[Tìm lối thoát hậu COVID-19] Bài cuối: Con người phải thích nghi như thế nào?

Trương Khắc Trà 26/03/2020 06:00

Con người có khả năng thích nghi siêu việt, nhưng phải có những điều kiện cần và đủ để kích thích sự thích nghi...

Theo Darwin, chọn lọc tự nhiên là khả năng phân hóa sống sót và mức thành đạt sinh sản của các kiểu gen khác nhau trong quần thể, từ đó dẫn đến đào thải các kiểu hình kém thích nghi.

Đồng thời tăng cường khả năng sống sót của các kiểu hình có khả năng thích nghi, tạo cơ hội cho các kiểu gen thích nghi này đóng góp vào vốn gen của quần thể ở thế hệ sau.

Dưới lăng kính của thuyết chọn lọc tự nhiên, khả năng thích nghi đã được tạo hóa ban cho con người ngay trong đặc tính di truyền.

Trong tác phẩm Life of Pi, Yann Martel viết: “Mọi sinh vật mang trong mình một mức độ điên rồ tạo động lực cho nó theo những cách kỳ lạ, đôi khi không lý giải nổi. Sự điên rồ này có thể là yếu tố sống còn, là phần không thể thiếu trong khả năng thích nghi. Không một giống loài nào có thể sống sót mà không có nó”.

Để tồn tại đến ngày nay, con người được tạo hóa ban tặng khả năng thích nghi siêu việt

Để tồn tại đến ngày nay, con người được tạo hóa ban tặng khả năng thích nghi siêu việt

Suốt tuần qua, có một sự việc mà không mấy ai quan tâm, đó là Facebook tại châu Âu và Nam Mỹ đã không đáp ứng được trình phát video với chất lượng Full HD (độ phân giải 720x1080).

Nguyên nhân được cho là có hơn 1 tỷ người phải ở nhà để hạn chế sự lây lan của COVID-19. Chuyện gì xảy ra nếu bỗng nhiên có một lượng người khổng lồ này bỗng dưng...rãnh rỗi?

Rất có thể, nhiều ý tưởng khởi nghiệp độc đáo đã được nung nấu, hàng vạn ý nghĩ bỏ việc/chuyển công ty sẽ thành hiện thực và cũng rất có thể hàng tỷ ý chí làm giàu bị thui chột...

Nhưng, việc đầu tiên là có hàng tỷ thiết bị thông minh kết nối mạng Internet và hoạt động hết công suất, đường truyền Internet đã không đáp ứng được!

Điều này có liên quan mật thiết đến cuộc cách mạng 4.0 mà chúng ta hồ hởi nói tới hàng mấy năm nay: Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), làm việc online...nếu muốn trở nên phổ biến - công nghệ Internet phải đạt được trình độ 5G, 6G và có thể cao hơn nữa.

Có thể bạn quan tâm

  • [Tìm lối thoát hậu COVID-19] Bài I: Từ nghịch cảnh đau buồn

    [Tìm lối thoát hậu COVID-19] Bài I: Từ nghịch cảnh đau buồn

    06:00, 23/03/2020

  • [Tìm lối thoát hậu COVID-19] Bài II: Đứng yên là một dạng vận động đặc biệt

    [Tìm lối thoát hậu COVID-19] Bài II: Đứng yên là một dạng vận động đặc biệt

    06:00, 24/03/2020

Mạng 5G có tốc độ truyền dữ liệu nhanh hơn 10-100 lần so với 4G. Tương đương cáp quang, có thể xử lý được tất cả nội dung đa phương tiện và truyền thông ảo với độ phân giải siêu nét, nên có thể coi 5G là “cáp quang mà không có cáp quang”.

Mạng 5G có độ trễ siêu thấp, khiến cho các tương tác tiếp cận thời gian thực. Akshay Sharma, một chuyên gia tại hãng phân tích Gartner đánh giá: “5G với tốc độ cao, độ trễ thấp so với các mạng hiện tại sẽ mang đến nền tảng tốt hơn cho các kiến trúc mới mà từ trước tới nay chưa từng có”.

Hãy tưởng tượng, khi một hệ thống sản xuất hoạt động dựa vào AI, IoT các kết nối modem thay cho ý chí của não bộ con người thì một cú “nghẽn mạng” chẳng khác nào cơ thể người dính phải cơn đột quỵ!

Thực tế, con người đang âm thầm thích nghi với mọi hoàn cảnh

Thực tế, con người đang âm thầm thích nghi với mọi hoàn cảnh

Vì vậy, mấu chốt của xu hướng mới chính là tốc độ kết nối Internet - đây là lĩnh vực mà con người phải “thích nghi” đầu tiên nếu không muốn kịch bản “ở nhà hàng loạt” như hiện tại.

Nhưng phải là một tư duy mới, “phi truyền thống, phi tuần tự”. Quản lý nhà nước và doanh nghiệp đều cần sự đột phá trong tư duy, chính sách và cách tiếp cận.

Trung Quốc và Mỹ đang dẫn đầu, cạnh tranh nhau quyết liệt trong việc xây dựng hạ tầng, công nghệ cho hệ thống mạng 5G. Như thường lệ các quốc gia thụ hưởng vẫn là các nước đi sau hàng trăm năm nay. Đây cũng là một trong những vấn đề quan trọng mà khả năng “thích nghi, nắm bắt và bứt phá” đặt ra.

Giáo sư Klaus Schwab, tác giả cuốn sách “The Fourth Industrial Revolution” (Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4) đã nêu rõ, chúng ta đang ở giai đoạn giữa của cuộc cách mạng này.

Sẽ có 3 xu hướng sản xuất trong thời đại 4.0: Công nghệ sản xuất 360 độ - dùng để mô phỏng quá trình thiết kế và kiểm tra dây chuyền lắp ráp trước khi sản xuất sản phẩm ngoài đời thực.

Công nghệ in 3D - sẽ “sản xuất” được mọi thứ chỉ bằng một công cụ, nhanh chóng, tiết kiệm, hầu như không cần sự tham gia của nhân công.

Sản xuất trên hệ thống tự động - đây là xu hướng nổi trội nhất hiện nay, dựa vào người máy, bảng main và các con chip. Đây là tiền đề cho ra đời những nhà máy thông minh, sử dụng công nghệ điện toán đám mây.

Như vậy, mặc dù không có đại dịch COVID-19 thì loài người vẫn đang âm thầm thích nghi, tuần tự tiến lên theo chu trình. Tuy nhiên, đại họa lần này sẽ là chất xúc tác giúp cho quá trình thích nghi, tiến lên diễn ra nhanh hơn.

Thời kỳ nào cũng thế, tiến lên luôn là dòng chảy chung, chủ đạo, nhưng cũng rất nhiều quốc gia bị bỏ lại phía sau. Chỉ có các cuộc thế chiến I và II mới đem đến cơ hội “xuất phát lại từ đầu” cho tất cả.

Xem ra dịch COVID-19 lần này cũng đem lại cơ hội “xóa đi làm lại” cho tất cả. Hay nói cách khác giai đoạn hậu COVID-19 - thế giới phải tái thiết lại nhiều thứ.

Các quốc gia mới nổi như Việt Nam nên xem đây là cơ hội để không còn chần chừ thực hiện các chiến lược phục vụ đón làn sóng 4.0. Có rất nhiều việc phải làm, nhưng trước mắt nên tập trung vào 3 lĩnh vực cốt cán.

Một là: Nâng cấp hạ tầng truyền dẫn, làm chủ công nghệ mạng 5G; Hai là: Nhanh chóng đưa các khu công nghệ cao vào hoạt động, ươm mầm khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao; Ba là: Xây dựng “xã hội số”, hay nói dễ hiểu là nâng cấp tư duy của người dân về vai trò của “chuyển đổi số” trong thời đại hiện nay.

Trương Khắc Trà