Tài chính doanh nghiệp

Hưởng lợi từ xu hướng tăng giá, triển vọng doanh nghiệp ngành cao su ra sao?

Đình Đại 02/12/2024 04:27

Giá xuất khẩu đồng pha với khu vực, được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ xu hướng tăng giá, tạo điều kiện tăng trưởng thuận lợi cho các doanh nghiệp ngành cao su.

caosu.jpg
Được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ xu hướng tăng giá, tạo điều kiện tăng trưởng thuận lợi cho các doanh nghiệp ngành cao su - Ảnh minh họa.

Giá cao su xuất khẩu tăng cao

Theo số liệu của từ Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành cao su của Việt Nam đạt 1,32 triệu tấn, trị giá gần 2,1 tỷ USD, giảm 6,2% về lượng nhưng tăng 11,7% về trị giá so với cùng kỳ năm trước nhờ giá tăng cao.

Giá cao su xuất khẩu bình quân 9 tháng đầu năm cao hơn 19% so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 1.592 USD/tấn. Tính riêng trong tháng 9, giá cao su xuất khẩu tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 32,8% (1.329 USD/tấn) so với cùng kỳ năm ngoái, bình quân đạt 1.730 USD/tấn. Đây cũng là mức giá cao nhất đạt được kể từ tháng 5/2022 đến nay.

Giá cao su xuất khẩu tăng cao do được hỗ trợ bởi điều kiện thời tiết bất lợi ở các khu vực sản xuất chính tại châu Á, đặc biệt là Thái Lan, làm gia tăng lo ngại về nguồn cung thiếu hụt. Bất chấp nhu cầu từ thị trường Trung Quốc – nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng chậm lại.

Theo đó, trong tháng 9, xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc giảm tháng thứ 8 liên tiếp so với cùng kỳ năm ngoái, với mức giảm 13,2%, xuống còn 135.677 tấn. Lũy kế trong 9 tháng đầu năm, Trung Quốc tiếp tục giữ vai trò là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam với khối lượng đạt 887.231 tấn, trị giá 1,37 tỷ USD, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái giảm 19% về lượng và giảm 4,7% về trị giá.

Thị phần của Trung Quốc trong tổng khối lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam đã giảm xuống còn 67,4% từ mức 78,1% của 9 tháng năm 2023.

Ngược lại, xuất khẩu cao su sang thị trường tiêu thụ lớn thứ hai là Ấn Độ tăng mạnh 32,4% về lượng và 63,6% về trị giá, đạt 107.429 tấn với trị giá 182,7 triệu USD, chiếm 8,2% tổng lượng cao su xuất khẩu.

Ngoài ra, lượng cao su xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn khác cũng tăng mạnh trong 9 tháng qua như: Đức tăng 64,5%, Nga tăng 23,3%, Đài Loan tăng 18,6%... Đặc biệt, một số thị trường tăng đột biến như Sri Lanka tăng 236,8%, Malaysia tăng 268,2%, Phần Lan và Bì cũng tăng lần lượt là 379,4% và 169,3%.

Nhu cầu tiêu thụ nội địa dự báo tăng trưởng bền vững

Đánh giá về triển vọng thị trường cao su thiên nhiên của Việt Nam, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng, thị trường cao su Việt Nam, với biến động giá SVR10 (loại cao su phổ biến trong nước) và giá xuất khẩu đồng pha với khu vực Đông Nam Á, được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ xu hướng tăng giá, tạo điều kiện tăng trưởng thuận lợi cho các doanh nghiệp trong giai đoạn quý IV/2024 – 2026.

giacaosu.jpg

Theo PHS, giá bán được giữ ở mức cao so với cùng kỳ là động lực thúc đẩy kết quả kinh doanh và cải thiện biên lợi nhuận cho các doanh nghiệp cao su: Đối với các doanh nghiệp cao su niêm yết PHS quan sát (GVR, PHR, DPR, RTB, TRC, DRI), ghi nhận kết quả kinh doanh quý III/2024 tích cực với tăng trưởng trung bình về doanh thu thuần, lợi nhuận gộp và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 20%, 81% và 333% so với cùng kỳ. Tăng trưởng này được dẫn dắt bởi giá bán cao su bình quân quý III ước tính tăng 30% - 45% so với cùng kỳ (tùy thuộc vào sản phẩm) và nguồn thu từ thanh lý cây cao su tăng cao.

Trong ngắn hạn, nhóm ngành cao su được dự báo sẽ duy trì khả năng tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhờ vào kỳ vọng giá bán trong quý IV/2024 – quý II/2025 tăng trưởng ở mức 02 chữ số so với cùng kỳ. Với giả định giá bán bình quân theo quý loại SVR10 giai đoạn quý IV/2024/quý I, II/2025F tại 1,8USD/kg (45.600 VND/kg) mức tăng trưởng giá bán so với quý cùng kỳ ghi nhận 22%/ 11%/ 4% so với cùng kỳ. PHS cũng kỳ vọng biên lợi nhuận gộp lĩnh vực cao su sẽ đạt 30% - 40% tại mức giá giả định trên.

Cũng theo PHS, nhu cầu tiêu thụ nội địa dự báo tăng trưởng bền vững nhờ sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ cao su tại Việt Nam. Ước tính tiêu thụ cao su nội địa tại Việt Nam giai đoạn 2024F - 2027F sẽ duy trì CAGR từ 10% trở lên và tăng sản lượng tiêu thụ trên mức 0,5 triệu tấn/năm từ năm 2027 chủ yếu nhờ sự chuyển dịch đầu tư mở rộng của hàng loạt dự án lốp xe lớn tại Việt Nam.

Trong giai đoạn 2021 – 2023, các dự án lốp xe được đầu tư tại Việt Nam có công suất thiết kế ước tính khoảng 40 triệu sản phẩm/năm (Gấp 1,38 lần sản lượng lốp xe ô tô/máy kéo Việt Nam sản xuất trong năm 2020) và kỳ vọng các dự án này sẽ đi vào hoạt động và đạt công suất tối đa giai đoạn 2024 – 2027 sẽ giúp tăng nhu cầu tiêu thụ trong nước lên cao.

“Đánh giá sơ bộ cho thấy các doanh nghiệp đầu ngành như GVR và các công ty đã hoàn tất chứng nhận rừng bền vững tại khu vực Bình Dương, Tây Ninh, và Bình Phước gồm DPR, PHR, TRC, RTB sẽ có tiềm năng gia tăng sản lượng tiêu thụ và mở rộng tệp khách hàng nhờ vào làn sóng đầu tư của các nhà sản xuất lốp xe lớn, nhằm phục vụ thị trường xuất khẩu”, PHS đánh giá.

Đồng thời, Công ty Chứng khoán này cũng cho rằng, cơ hội dành cho các doanh nghiệp đã hoàn tất các chứng chỉ bền vững. Theo đó, các doanh nghiệp ngoài tiềm năng mở rộng tệp khách hàng sản xuất phục vụ thị trường xuất khẩu EU, còn có thể hưởng lợi khi cao su đạt chuẩn EUDR có giá bán cao hơn 10% - 30% so với sản phẩm thường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hưởng lợi từ xu hướng tăng giá, triển vọng doanh nghiệp ngành cao su ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO