Vu Lan nghĩ về Mẹ
Lúc con còn nhỏ, ngày rằm tháng bảy thường được mẹ dẫn đi chùa. Con hỏi mẹ, là ngày gì mà đông người đi chùa quá mẹ ơi! Mẹ nói, là ngày báo hiếu, là ngày con cái nhớ về những người mẹ.
Thấy những người cài lên ngực áo bông hồng đỏ, người thì cài bông hồng trắng, con thắc mắc được mẹ giải thích “Những ai còn mẹ thì cài lên ngực áo hoa hồng đỏ, ai mất mẹ thì cài lên ngực áo hoa hồng màu trắng”.
Sau này đọc sách, con thấy thiền sư Thích Nhất Hạnh giải thích thêm: “Người cài bông hoa màu trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên dù người mẹ đã khuất. Người được cài hoa hồng đỏ sẽ thấy sung sướng vì còn mẹ, bến bờ yêu thương”.
Nguồn ảnh: Internet.
Mẹ là bến bờ yêu thương. Con người ta khi trưởng thành thường nghĩ rằng bản thân đã lớn khôn, có thể tự quyết định mọi việc, ở xa mẹ vẫn lo. Lúc còn ở với mẹ, nếu con bừa bộn thì mẹ dọn dẹp và nghĩ cách làm sao khuyên bảo con đừng như thế nữa. Những lúc con hư, mẹ buồn còn tự trách mình đã không dạy con chu đáo. Con lo lắng điều gì dù rất nhỏ thôi, mẹ còn lo lắng hơn con nhưng luôn tỏ ra mạnh mẽ lạc quan để động viên con hãy cố gắng vượt qua vì theo như mẹ nói thành công sẽ không phụ những người cố gắng.
Mẹ làm nhiều nghề để nuôi các con ăn học, lo cho gia đình vượt qua những lúc khó khăn tưởng chừng bế tắc, nhất là lúc ba bị bệnh thập tử nhất sinh. Mẹ làm nông dân chân lấm tay bùn để các con chân mang giày, tay cầm viết. Đôi vai mẹ chai sạn vì gánh hàng rong để đôi vai các con mang cặp sách tới trường. Da mẹ đen vì dãi nắng dầm mưa để da các con trắng ngồi phòng máy lạnh. Mẹ ở nhà lợp ngói vách đất để các con ở nhà cao cửa rộng. Mẹ mặc áo sờn màu để các con mặt áo mới. Mẹ chấp nhận vất vả để các con trở những giám đốc, nhà giáo, thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân.
Có thể bạn quan tâm
Mùa Vu Lan - dịp mọi người tìm về cội nguồn!
11:00, 14/08/2019
Nỗi trăn trở mùa Vu Lan báo hiếu
15:05, 11/08/2018
Có lần mẹ kể cho con nghe chuyện bà ngoài không vào Sài Gòn với con trai, ở quê để tiện nhang khói cho ông bà. Các cậu đều thành đạt có gia đình riêng nhưng ở xa, mẹ thường về thăm và thấy những lần ngoại bệnh vẫn không gọi điện thoại hay nhắn các con vì ngoại cho rằng con mình công việc nhiều và ở xa càng thêm lo.
Người hàng xóm thường qua chơi với ngoại kể lại rằng, lắm khi ở một mình ngoại cũng thấy hoạnh hiu, vào với các con thì nhà thờ không ai lo. Không phải các con của ngoại lơ là gì nhưng vì ngoại thương các con nên không muốn chúng nó lo lắng, những lần vào trong đó thấy chúng nó làm việc hoài rồi còn lo cho vợ con. Ngoại nói, thấy các con vui là ngoại đã vui, con cháu thành đạt là ngoại hạnh phúc.
Các con của mẹ cũng giống các cậu ngày xưa, lập nghiệp ở nơi xa, mẹ ở quê trông nom nhà thờ. Mẹ chia sẻ với vài người trong hội cao tuổi, những lần bệnh cố gắng lướt qua, cực chẳng đã mới báo tin vì thấy các con chịu nhiều áp lực cuộc sống.
Con cảm nhận giữa dòng đời tấp nập, nơi thành phố bon chen cũng chỉ là thứ vật chất phù phiếm làm sao thay thế mái nhà xưa, nơi tuổi thơ có những tháng ngày không thể phai mờ trong ký ức. Dù đời sống tiện nghi, hiện đại cũng không bằng sức khỏe và hình bóng mẹ. Năm trước, đi xa lâu ngày về thăm nhà, ngồi ngắm mẹ trong một buổi chiều nắng. Bất chợt nhận ra tóc mẹ nay vương bao sợi bạc, cái dáng thoăn thoát năm xưa đã chậm lại, nhiều vết nhăn trên vầng trán đầy yêu thương khiến lòng con thắt lại. Rồi lại sợ một ngày nào đó bóng đổ chiều nghiêng, lời bài hát: “Rồi mai này mẹ hiền có mất đi, như đóa hoa không mặt trời, như trẻ thơ không nụ cười, ngỡ đời mình không lớn khôn thêm, như bầu trời thiếu ánh sao đêm…”. Từ đó, mỗi tháng dù bận rộn đến đâu con vẫn vượt 800 km về thăm mẹ.
Những người mẹ là vậy, sẵn sàng chịu thiệt vì con, dù các con đã trưởng thành nhưng ở xa mẹ vẫn luôn lo lắng cho các con. Ngay cả lúc tuổi già, ốm đau cũng ngại thổ lộ vì không muốn các con chịu thêm áp lực nào khác. Điều này là thực tế.
Nhiều người con còn mẹ, được đón nhận bông hồng đỏ mỗi mùa vu lan có thể nghĩ là điều hiển nhiên, hay đang quá bận rộn với công việc và lo cho gia đình mình, lắm khi gởi tiền hay điện thoại thăm hỏi mẹ là có thể trả hiếu cho đấng sinh thành. Song, lại quên mất thời gian ở bên mẹ không bao giờ dừng lại, mẹ sẽ ngày một yếu đi và đến lúc nào đó sẽ rời xa thế gian này theo quy luật ai cũng phải đón nhận.
Hôm nay ngày rằm tháng bảy, nếu ai đó tặng con bông hoa hồng cài lên ngực, con sẽ đón lấy đóa hoa màu đỏ thắm cài ngay trên ngực áo chỗ vị trí trái tim mình. Hạnh phúc biết bao khi con vẫn còn mẹ là còn cơ hội để làm mẹ vui, thấy mẹ an lành, nghĩ về mẹ, rồi được gọi mẹ là từ ngữ quá đỗi thân thương và trân trọng nhất đời con. Mỗi ngày bên mẹ hôm nay sẽ quý giá và ý nghĩa không gì so sánh, không chỉ với các con của mẹ mà còn vun trồng cho thế hệ sau đối với đấng sinh thành.
Con xin một phút thành tâm nghiêng mình chia sẻ với ai không còn mẹ, cài trên ngực áo bông hoa hồng màu trắng, lắng đọng lòng mình nghe niềm trống vắng. Con cũng xin được phép gởi đến những người mẹ ở phương xa có thể thổ lộ mong muốn với các con, một chút gì đó gọi là yêu cầu sẽ làm cho các con hiểu hơn để tranh thủ thời gian quan tâm đến đấng sinh thành, đó cũng là cách dạy dỗ các con.
Mùa Vu Lan đến, mẹ ngày một già đi, các con đã trưởng thành nhưng thời gian ở bên mẹ lại ít hơn lúc nhỏ. Vu Lan này con chẳng có bông hồng cài áo, nhưng con có cách yêu mẹ của riêng con. Với con ngày nào cũng là ngày báo hiếu, luôn nghĩ về mẹ, cầu mong cho mẹ mạnh khỏe, mỗi tháng bận rộn đến đâu cũng về thăm mẹ. Con hiểu thời gian không bao giờ dừng lại với những ai đang còn mẹ, là còn bến bờ yêu thương nhất đời mình.