODA đã được sử dụng cho các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm… Hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách, tăng cường năng lực cho ngành từ Trung ương đến địa phương.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra Chiến lược Phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2030, với tầm nhìn đến 2050, chuyển từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, chú trọng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển đa ngành. Định hướng phát triển xanh theo hướng sinh thái, hữu cơ và tuần hoàn, giảm phát thải carbon để nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh.
Với chiến lược này, ưu tiên sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng nông thôn, thủy lợi, phòng chống thiên tai, thủy sản, vệ sinh môi trường và cấp nước sinh hoạt nông thôn, tái tạo rừng - quản lý rừng bền vững.
“Trong tình hình mới, việc thu hút nguồn vốn ODA cũng có những yêu cầu cao hơn, trong đó các dự án ODA phải đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn; định hướng phát triển xanh nhằm nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững… Trong quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA cần phải chú trọng nâng cao chất lượng dự án; đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả trong sử dụng vốn vay và tuân thủ đúng quy định pháp luật của Việt Nam và cam kết theo hiệp định được ký kết giữa Việt Nam với đối tác”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.