Kinh tế

Khó đầu tư chế biến sâu cao su

Hương Giang 02/03/2025 10:54

Do tỷ suất đầu tư chế biến sâu đối với cao su khá cao, thiếu sự liên kết đầu vào, đầu ra nên các doanh nghiệp hạn chế đầu tư.

Đó là chia sẻ của các doanh nghiệp trước những bất cập vì sao các doanh nghiệp ngành cao su không mặn mà với nhà máy chế biến sâu, dù giá trị gia tăng lớn.

phuoc hoa
Chế biến sâu không chỉ đem lại giá trị gia tăng cao cho doanh nghiệp, mà còn góp phần phát triển ổn định và bền vững cho ngành công nghiệp chế biến cao su. (Chế biến cao su tại Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa. Ảnh: Đào Phong)

Tỷ suất đầu tư cao

Trên thực tế, các doanh nghiệp vẫn biết với giá bán cao su nguyên liệu luôn bấp bênh, thì việc đầu tư cho chế biến sâu không chỉ đem lại giá trị gia tăng cao cho doanh nghiệp, mà còn góp phần phát triển bền vững cho ngành công nghiệp chế biến cao su của Việt Nam.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất lúc này là do tỷ suất đầu tư cho một nhà máy chế biến sâu khá cao nên các doanh nghiệp chưa dám mạnh dạn đầu tư. Bên cạnh đó, việc khó tiếp cận nguồn vốn để đầu tư nhà máy chế biến sâu cũng là một trong những rào cản khiến các doanh nghiệp phải tính toán kỹ.

Theo bà Trương Thị Dung - Tổng giám đốc Công ty TNHH cao su Thuận Lợi, các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh cao su thiên nhiên Việt Nam từ lâu vẫn tồn tại nghịch lý “xuất khẩu nhiều nhưng giá trị lại khá thấp”. Trong khi doanh nghiệp phải nhập khẩu nhiều để chế biến sâu. Do đó, trong bối cảnh giá mủ cao su thiên nhiên luôn bấp bênh thì việc giảm xuất thô và đầu tư cho công nghiệp chế biến sâu chính là nhiệm vụ then chốt để tái cơ cấu ngành cao su Việt Nam hướng đến phát triển bền vững. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên nên bắt đầu từ câu chuyện tái cấu trúc, chuyển đổi từ chế biến thô sang chế biến sâu từ các tổng công ty, tập đoàn Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực chế biến công nghiệp cao su, sau đó là các công ty thành viên và cuối cùng là khối doanh nghiệp tư nhân.

Cũng theo bà Dung, mỗi năm, Việt Nam sản xuất hàng triệu tấn mủ cao su, nhưng lượng hàng dùng chế biến sản phẩm cao su công nghiệp trong nước chỉ chiếm 16-18% tổng sản lượng (săm lốp, găng tay, linh kiện kỹ thuật,...). Trong khi, hơn 80% còn lại là xuất khẩu thô, giá trị thấp. Điều đáng nói, giá cao su xuất khẩu của Việt Nam thường thấp hơn so giá bán cùng chủng loại của các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia... Nguyên nhân chính do chất lượng không ổn định, không đồng đều, nhiều lô hàng không có giấy kiểm định chất lượng, chủ yếu ở bộ phận cao su tiểu điền.

Ngoài ra, bà Dung cho biết một nghịch lý tồn tại bấy lâu này chính là doanh nghiệp chưa thể sản xuất được cao su tổng hợp ở trong nước, nên phải nhập khẩu nguyên liệu này từ các nước có cơ sở công nghiệp hóa dầu. Đối với sản phẩm cao su kỹ thuật, do đặc thù phức tạp về chủng loại sản phẩm và công nghệ sản xuất nên ít doanh nghiệp chịu đầu tư sản xuất.

Chưa kể, mua bán nguyên liệu và sản phẩm cao su sơ chế hiện nay ở Việt Nam chủ yếu thông qua hợp đồng mua bán, không có sàn giao dịch, dẫn tới thiếu tính minh bạch và xảy ra hiện tượng chuyển giá của các doanh nghiệp FDI.

Cần giải pháp tổng thể

Bà Đinh Thị Thanh Tâm – Giám đốc Công Ty TNHH cao su Hòa Thuận cho rằng, nhiều nước đã tạo giá trị gia tăng cho cao su chế biến sâu từ 8-10 lần, đặc biệt cao su kỹ thuật có giá trị tăng lên tới 18-20 lần. Tuy nhiên, ở Việt Nam, chúng ta lại đang mất đi cơ hội này do cơ cấu chủng loại cao su Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà sản xuất trong nước mà chủ yếu để xuất khẩu.

“Các doanh nghiệp sản xuất lốp xe cần sử dụng chủng loại cao su, như: SVR 20, SVR 10, RSS 3 nhưng những mặt hàng này có tỷ lệ thấp trong cơ cấu cao su thiên nhiên của Việt Nam. Trong khi có đến 40-50% sản lượng là chủng loại SVL 3L thì nhu cầu tiêu thụ trong nước lại không cao. Đây chính là vấn đề mà ngành cao su ttrong nước phải giải quyết”, bà Tâm nhấn mạnh.

Cũng theo bà Tâm, nhiều nhà máy công nghiệp chế biến cao su Việt Nam vẫn phải nhập khẩu cao su từ Thái Lan, Malaysia do chất lượng cao su thiên nhiên nước ta không ổn định. Bên cạnh đó, nguồn cung không đồng đều trong năm, nhiều lô hàng không có giấy kiểm định chất lượng. Cùng với đó, sự tăng trưởng của công nghiệp chế biến cao su trong nước vẫn còn chậm.

Trong khi đó, những doanh nghiệp chế biến cao su (chế biến sâu) có mức tăng trưởng cao phần lớn là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc doanh nghiệp có quy mô lớn. Riêng doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam khó tiếp cận nguồn nguyên liệu chất lượng cao của các nhà sản xuất cao su thiên nhiên quy mô lớn.

Chưa kể, việc thiếu thông tin thị trường, đầu ra hẹp, công nghệ lạc hậu, quản lý kém, nhân lực yếu, khó tiếp cận vốn vay lãi suất ưu đãi, ít có điều kiện đẩy mạnh xúc tiến thương mại… chính là những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp cao su trong nước khó đầu tư cho chế biến sâu.

Do đó, bà Tâm cho rằng, để giảm xuất khẩu thô và phát triển công nghiệp chế biến sâu cho sản phẩm cao su, các doanh nghiệp phải có sự liên kết giữa 3 nhà trong chuỗi giá trị cao su:

Thứ nhất, cộng đồng doanh nghiệp cao su Việt Nam cần liên kết chặt chẽ, thiết lập mối quan hệ khách hàng tin cậy giữa nhà cung cấp nguyên liệu và nhà chế biến sản phẩm.

Thứ hai, nhà cung cấp cam kết đảm bảo nguồn cung về số lượng và chất lượng, kiểm soát giá thành hợp lý. Trong đó, doanh nghiệp chế biến cần ưu tiên sử dụng sản phẩm cao su trong nước, đầu tư cải tiến công nghệ, thiết bị, nhân lực, phát triển sản phẩm và thị trường mới.

Thứ ba, Nhà nước cần quản lý quy hoạch diện tích cây cao su, hướng dẫn người sản xuất cao su xây dựng kế hoạch đầu tư dài hạn để tránh tình trạng chặt phá cây khi giá thấp. Đồng thời, thành lập cơ quan thống nhất quản lý chất lượng và giá cao su, ưu đãi về đất đai, thuế, vốn vay cho doanh nghiệp chế biến sâu sản phẩm cao su.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khó đầu tư chế biến sâu cao su
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO