Tài chính doanh nghiệp

Giá bán mủ cao su tăng cao, TRC lãi lớn

Đình Đại 21/01/2025 04:02

Giá bán bình quân mủ cao su tăng cao, góp phần kéo lợi nhuận của TRC tăng cao nhất trong vòng hơn 10 năm qua.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024 mới công bố, Công ty CP Cao su Tây Ninh (HoSE: TRC) ghi nhận doanh thu đạt gần 296 tỷ đồng, tăng gần 38% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ giá vốn tăn g không đáng kể so với cùng kỳ, nên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp ngành cao su này tăng trưởng gần 103% so với cùng kỳ, lên hơn 148 tỷ đồng.

caosutayninh.jpg
Giá bán mủ cao su tăng cao, kéo lợi nhuận của Cao su Tây Ninh lên cao nhất trong vòng hơn 10 năm qua - Ảnh: TRC.

Hơn nữa, chi phí tài chính, trong đó chi phí lãi vay cũng giảm mạnh so với cùng kỳ từ hơn 4,3 tỷ đồng, xuống còn hơn 1,5 tỷ đồng, tương ứng với mức giảm hơn 65%; Khoản lãi lỗ trong công ty liên doanh, liên kết cũng giảm từ mức ỗ hơn 2,5 tỷ đồng của cùng kỳ, xuống còn âm hơn 1,3 tỷ đồng. Trong khi, các chi phí khác của doanh nghiệp biến động không đáng kể.

Kết quả, sau khi trừ chi phí, TRC ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 120 tỷ đồng, tăng hơn 155% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức lãi cao nhất trong hơn 10 năm qua của doanh nghiệp ngành cao su này.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp, nguyên nhân là do giá bán bình quân mủ cao su tăng ở cả Công ty mẹ - Công ty CP Cao su tây Ninh và Công ty con – Công ty Tây Ninh Siêm Riệp PTCS (Vương quốc Campuchia), dẫn đến lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh mủ cao su tăng so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế cả năm 2024, TRC mang về hơn 752 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 34% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận đạt hơn 221 tỷ đồng, tăng mạnh gần 230% so với năm 2023.

Ngay sau khi doanh nghiệp công bố kế hoạch kinh doanh tăng trưởng mạnh trong quý IV cũng như cả năm 2024, cổ phiếu TRC trên thị trường chứng khoán cũng có phản ứng tích cực khi tăng trần liên tiếp trong 02 phiên giao dịch gần đây là ngày 17 và ngày 20/01, qua đó, đưa thị giá cổ phiếu TRC thiết lập mặt bằng giá mới, với mức giá 62.700 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản cổ phiếu cũng tăng mạnh lên trên 500.000 đơn vị cổ phiếu được sang tay mỗi phiên.

cptrc.jpg
Cổ phiếu TRC tăng trần 2 phiên liên tiếp ngay sau khi doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh.

Kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh của TRC phản ánh đúng với chu kỳ hồi phục của ngành cao su tự nhiên, khi trong năm 2024 mặc dù sản lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam giảm nhẹ 6,2% so với năm 2023, đạt hơn 2 triệu tấn sản phẩm, tuy nhiên, nhờ giá cao nên tổng giá trị thu về đạt 3,4 tỷ USD, tăng trưởng 18,2% so với năm 2023 (thông tin từ Tổng cục Hải quan).

Giá cao su xuất khẩu bình quân năm 2024 đạt 1.701 USD/tấn (tương ứng tăng 351 USD/tấn) so với năm 2023. Đà tăng giá này được thúc đẩy bởi sự thiếu hụt nguồn cung toàn cầu, thời tiết bất lợi tại các nước sản xuất chính.

Trung Quốc vẫn là thị trường đứng đầu trong tất cả các thị trường tiêu thụ cao su Việt Nam. Năm 2024, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc đạt gần 1,5 triệu tấn, trị giá 2,4 tỷ USD, giảm 8,5% về lượng nhưng tăng gần 11% về kim ngạch so với năm 2023. Trung Quốc chiếm 72% về lượng và 71% kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2024.

Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cho biết, con số giá trị xuất khẩu 3,4 tỷ USD được Tổng cục Hải quan công bố, mới chỉ là xuất khẩu mủ cao su (tươi và sơ chê). Thực ra, tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành cao su trong năm 2024 lên đến 10,2 tỷ USD. Đây cũng là mốc kỷ lục cao nhất từ trước tới nay. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm cao su chế biến sâu (lốp ô tô, găng cao su và các sản phẩm khác) đạt 4,5 tỷ USD và xuất khẩu gỗ cao su ước đạt 2,3 tỷ USD.

Về triển vọng năm 2025, xuất khẩu cao su Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng do nhu cầu của Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi trở lại. Trong khi đó, nguồn cung toàn cầu dự kiến vẫn thắt chặt.

Dữ liệu từ Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) cho thấy, sản lượng cao su tại các quốc gia sản xuất chính trong khu vực Đông Nam Á có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Sản lượng cao su tự nhiên của Thái Lan trong giai đoạn 2019-2024 đã giảm từ 4,85 triệu tấn xuống còn 4,7 triệu tấn.

Tương tự, sản lượng ở Indonesia đã giảm từ 3,3 triệu tấn xuống còn 2,5 triệu tấn và sản lượng ở Malaysia từ 640.000 xuống còn 340.000 tấn trong cùng giai đoạn. Sự suy giảm sản lượng này có thể sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu, đẩy giá lên cao hơn trong những năm tới.

Giới chuyên gia nhận định, giá cao su trong nước và quốc tế trong giai đoạn đầu năm 2025 sẽ phụ thuộc nhiều vào các chính sách kinh tế mà Trung Quốc đang triển khai. Trong đó, ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc, vốn là một trong những lĩnh vực tiêu thụ cao su lớn nhất, được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025 nhờ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

VRA cũng nhận định, năm 2025 hứa hẹn sẽ tiếp tục là một năm thành công với ngành cao su Việt Nam. Dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành sẽ đạt 11-11,2 tỷ USD, tăng trưởng 10% so với năm 2024. Dự báo này được đưa ra trong bối cảnh ngành cao su không ngừng tìm kiếm cơ hội để tăng trưởng bền vững, đặc biệt khi giá trị xuất khẩu đang có xu hướng tăng mạnh nhờ các yếu tố kinh tế quốc tế và các chính sách nội tại của Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giá bán mủ cao su tăng cao, TRC lãi lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO