Xây dựng thương hiệu lúa gạo: “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”
Trong những ngày qua lúa, gạo IR 50404 sốt xình xịch vì các doanh nghiệp trúng thầu gom hàng để cung cấp cho Tổng cục Dữ trữ nhà nước.
Tại thị trường gạo miền Tây, gạo nguyên liệu 5% và 25% tấm, giống IR 50404 được giao dịch từ 8.500-9.000 đồng/kg, tăng đến 2.000 đồng/kg so với đầu năm nhưng vẫn khan hàng, thương lái đang “săn lùng” ráo riết.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV (Vĩnh Long): “Do nhu cầu sử dụng gạo IR 50404 để chế biến ra bột và các doanh nghiệp đã trúng thầu cung cấp gạo dự trữ cho Tổng cục Dự trữ nhà nước đang đẩy mạnh mua vào trữ 90.000 tấn thóc và 150.000 tấn gạo IR 50404.
Hiện nay, gạo thành phẩm IR 50404 được giao dịch tại kho với giá trên 10.000 đồng/kg nhưng vẫn không đủ đáp ứng, đây là mức giá cao nhất của loại gạo này trong nhiều năm trở lại đây".
Ông Đinh Văn Sơn, Giám đốc Công ty CP Lương thực Cao Lạng, Chi nhánh tại Đồng Tháp – doanh nghiệp cung cấp gạo cho Cục Dự trữ nhà nước, xác nhận: Hiện công ty đang rất cần gạo IR 50404 nhưng rất khó mua được hàng vì mặt hàng này tại Đồng Tháp đang tăng rất nhanh và khan hiếm.
Quay về quá khứ, tính đến nay giống lúa IR 50404 vừa tròn 30 năm có mặt tại Việt Nam. Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, Nguyên Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL: Giống lúa IR 50404 được nhập từ Viện Lúa quốc tế IRRI vào năm 1990. Thời điểm đó trong nước chưa có giống nào kháng rầy, trong khi dịch rầy nâu đang bùng phát mạnh và giống lúa này tỏ ra kháng rầy hiệu quả.
Những năm sau, không có rầy nông dân vẫn trồng nhiều vì giống này có thời gian sinh trưởng ngắn, 90-95 ngày có thể làm 3 vụ/năm; dễ canh tác, nhẹ phân; có thị trường cho nhà sản xuất bún, bánh tráng... nhưng nhược điểm của giống lúa này là gạo có hàm lượng amylose cao nên cứng cơm và độ bạc bụng lớn, dễ bị gãy khi xay chà, không thích hợp với thị hiếu quốc tế.
Về mặt khoa học, IR50404 hiện nay không còn được nhiều ưu điểm như thời gian đầu. Tính kháng rầy, kháng bệnh đã suy giảm nên khi gieo trồng, bà con nông dân phải tăng chi phí đầu tư chăm sóc, phun thuốc phòng trừ rầy nâu, bệnh đạo ôn, giá trị thương mại thấp…do đó từ nhiều năm nay Bộ NN&PTNT đã khuyến cáo giảm diện tích gieo trồng xuống còn 10%.
Có thể bạn quan tâm
Xuất khẩu gạo và bài toán hài hòa lợi ích "ba nhà"
11:00, 01/04/2020
Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương có đề xuất báo cáo về xuất khẩu gạo trước ngày 6/4
02:16, 04/04/2020
Đề xuất Chính phủ cho xuất khẩu gạo trở lại nhưng có kiểm soát sản lượng.
06:37, 31/03/2020
Chia sẻ xung quanh câu chuyện “một giống lúa đang được khuyến cáo hạn chế trồng lại bán được giá cao, lãi đậm”, là một chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp, GS.TS Võ Tòng Xuân-Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ cũng cho rằng chính ông cũng không rõ vì lý vì sao Tổng cục Dự trữ nhà nước lại chọn mua gạo IR 50404 để tạm trữ trong khi hiện nay Việt Nam đã có rất nhiều giống lúa tốt, gạo ngon hơn rất nhiều so với giống gạo IR50404-vốn bị xem là đã thoái hóa!?
Chúng ta đã mất nhiều năm làm công tác vận động nông dân chuyển đổi sang trồng lúa thơm, lúa hạt dài phẩm cấp cao để tiến tới xây dựng thương hiệu hạt gạo, hướng xuất khẩu gạo vào thị trường cao cấp nhằm xuất ít mà thu ngoại tệ nhiều chứ không phải xuất nhiều mà thu ngoại tế ít như xuất khẩu các giống lúa phẩm cấp thấp tương tự IR 50404.
Khi người nông dân đã đồng thuận chuyển đổi thì một cơ quan nhà nước như Tổng cục Dự trữ lại đẩy mạnh mua loại gạo IR 50404 để tạm trữ làm cho giá loại gạo này đắt hơn cả các loại gạo cao cấp, trong khi chi phí giá thành sản xuất loại gạo này thấp hơn, nên mức lợi nhuận rất hấp dẫn so với sản xuất gạo cao cấp.
Điều này đã vô tình “kích thích” người nông dân quay trở lại sản xuất các loại lúa phẩm cấp gạo thấp như thời gian trước đây. Như vậy, chúng ta đang nói một đằng, nhưng làm một nẻo, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, GS Xuân phân tích.