[VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Liên minh doanh nghiệp (Bài 1)

Trương Khắc Trà 16/09/2019 06:10

Liên kết yếu, thậm chí không liên kết là một trong những đặc tính cố hữu của doanh nghiệp Việt Nam.

Tuần trước, tôi bắt đầu tìm hiểu một vài doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở địa phương, xem thử họ làm ăn như thế nào trong bối cảnh Trung Quốc siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch.

Kết quả rất ảm đạm, những địa chỉ làm ăn lớn bắt đầu đi vào con đường suy thoái, hàng không bán được vì không có nhãn mác, không ai biết được nguồn gốc xuất xứ. Và khi dính quả “đắng” họ chỉ biết ngồi thở than trách móc cơ quan chức năng. Họ hoàn toàn thụ động!

Vài cơ sở làm ăn thời vụ, thu mua theo mùa đánh bắt, đầu tư chút ít trang thiết bị sơ chế mong nâng cao lợi nhuận, nhưng cũng phập phù theo con đường tiểu ngạch, khi “vui” hàng chạy “khi “buồn” hàng ở lại.

Khi tiếp tục đi tìm hiểu vài ngàn tấn thủy sản sấy khô tồn đọng, tôi thực sự bất ngờ với những thông tin có được. Thì ra, lĩnh vực làm ăn tiểu ngạch nó là một thế giới kinh doanh không hề giản đơn - giữa những người làm ăn tiểu ngạch có tồn tại một khoảng cách mà tôi tạm gọi là “cạnh tranh”.

Họ cùng cảnh ngộ, nhưng sẵn sàng bỏ mặc người đồng hành, bán hàng cho ai, bằng con đường nào… là điều bí mật cho đến khi tất cả cùng nhận chung một kết quả, bị lừa bởi đối tác.

Họ không hề chia sẻ với nhau thông tin, họ tìm mọi cách biệt lập nhau tối đa có thể. Thứ họ sợ nhất là “đồng nghiệp” cướp mất khách hàng của mình.

An toàn thực phẩm chưa đảm bảo tại một cơ sở sơ chế cá nục xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch (Ảnh: Khắc Trà)

An toàn thực phẩm chưa đảm bảo tại một cơ sở sơ chế cá nục xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch (Ảnh: Khắc Trà)

Nhiều năm nay, ở Việt Nam có một luồng dư luận sẵn sàng lên án thương lái Trung Quốc một khi có mặt hàng nào đó bị khủng hoảng thừa. Nhưng bình tĩnh lại mới thấy do mình hơn tại người!

Thương lái Trung Quốc đến mua hàng, chúng ta đồng ý trên cơ sở thuận mua vừa bán mà không cần một thỏa thuận ràng buộc. Tất cả bị quyết định bởi món lời quá lớn. Vậy nên, vô vàn lý do rủi may có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.

Dĩ nhiên, khúc mắc đó phần lớn rơi vào doanh nghiệp quy mô nhỏ. Họ cần phải chuyên nghiệp hóa nếu muốn tồn tại trong bối cảnh kinh tế thị trường không còn dừng lại ở khẩu hiệu.

Với thủy sản, người khai thác phải chứng minh được nguồn gốc đánh bắt, thời gian lưu trữ, đến lượt bên thu mua phải đầy đủ trang thiết bị để sơ chế, đóng gói, nhãn mác và cuối cùng cần một đối tác lâu dài trên cơ sở một thỏa thuận được pháp luật công nhận.

Có thể bạn quan tâm

  • [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] “ĐỔI MỚI 2” là tất yếu

    [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] “ĐỔI MỚI 2” là tất yếu

    11:15, 13/09/2019

  • [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Làm sao để thay thế Facebook?

    [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Làm sao để thay thế Facebook?

    06:04, 16/08/2019

  • [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] “Đoàn kết vùng” - từ một câu chuyện nhỏ!

    [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] “Đoàn kết vùng” - từ một câu chuyện nhỏ!

    05:30, 20/08/2019

  • [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Năng suất lao động và giá trị thương hiệu

    [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Năng suất lao động và giá trị thương hiệu

    07:12, 19/08/2019

Một lãnh đạo địa phương nọ kể lại chuyện từng dẫn đoàn đàm phán xúc tiến thương mại với một siêu thị. Sau khi hai bên đã hoàn tất 99% thỏa thuận, phía siêu thị đặt ra yêu cầu mỗi tháng phải được cung ứng 50 tấn thủy sản, đều đặn trong năm - mới đặt bút ký vào hợp đồng.

Khi trao đổi lại với doanh nghiệp địa phương, không một ai có thể dám chắc đảm bảo số lượng đều đặn như thế. Phía đơn vị thu mua đổ lỗi cho người đánh bắt, người đánh bắt vịn vào lý do thời tiết, ngư trường cạn kiệt. Cuối cùng thỏa thuận đổ bể, siêu thị đã tìm được đối tác mới ngoại tỉnh. Đánh rơi một cơ hội quý giá.

Qua câu chuyện này có thể thấy, bản thân độc lập từng doanh nghiệp không thể làm được việc này, cho nên cần một hệ thống chuyên nghiệp kèm theo.

Họ cần được hỗ trợ tối đa để trước tiên - thay đổi tư duy kinh doanh, rằng phải xem sản phẩm là hàng hóa, rằng kinh doanh chính thống phải có thương hiệu. Muốn “go global” thoạt đầu phải “go mindset”.

Vấn đề đọng lại ở đây là liên kết doanh nghiệp, tạo thành những liên minh kinh doanh, vá lỗ hổng, tăng sức cạnh tranh, chống chọi với doanh nghiệp ngoại để vững chân ở thị trường nội địa trước khi nghĩ đến mục tiêu vươn ra khỏi lãnh thổ.

Kết quả khả quan từ chính sách ngoại giao - Việt Nam đã ký và đang đàm phán tổng cộng 16 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các đối tác rất lớn như Mỹ, EU, AESEAN, Nhật Bản… có rất nhiều ưu đãi. Nhưng ở đó không có chỗ cho doanh nghiệp nhỏ, làm ăn lẻ tẻ, nặng tính thời vụ.

Nói đúng hơn, FTA là sân chơi lớn, nên cần những “tay chơi” có máu mặt, đủ chuyên nghiệp để đáp ưng quy chuẩn chất lượng. Ở Việt Nam hiện có bao nhiêu doanh nghiệp đủ sức để tham gia? Đây là câu hỏi rất thực tế mà cá nhà hoạch định chính sách phải trả lời trước khi nói về tính ưu việt các FTA.

Doanh nghiệp nhỏ có thể liên minh theo hai hướng, một là tự đoàn kết nhau lại, hình thành thương hiệu, tăng tỷ lệ vốn hóa; hai là tập hợp lại dưới trướng một vài doanh nghiệp lớn, làm vệ tinh.

Liên kết là xu hướng phát triển của mọi thời đại, hơn nữa nó như một quy luật bổ sung luôn luôn cho thấy tính đúng đắn. Rất dễ thấy những thương hiệu toàn cầu đều là những “siêu liên kết” theo hàng dọc và hàng ngang.

Apple cần đến 200 đối tác để tạo ra một sản phẩm bá chủ thế giới, Toyota có tới 522 công ty con, mặc dù ở ngôi vị số 1 thế giới nhưng gần đây họ nhận thấy nguy cơ tụt hậu công nghệ, nên đã bắt tay với đối thủ Suzuki để vá lỗ hổng này.

Nhà bán lẻ lớn nhất toàn cầu Walmart có tới vài trăm ngàn doanh nghiệp làm đối tác cung ứng. Samsung lại là một điển hình của liên kết ngang, khi họ không chỉ sản xuất thiết bị điện tử mà còn cả phương tiện vận tải, đóng tàu, bất động sản, tài chính…

Ở Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện các “siêu liên kết”, về hàng ngang có Vingroup, hàng dọc tiêu biểu là FPT… Không khó hiểu nếu như các doanh nghiệp này bắt đầu hiện diện mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế.

Ngược lại, kinh tế thị trường - khi các liên kết tan rã cũng là lúc doanh nghiệp rơi vào khó khăn, thậm chí phá sản. Nói như vậy để thấy rằng, liên kết là xu thế không thể cưỡng lại, nếu ai đứng ngoài cuộc thì mãi mãi là vô danh tiểu tốt.

Phương pháp tiểu ngạch không khác gì “kinh doanh phi hợp tác”, sớm muộn gì cũng chết khi Trung Quốc, Lào, Campuchia chính thức khép lại con đường này.

Còn tiếp…

Trương Khắc Trà