[VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] “Make in Vietnam” từ đâu? (Bài 1)
Tất cả sự “quan tâm” dường như chỉ là hoan hô và tự hào xong “đường ai nấy đi”, để nhân tài Việt Nam người thành công dân Úc, Pháp, Mỹ, người ở lại cũng thui chột…
Cách đây vài năm, xuất hiện một vài bài viết diễn giải vấn đề “Bắt học sinh học tích phân, vi phân để làm gì?” Rồi có người suy rộng ra, không biết các môn học Toán, Lý, Hóa phỏng có ý nghĩa gì trong cuộc sống?
Oái ăm là thực tế cho thấy như thế! Ai cũng phải học mấy môn đó nhưng có rất ít người sử dụng nó để làm ra thứ gì đó cho xã hội, nhiều lắm chỉ sử dụng mấy phép tính đơn giản, kể cả ngành kiến trúc, xây dựng bây giờ cũng sử dụng phần mềm đồ họa, không ai ngồi đó tính nhẩm…
Rồi thì giải những bài toán tích phân, vi phân lấy kết quả đó để làm gì ngoài việc để thầy cô chấm điểm? Kể cả rất nhiều tấm huy chương vàng Olympic khoa học cơ bản vẫn chưa thể biến thành “thiết bị” có ích trong thực tiễn.
Đó là những câu hỏi rất “ngang trái” đánh thẳng vào nền giáo dục thiên về lý thuyết ở Việt Nam. Tại mấy môn khoa học tự nhiên kia “không có tác dụng” hay là người Việt không biết cách nào ứng dụng nó vào đời sống?
Có thể bạn quan tâm
[VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Lỗi hệ thống và vĩ mô giáo dục
02:05, 09/08/2019
[VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Đồng bằng và những cái “chết” từ gốc (Bài 3)
05:03, 02/08/2019
[VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Đồng bằng và những cái “chết” từ gốc (Bài 2)
06:34, 01/08/2019
[VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Đồng bằng và những cái "chết" từ gốc (Bài 1)
10:50, 31/07/2019
Những năm gần đây, người ta bắt đầu sốt sắng tìm cách để Việt Nam phát triển nhanh hơn, hùng cường, vượt qua, sánh bằng nước này nước nọ, mục tiêu trung hạn cũng có, tầm nhìn xa cũng có, quy hoạch, định hướng đầy đủ…
Song đa phần là những con số chung chung, tăng cường, đẩy mạnh, đại loại đến lúc nào đó ta như thế nào, mà rất hiếm thấy chỉ ra giải pháp cụ thể; thuật ngữ, khái niệm, phạm trù không dành cho đại chúng.
Điều đó cho thấy sự cảm tính, mục tiêu quá cao, quá xa trong khi ít quan tâm đến tình hình thực tế, các “điều kiện cần”, “điều kiện đủ” để mục tiêu đó thành công.
“Make in Vietnam” là một thuật ngữ được Bộ TTTT đưa ra tại Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam hồi tháng 5/2019. Theo giải thích của Bộ này là: “Make in Vietnam - Làm tại Việt Nam, sẽ hàm nghĩa người Việt Nam chủ động, sáng tạo, thiết kế, tích hợp sản phẩm tại Việt Nam và phát triển, đóng góp vào công nghệ, phát triển cộng đồng công nghệ”.
Phát động phong trào là điều cần thiết, nhưng một lần nữa vẫn phải quay lại tiền đề thực tiễn chúng ta có gì để “Make in Vietnam”? Hay nói cách khác “Make in Vietnam” bắt đầu từ đâu? Ai sẽ đảm đương nhiệm vụ này, một nhóm công dân đặc biệt hay toàn xã hội?
Trở lại với mấy câu hỏi nêu ra ở đầu bài, nguyên do là nhiều người nhận thấy một hiện tượng phổ biến, học mấy môn đó không để làm gì cả, chỉ hao sức tốn của? Nhưng không phải!
Mọi sáng tạo, phát minh khoa học, kỹ thuật từ xưa đến nay đều dựa vào các phát minh trong lĩnh vực Toán học, Vật lý và Hóa học. Mọi công thức, định luật mà chúng ta học trong sách giáo khoa đều đã được ứng dụng sản xuất thành phẩm phục vụ con người.
Làm sao sản xuất được máy bay, tên lửa, súng đạn, thiết bị đo lường nếu như không có câu hỏi giản đơn như Newton: “Vì sao trái táo rơi?”; hoặc như anh em nhà Wright đặt câu hỏi khiến thế giới bật cười: "Vì sao chim bay được?" Nhưng nhờ có thế loài người mới có ngành hàng không vũ trụ như ngày hôm nay.
Sự phát triển của máy tính dựa vào hệ chữ số nhị phân (Toán học), chất bán dẫn (Hóa học), máy tính thế hệ thứ 5 như hiện nay bao gồm cả các thành tựu nghiên cứu về não bộ con người (Sinh học) có thể tương thích với phần mềm máy tính, gọi là AI…
Nói như vậy để thấy rằng, mọi mục tiêu chỉ là khẩu hiệu suông nếu như không dựa trên nền tảng của khoa học và kỹ thuật. Hàng vạn phát minh từ xưa đến nay đã trở thành lý thuyết phổ quát, người Việt hay gọi là “sách giáo khoa” - vấn đề còn lại là nước nào ứng dụng tốt hơn nước đó sẽ nắm công nghệ nguồn và hùng cường.
Cách đây hơn 100 năm, K. Marx đã dự đoán: “Đến một trình độ phát triển nào đó thì “tri thức xã hội phổ biến” (khoa học) biến thành “lực lượng sản xuất trực tiếp”. Ngày nay, với cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, luận điểm đó của K.Marx đang dần trở thành hiện thực một cách đầy thuyết phục.
Có phải chỉ cần tạo ra khu công nghệ cao mà “trí tuệ Việt Nam” chỉ làm công việc san ủi mặt bằng, cung cấp điện nước xong kêu gọi doanh nghiệp công nghệ nước ngoài vào đặt chi nhánh là nghiễm nhiên trở thành “cường quốc công nghệ”. Đó là cách làm “hớt ngọn” vội vàng.
Hình như chưa có nhà quản lý nào ở nước ta đặt ra yêu cầu cấp thiết đến năm nào đó Việt Nam phải có giải Nobel, bao nhiêu bằng sáng chế, bao nhiêu Viện hàn lâm, Trường đại học đẳng cấp như các nước. Hoặc có cũng chỉ là một phát biểu chung chung, xong rồi quên lãng!
Để là “cường quốc công nghệ” không hề đơn giản như báo chí thường mô tả - đó phải là “phản xạ sáng tạo” được truyền thụ vào con người từ giáo dục bậc thấp.
Tại sao không chịu đặt câu hỏi rằng là: Ngoài Grab ra còn phương thức gọi xe nào tiện lợi hơn hay không? Tại sao phải coi Facebook là đối thủ “không đội trời chung” mà không phải là đối tác hữu hiệu? Vì sao lúc nào cũng thấy công nghệ Nhật, Mỹ là “number one”?
Hoặc như Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói rằng: “Tại sao không nghĩ đến việc tạo ra mạng xã hội mới thay Facebook vì triết học của Facebook giờ không còn phù hợp với thế giới nữa. Đã đến lúc cần một mạng xã hội mà giá trị do cộng đồng tạo ra được chia sẻ chứ không đổ về cho một người…”.
Chúng ta cần một đội ngũ doanh nhân/nhà khoa học đặt những câu hỏi “VÌ SAO” chứ không phải chỉ giỏi mô phỏng, học theo. Người ta từng trầm trồ Trung Quốc bắt chước rất giỏi, nhưng giờ đã thấy họ khốn đốn ra sao vì “tư duy sao chép”.
Thật ra, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để “Make…”, ví dụ như đội ngũ học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế, có tới hàng trăm, cớ sao không xem đó là “nguyên khí quốc gia đặc biệt” để bồi dưỡng cho mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hùng cường…?
Tất cả sự “quan tâm” chỉ là hoan hô và tự hào xong “đường ai nấy đi” để họ thành công dân Úc, Pháp, Mỹ, người ở lại cũng thui chột… mỗi năm được mời về nước một lần gặp gỡ xong chẳng giải quyết được gì cả!
Tôi có cảm giác người Việt muốn có tất cả những thứ tốt nhất mà thế giới hiện có, tham vọng không hề nhỏ, nhưng đâu đó vẫn còn thiếu đi tư duy lý tính, kỹ trị.