Phải chứng tỏ sức mạnh trước Malaysia trong trận đấu ngày 16/11 trên sân nhà, mục tiêu không chỉ là 3 điểm.
Một ngày cuối năm cách đây đúng một thập kỷ - thành phố Huế tuy không lớn, khoảng 400 ngàn dân nhưng cảm thấy “nghẹt thở” vì biển người ngồn ngộn đổ ra đường ăn mừng chiếc Cup vô địch bóng đá Đông Nam Á.
Các trục đường lớn đổ ra ngã sáu trung tâm thành phố dường như không còn một tấm băng rôn nào, vì dòng người - họ cần một thứ gì đó để truyền đi cảm xúc cá nhân, kể cả chiếc áo khoác trên người.
Sinh viên nghèo rớt mùng tơi như chúng tôi thậm chí không màng đến chiếc xe đạp cà tàng vốn là tài sản lớn nhất, quẳng bên vỉa hè, tất cả đều chạy bộ tuần hành đổ về trung tâm. Giờ phút mọi hận thù, giàu nghèo, sang hèn, giai cấp dường như san phẳng.
Màn ăn mừng kéo dài tận sáng hôm sau, chúng tôi rã rời… cuốc bộ trở về và dĩ nhiên trung tâm câu chuyện vẫn là bàn thắng gỡ hoà 1-1 của Công Vinh sau pha đá phạt ngoài vòng cấm của Minh Phương. Trời gần sáng, màn sương lạnh phả xuống mờ đục dưới ánh đèn vàng trên phố, thi thoảng đâu đó vang lên “zô… zô… Việt Nam vô địch”.
Nhiều ngày sau đó bản tin thể thao và nhiều chương trình trên sóng truyền hình vẫn chưa nguôi cơn sốt bóng đá, nhiều ngày sau nữa hình ảnh đội tuyển bóng đá Việt Nam và ông thầy người Bồ Đào Nha, ông Henriqe Calisto xuất hiện trên tấm poster sự kiện.
Có thể bạn quan tâm
05:25, 14/11/2018
12:30, 12/11/2018
Bóng đá có sức mạnh đáng kinh ngạc, niềm đam mê đó càng khó giải thích hơn với một đất nước yêu bóng đá hiếm nơi nào sánh kịp. U23 Châu Á hay Asiad đã là thành công nhưng vẫn thiếu thứ gì đó.
Đứng trên đỉnh bóng đá Đông Nam Á, kỳ AFF Cup 2010 bóng đá Việt Nam tự tin bước vào giải với tư cách đương kim vô địch, tiếp tục hành trình bảo vệ ngôi vương. Nhưng đã 5 kỳ trôi qua chiếc Cup chưa quay lại đất nước hình chữ S, nếu không muốn nói ngày một xa tầm với.
Người ta dường như quên đi tham vọng vô địch AFF Cup, kỳ vọng dồn sang tấm Huy chương vàng bóng đá nam Seagame nhưng rồi lại thất vọng. Cho đến đầu năm 2018 bóng đá trẻ Việt Nam bất ngờ làm nên cú sốc lịch sử ở cấp độ Châu lục.
Thành tích vô tiền khoáng hậu này làm bật ra tâm lý thú vị, phải chăng bóng đá Việt Nam đã vượt qua đẳng cấp “ao làng” mặc dù nhiều năm ròng rã chưa biết mùi vô địch. Và không ngại ngần đi thẳng vào vấn đề, bóng đá Việt Nam lẽ nào đã vượt qua Thái Lan rồi chăng?
Đó là lý do để kỳ AFF Cup 2018 được mong chờ hơn hết, nếu không vô địch lại gán vào VFF, ông Park Hang - Seo và các cầu thủ thêm nhiều câu hỏi khó trả lời. Có thể đánh bại các anh hào Châu lục với lối đá thuyết phục, chinh chiến suốt giải đấu khắc nghiệt ở Trung Quốc và Asiad đâu cho thấy may mắn?
Như thường lệ, các đội bóng yếu trong khu vực xưa nay là rổ đựng bóng, ghi vào lưới đội tuyển Lào 3 bàn không gỡ vẫn chưa có dấu hiệu gì chắc chắn đảm bảo cho chức vô địch. Đó là kịch bản thường thấy một khi bóng đá Việt Nam bước vào giải đấu Cup, thắng tưng bừng vòng bảng nhưng rồi để thua… khó hiểu trước các đối thủ ngang hoặc kém tầm.
Đoàn kết, tự tin, bản lĩnh trong nội bộ đội tuyển luôn được báo chí nhắc đến trước mỗi giải đấu lớn. Nhưng dưới triều đại ông Park điều đó có vẻ… thực tế hơn, ít nhất đã kiểm chứng qua hai giải đấu lớn U23 Châu Á và Asiad.
Dưới bàn tay ông thầy người Hàn Quốc, yếu tố tinh thần được cải thiện rõ rệt - đó là thứ mà cầu thủ Việt Nam thường bỏ “quên” khi đối đầu với những đại kình địch trong khu vực.
Lối đá đậm chất chiến thuật là điểm sáng thứ hai mà ông Park rất thành công qua nhiều giải đấu lớn cùng bóng đá Việt Nam. “Biết mình biết người” là cách tiếp cận thường thấy của bóng đá Việt Nam trong 1 năm qua.
Người hâm mộ hoàn toàn có thể hy vọng thêm lần nữa được ăn mừng chức vô địch, thêm lần nữa cho tinh thần dân tộc có dịp đơm bông kết trái. Nhưng trước hết phải chứng tỏ sức mạnh trước Malaysia trong trận đấu ngày 16/11 trên sân nhà, trước hết là mục tiêu dành 3 điểm, đằng sau đó phải cho thấy giá trị của một đội bóng từng khẳng định mình ở sân chơi tầm Châu lục.