Tinh thần bóng đá và khát khao hùng cường

Trương Khắc Trà 21/01/2020 06:00

Như một thỏi nam châm cực mạnh, hai năm nay bóng đá bỗng dưng trở thành tâm điểm trong đời sống của hàng chục triệu người dân trên mảnh đất hình chữ S.

Guồng quay cơm áo gạo tiền như ngưng đọng lại trước mỗi trận đấu, sự mỏi mệt, tranh đấu, mâu thuẫn thường nhật tạm gác lại; mọi trang báo đến diễn đàn mạng xã hội cũng bị cuốn theo “cơn bão” mang tên Đội tuyển bóng đá Việt Nam.

Xin cảm ơn bóng đá!

Hai năm trong mơ với bóng đá Việt Nam, hàng loạt thành tích chưa từng có, nhiều rào cản tưởng chừng như vĩnh cữu bị xô đổ, chẳng ai kịp định thần lại để xem chuyện gì đang xảy ra.

Thật kỳ lạ! Không chỉ mỗi người Việt mới mê bóng đá, niềm đam mê ấy không hào nhoáng bỏ ra hàng ngàn Euro để thưởng thức một trận đấu như người châu Âu, cũng chẳng màu mè sặc sở như Nam Mỹ, không đến mức bụi bặm như làn sóng holigan ở Italy...

Cái cách mà người Việt xem bóng đá, mê bóng đá mới khác lạ làm sao, từ cụ già đến trẻ em, từ bác nông dân đến anh thợ hồ, từ anh nhân viên công sở đến người buôn thúng bán bưng đều có thể nói về đội tuyển, về ông Park Hang-seo theo cách riêng mình.

Tất cả họ như những loại nhạc cụ để khi vỡ òa trong chiến thắng được cất lên giai điệu hòa thành bản hùng ca không thể đặt tên. Và đó là lý do mà nhiều trang báo lớn, nhiều cây viết gạo cội trên thế giới không thể cắt nghĩa nổi tại sao bóng đá với người Việt lại vi diệu đến mức ấy!Có thể bạn quan tâm

  • VIỆT NAM VÔ ĐỊCH

    VIỆT NAM VÔ ĐỊCH

    11:00, 11/12/2019

  • Triệu người xuống đường mừng tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018

    Triệu người xuống đường mừng tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018

    21:48, 15/12/2018

  • Thủ tướng gặp mặt và khen thưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam

    Thủ tướng gặp mặt và khen thưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam

    21:28, 21/12/2018

  • Thấy gì sau chức vô địch của bóng đá Việt Nam?

    Thấy gì sau chức vô địch của bóng đá Việt Nam?

    11:30, 16/12/2018

  • Bóng đá Việt Nam: Ký ức 1 thập kỷ

    Bóng đá Việt Nam: Ký ức 1 thập kỷ

    05:15, 15/11/2018

Nhưng với người Việt Nam, chúng ta không quá khó để giải thích, bởi mỗi chúng ta chính là một dấu nhân giúp hào khí đó bội lên. Nhìn vào bóng đá rồi chứng kiến niềm hân hoan tỏa lan hừng hực trong xã hội, không ít người bật ra câu hỏi: Từ bao giờ người Việt Nam đã dấu đi niềm kiêu hãnh dân tộc?

Tôi lần mò lật lại trang sử đã được học và chiêm nghiệm lại những bức ảnh đen trắng về thời kỳ Hai Bà Trưng, Lam Sơn, chiến thắng Bạch Đằng, Ngọc Hồi, Đống Đa, Xô viết Nghệ Tĩnh, cách mạng tháng Tám và ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập tại Ba Đình, đến mùa xuân năm 1975...

Thì ra, trong quá khứ người Việt ta đã cho thế giới thấy tinh thần bất khuất kiên cường, một đất nước nhỏ về diện tích, dân số khiêm tốn, kinh tế khó khăn nhưng khối đoàn kết vì dòng máu Lạc Hồng chảy trong huyết quản thật không một thế lực nào có thể phá vỡ.

Đến đây “mật mã bóng đá” đã có lời giải. Quá khứ của một dân tộc nhiều tai ương hoạn nạn đã tạo nên bộ gen kết đoàn gắn bó, để khi cần khối dân tộc đoàn kết ấy lại bùng lên, phát ra dữ dội.

Giữ gìn và phát huy tinh thần bóng đá

Bóng đá không phải là môn thể thao xuất hiện sớm nhất, nhưng bóng đá có sức mạnh rất lớn, nó có thể gắn kết con người với con người, xóa tan khoảng cách vùng miền, giới tính, tầng lớp… Cũng chính từ bóng đá, môn thể thao đầy thú vị - những bài học quý giá phải được rút ra từ đây.

Biển người đổ xuống đường ăn mừng tấm HCV SEA Games đầu tiên của bóng đá nam.

Biển người đổ xuống đường ăn mừng tấm HCV SEA Games đầu tiên của bóng đá nam.

Hãy học cách xác định mục tiêu từ bóng đá: Lúc thất bại, con người ta thường hay nghĩ suy về quá khứ, về chặng đường đã qua. Mục tiêu là thứ mà ai cũng có thể buột miệng trong chốc lát. Nhưng làm gì để hiện thực hóa nó mới là điều quan trọng.

Vì sao mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa bị lỗi hẹn? Đó là do chưa chuẩn bị đủ tiềm lực, mục tiêu quá cao trong khi xuất phát điểm quá thấp. Sở dĩ bóng đá Việt Nam phải chờ đến 60 năm mới có tấm huy chương vàng Seagame đầu tiên cũng chính vì thế.

Mỗi Bộ, ngành, địa phương cũng giống như một cầu thủ trong đội bóng, để có đội bóng mạnh không cho phép bất cứ cầu thủ nào yếu. Mặc nhiên, yếu hay mạnh còn phục thuộc vào cách bố trí con người. Cho nên vai trò cơ quan hoạch định chiến lược, chính sách cũng giống như Ban huấn luyện đội bóng.

Hãy nỗ lực hết mình thành công sẽ đến: Giải đấu nào cũng chỉ có duy nhất một nhà vô địch, nhưng tạo hóa đã mặc định không gì là mãi mãi. Thái Lan từng 17 lần vô địch Seagame nhưng không có nghĩa các đội khác không thể làm được, cũng như vậy chúng ta đã chờ đợi 59 năm và không thể nói khoảng thời gian ấy là vô ích.

Chưa trở thành nước công nghiệp, chưa hùng cường, nhìn thấy bè bạn quốc tế ngự trị trên đỉnh cao... không sao cả! Hãy cứ nỗ lực, hãy giữ cái đầu lạnh, bản lĩnh kiên cường, đi đúng con đường đã chọn bằng nhãn quan chiến thuật hợp lý, sẽ có ngày sao đổi ngôi.

Cục diện toàn cầu 300 năm trở lại đây đã chứng kiến 3 lần chuyển giao chức “vô địch”; châu Á gần 1 thế kỷ nay cũng hoán đổi vị trí siêu cường cho nhau, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore từ nghèo nàn trở thành giàu có, vùng dầu mỏ Tây Á huy hoàng giờ trước nguy cơ chia rẽ.

Việt Nam là quốc gia đang lên, tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm đứng đầu thế giới, hình ảnh thương hiệu đất nước ngày càng đậm nét trên trường quốc tế. Và ngay lúc này chúng ta được tiếp thêm sức mạnh tinh thần từ bóng đá - tiến lên Việt Nam!

Trương Khắc Trà