Chỉ với liên kết vùng trên giấy tờ như hiện nay là chưa đủ để tạo thành khối - không chỉ là liên kết là phải nâng cấp độ lên “đoàn kết”
Cách đây 25 năm Thủ tướng chính phủ đã ban hành quyết định 762/TTg xác định ranh giới hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Mãi đến năm 1998 hai tỉnh thống nhất lập biên bản thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng.
Trong đó có nêu: “Tỉnh Thừa Thiên Huế có trách nhiệm chuyển giao nguyên trạng xã Hồng Thủy (bao gồm cả vùng đất Đông Sơn, xã Hồng Thủy cũ) thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế về huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị quản lý”.
Nhưng chuyện không đơn giản thế là xong!
Hai bên tranh chấp dai dẳng, bên nào cũng có bản đồ minh chứng vùng đất nhiều gỗ quý kia thuộc phần mình. Như phản ánh của báo Lao động, rừng cũng “mất tích” theo quá trình tranh chấp địa giới, chòi canh rừng của phía Quảng Trị bị đốt cháy, tình hình trở nên căng thẳng!
Có cả chuyện khôi hài thế này: Có gia đình đăng ký hộ khẩu, con cái đi học bên tỉnh kia, nhưng kinh doanh quán ăn phải nộp thuế bên tỉnh này, dân bên này huy động ra ngăn cản việc xây dựng công trình giao thông bên kia… và đó không chỉ là một vài trường hợp cá biệt.
Hàng chục tờ báo viết về vụ việc “nồi da nấu thịt” này, trong đó có loạt bài đã đạt giải A cuộc thi báo chí tỉnh nọ, vụ việc kinh động đến nhiều Bộ, ngành, cuối cùng cũng thu xếp ổn thỏa.
Một chuyện rất nhỏ nhưng làm “mất lòng” cả một cộng đồng người sinh sống cạnh nhau nhiều đời nay, nét vẽ trên bản đồ chỉ là tượng trưng mà thôi, chính quyền cũng mất hàng chục năm giải quyết, Trung ương phải vào cuộc.
Quảng Trị và Thừa Thiên Huế không phải là trường hợp duy nhất hục hặc nhau vì địa giới, mà còn rất nhiều “cặp láng giềng” tị nạnh hơn thua nhau vì những thứ đáng ra phải “nhiễu điều phủ lấy giá gương” như thế, từ mét đất, cây gỗ, chút khoáng sản. Liên kết vùng và cao hơn là đoàn kết vùng, đôi lúc chưa phải khó vì chính sách, điều kiện mà lắm lúc trở ngại vì lòng người.
Có thứ tâm lý xã hội lạ kỳ diễn ra ở Thừa Thiên Huế trong những năm Đà Nẵng phát triển “nóng” dưới thời của cố Bí thư Nguyễn Bá Thanh. Ở Huế một phần bày tỏ ngưỡng mộ Đà Nẵng, có quan điểm chỉ trích sự chậm rãi của tỉnh nhà, một bộ phận bắt đầu “suy nghĩ lại”, nhất là tầng lớp tinh hoa.
Những năm đó, rất nhiều giảng viên, nhà khoa học có tiếng tăm đã rời cố đô về Đà Nẵng, hoặc xa hơn là TPHCM để mưu cầu một môi trường “rộng rãi” hơn cho sự nghiệp, trong đó có nhiều người tôi quen biết.
Chủ nhân tấm Huy chương vàng Olympic toán học “đặc biệt” là Lê Bá Khánh Trình không chọn ở lại Huế, mặc dù đó là quê hương anh và nơi được coi là Trung tâm Văn hóa Giáo dục lớn của đất nước.
Lại nói về liên kết để tạo thành vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định). Là vùng đất tuy thiên nhiên khắt khe nhưng đổi lại rất nhiều thứ hậu hĩnh, trong đó có chính sách của Trung ương.
Tại Huế, lần giao ban Hội đồng vùng hồi đầu năm, không ngẫu nhiên mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý: “Liên kết vùng là yếu tố quan trọng nhất”.
Miền Trung bây giờ cái gì cũng có, từ cảng biển, đường cao tốc, đường ven biển, sân bay, đường sắt; có du lịch, công nghiệp nặng, công nghệ cao, nhưng chưa chọn được cái gì là “đột phá”.
Đơn cử như vấn đề xây dựng cảng biển, hầu như tỉnh nào cũng có một vài dự án hoành tráng, cảng cũ chưa làm xong lại kêu gọi đầu tư cảng mới. Như Quảng Trị, cảng Cửa Việt bé xíu đã không có hàng để vận hành nay lại đầu tư cảng mới trị giá nhiều ngàn tỷ đồng.
Tỉnh nào cũng có sân bay, trong khi hai sân bay quốc tế Đà Nẵng và Phú Bài cách nhau 100km đều hiu hắt. Khách từ Quảng Trị vào Huế đi máy bay không là bao nhưng tỉnh này cũng có ý định xây sân bay!
Địa phương nào cũng muốn mình có đủ “bộ” hạ tầng như một nền kinh tế biệt lập, tự kêu gọi đầu tư, tự sản xuất, tự vận chuyển theo hạ tầng riêng, không kết nối. Việc đầu tư hạ tầng manh mún, tràn lan tức là lấy đi cơ hội thiết lập trung tâm logictics lớn cho cả vùng.
Tuy nhiên, thực trạng này bắt nguồn từ một loại quy hoạch khác, mang tính địa phương, đó là “quy hoạch phát triển công nghiệp”. Tỉnh nào cũng lập khu công nghiệp, nhỏ hơn thì cụm công nghiệp, buộc phải có cảng biển để hài lòng nhà đầu tư, việc sản xuất ở Huế vận chuyển vào Đà Nẵng để xuất cảng là vấn đề không hề đơn giản.
Có thể bạn quan tâm
04:13, 17/08/2019
00:00, 24/07/2019
05:15, 20/08/2019
02:08, 19/08/2019
17:26, 08/08/2019
Ngoài Đà Nẵng đã bứt lên khá toàn diện nhờ con người đặc biệt trong những thời khắc đặc biệt, bằng cách làm hiếm hoi hoặc chưa có tiền lệ, còn lại - một thập kỷ trở lại đây chỉ thấy khởi sắc ở bất động sản, nghỉ dưỡng, kèm theo đó là “ăn” hết đất ven biển và những cơn “sốt đất” dai dẳng.
Nếu đến Huế cũng du lịch, nghỉ dưỡng, Đà Nẵng cũng vậy, Quy Nhơn cũng thế thì liên kết vùng có ý nghĩa gì? Hoặc là các địa phương này trở thành “đối thủ” của nhau!
Liên kết vùng phải tạo ra một hệ thống hữu cơ, trong đó các yếu tố cấu thành phải khác biệt nhau tương đối, nhằm bổ trợ cho nhau, chứ không phải trở thành xung khắc nhau.
Một thời, Huế là nơi cung cấp nhân lực chất lượng cao sánh ngang Hà Nội và TPHCM, nhưng hiện nay đang có dấu hiệu chững lại, trong khi đó Đà Nẵng vươn lên chiếm lấy lợi thế này, mặc dù không có bề dày bằng Huế.
Bất cập quy hoạch là ở đây, vì sao không tiếp tục phát triển Huế thành nơi đào tạo nhân lực cho cả vùng? Việc nở rộ giáo dục đào tạo ở Đà Nẵng nhìn chung tốt nhưng nó lấy mất phần của Huế, nếu Huế không còn lợi thế giáo dục tức là không còn bản sắc!
Vấn đề ở đây là - nếu đã có cam kết vùng thì phải phân bổ và xem xét kỹ các lợi thế của các thành viên để không phát triển kiểu “dẫm chân” như thế là triệt tiêu nhau.
Nhìn về Đà Nẵng, bắt đầu thấy dấu hiệu đáng lo, việc “tích hợp” quá nhiều lĩnh vực trong một thành phố đã gây ra hệ lụy, công nghiệp án ngữ trên núi, xả thải xuống ven biển, giáo dục trong lòng thành phố bây giờ chật chội, du lịch chiếm bãi biển nên cứ mưa là ngập…
Trên thế giới, những thành phố văn minh, hiện đại là nơi chỉ tập trung một vài lĩnh vực nhất định, du lịch thì không có công nghiệp, trung tâm sáng tạo thì không có du lịch.
Tức là phải đối mặt với mâu thuẫn giữa quy hoạch tổng thể vùng và quy hoạch từng địa phương, làm sao để ăn khớp, không "chọi nhau", và vấn đề là có thật sự cần một “nhạc trưởng” làm hạt nhân hay là cần Hội đồng vùng linh hoạt dựa trên bản quy hoạch chi tiết khoa học?
Nếu lấy Đà Nẵng làm hạt nhân tức là các địa phương còn lại là vệ tinh, việc xác định vị trí của các thành viên trong vùng có tính quan trọng bởi nó sẽ là phương hướng để xây dựng quy hoạch phát triển theo mô hình “hàng ngang” hay “hàng dọc”.
Chỉ với một liên kết vùng trên giấy tờ như hiện nay là chưa đủ để tạo thành khối, đó không chỉ là liên kết là phải nâng cấp độ lên “đoàn kết”. Bỏ tư duy “cát cứ” lợi ích theo địa giới hành chính.