[Chung kết bóng đá nam Seagame 30] Giấc mơ và mối họa!

Trương Khắc Trà 10/12/2019 07:00

Ranh giới thắng - thua rất mỏng manh, nếu không chiến thắng đối thủ liệu chúng ta có đủ dũng cảm để chiến thắng chính mình?

Người ta thường nói về những giấc mơ, nhưng rất hiếm thấy giấc mơ nào dài đến 6 thập kỷ, giấc mơ ấy được nhiều thế hệ hun đúc, vun vén nhưng chưa một lần trở thành sự thật. Chỉ mãi mãi là mơ.

Tôi đang nói về tấm huy chương vàng bóng đá nam Seagame, chúng ta thường hay chua chát mà rằng, Seagame là “ao làng”. Đem ra cân đong, đo đếm bóng đá Việt Nam đã cán nhiều cột mốc to lớn hơn nhiều. Nhưng có lẽ, bóng đá cũng như tâm lý con người, thứ gì chưa có vẫn là của hiếm.

Thế giới hiếm thấy đội bóng nào 5 lần vào chung kết một giải đấu mà chưa một lần đăng quang - đó chính là Việt Nam. Có lúc, tưởng chừng như “bỏ túi” chức vô địch nhưng rồi trái bóng tròn nghiệt ngã không lăn theo ý muốn.

Trong 5 lần đó, có tới 4 lần người Thái gieo sầu cho chúng ta, nhưng kể cả khi loại được đại kình địch Thái Lan thì cái tên Malaysia nổi lên như một mãnh hổ tại chung kết bóng đá nam Saegame 25 trên đất Lào. Chẳng ai giải thích nổi chuyện gì đang xảy ra!

Những chiến thắng vang dội, những trận thua chóng vánh và cả nhiều chức vô địch cứ lần lượt trôi qua như trêu ngươi từ thế hệ này đến thế hệ khác của bóng đá Việt Nam. Thầy nội, thầy ngoại cứ lũ lượt đến rồi lại đi để lại nhiệm vụ dường như bất khả thi.

Tấm huy chương vàng bóng đá nam Seagame chờ đợi 60 năm

Tấm huy chương vàng bóng đá nam Seagame chờ đợi 60 năm

Vào lúc 19h tối nay (10/12) bóng đá Việt Nam sẽ bước vào trận chung kết Seagame thứ 6 trong lịch sử, với một thế hệ vàng tiếp nối, bản lĩnh kiên cường, thành tích lừng lẫy và thứ vũ khí đáng nói nhất là bộ óc của chiến lược gia người Hàn Quốc, Park Hang - seo.

Nếu ai đó hỏi tôi rằng, U22 Việt Nam sẽ thắng? Tôi không ngần ngại trả lời: Đương nhiên rồi! Còn chờ gì nữa mà không một lần vô địch để giấc mơ 60 năm thôi dở dang.

Vậy, chúng ta lấy gì để thắng? Dĩ nhiên, “nguyên liệu” để làm món bánh “huy chương vàng” rất đầy đủ và chất lượng. Nhưng có lẽ, hãy dành phần chuyên môn kỹ, chiến thuật cho các chuyên gia, bằng không bạn có thể bật tivi vào lúc 18h để thấy “TINH THẦN BÓNG ĐÁ - TINH THẦN VIỆT NAM” khủng khiếp ra sao.

Có thể bạn quan tâm

  • [U22 Việt Nam - U22 Thái Lan] Tiễn Thái Lan! Được không thầy Park?

    [U22 Việt Nam - U22 Thái Lan] Tiễn Thái Lan! Được không thầy Park?

    06:30, 05/12/2019

  • U22 Việt Nam - U22 Singapore: Tiệm cận tấm vé bán kết

    U22 Việt Nam - U22 Singapore: Tiệm cận tấm vé bán kết

    06:03, 03/12/2019

Là người Việt, không ai muốn một lần nữa rỉ máu ở trái tim, không ai muốn một lần nữa lỡ hẹn với chức vô địch bóng đá nam Seagame. Nhưng cũng từ đây người Việt tự đặt mình vào thế khó, thế cùng, không còn đường lùi, tự bắn vào chân mình mất thôi!

Ngộ nhỡ, chúng ta thua trận và một lần nữa về nhì? Có ai thử tiên nghiệm cảm giác này hay chưa? Liệu khi đó chúng ta có đủ dũng cảm để trút bỏ sự tổn thương mà cảm thông cho ông Park và các học trò của ông?

Bởi lẽ, khi tất cả đều chọn cửa thắng thì cái sự thua là điều vô cùng khó chấp nhận. Có người còn nói rằng, không (dám) chấp nhận thất bại chính là sự thất bại của nền giáo dục. Đúng hay sai, xin bạn đọc suy xét.

Người hâm mộ trái bóng tròn Việt Nam nhiều phen chết đi sống lại, lẽ ra đã thuộc làu làu bài học không gì là không thể trong môn thể thao vua. Cớ sao lại “buộc” các chàng trai của chúng ta phải vô địch cho dù U22 Indonesia không phải là tay mơ!

Vào đến chung kết không có đội nào được gọi là yếu!

Vào đến chung kết không có đội nào được gọi là yếu!

Vốn dĩ, sự mê hoặc của bóng đá chính là sự nghiệt ngã đến tận cùng của nó, thủ môn Bùi Tiến Dũng từng là người hùng trở về trong ánh hào quang tột đỉnh. Nhưng chỉ một sai lầm nhỏ lập tức đưa anh xuống địa ngục trần gian bởi lời dèm pha, oan nghiệt của miệng lưỡi.

Đến lượt Văn Toản được chọn lựa và sai lầm tiếp tục diễn ra thêm một lần nữa. Đến đây mới ngộ ra rằng, bóng đá cũng như cuộc sống, chẳng ai nắm tay nhau đến sáng, không ai thành công mãi mãi và không có gì là vĩnh viễn.

Brazil từng 5 lần vô địch thế giới, nhưng rồi họ vẫn chấp nhận rời khỏi ngai vàng khi cuộc chơi không phải là của riêng ai; một ngày đẹp trời đội bóng tầm trung Hy Lạp bỗng nhiên đạp đổ hết ông lớn để vô địch châu Âu! Hay U23 Việt Nam khiến châu Á chấn động tại Thường Châu. 

Đấy, bóng đá là thế đấy, đoàn quân của ông Park Hang-seo băng băng vào chung kết, đối thủ chỉ là U22 Indonesia đã run bần bật trước chúng ta ở vòng bảng. Nhưng điều đó chưa là gì để chúng ta cứ hăng say nói về một chiến thắng.

Hãy đọc báo Indonesia để thấy rằng, họ cũng đầy đủ lý do để mơ đến tấm huy chương vàng, liệu rằng ta hiểu họ đã bằng họ hiểu ta? Nếu như không biết ta, biết mình làm sao trăm trận trăm thắng?

Biết bao dung, thông cảm cho nhau trước thất bại, nhìn thất bại với con mắt cầu thị để sửa chữa thì nó không khác gì một chiến thắng. Suy đến cùng bóng đá cũng chỉ mà một trò chơi!

Hẳn nhiên, ngoại trừ tính bất định của trái bóng thì mọi thứ còn lại trên sân đều có thể đong đếm được, đó là trình độ kỹ, chiến thuật, thể hình, thể lực, sự linh hoạt của HLV. Xét mấy điều này U22 Việt Nam mạnh hơn U22 Indonesia.

80% bạn đọc của enternews.vn tin HLV Park Hang Seo có thể giúp U22 Việt Nam giành HCV SEA Games 30

80% bạn đọc của enternews.vn tin HLV Park Hang Seo có thể giúp U22 Việt Nam giành HCV SEA Games 30

Dự đoán 2-0

Trương Khắc Trà