Xuất khẩu gạo và bài toán hài hòa lợi ích "ba nhà"

Diendandoanhnghiep.vn Khi tạo được “sân chơi” hài hòa lợi ích các bên thì việc “chốt cứng” diện tích trồng lúa sẽ được nông dân tự giác thực hiện thay vì phải dùng mệnh lệnh hành chính.

Có 2 lý do để thị trường gạo sôi động trở lại: Thứ nhất là, từ kết quả thống kê định lượng của Đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Công thương chủ trì đã kiến nghị Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo trở lại.

Thứ hai là, tiêu dùng trong nước tăng mạnh do có thêm hàng ngàn người từ các quốc gia vùng dịch trở về và sự lo lắng giá gạo sẽ tăng nên người dân mua tích trữ. 

Thu hoạch lúa ở tỉnh Hậu Giang, ảnh P.K

Thu hoạch lúa ở tỉnh Hậu Giang, ảnh P.K

 Gạo tăng giá thì lúa cũng đã hết!

Khi lúa Đông xuân 2019-2020 đang được thu hoạch đại trà thì giá lúa vẫn ở mức tương đương vụ Hè thu 2019, với mức giá này nông dân tạm chấp nhận được.

Niềm vui chưa trọn vẹn đã vụt tắt sau đề nghị của Bộ Công thương về việc tạm dừng xuất khẩu gạo đã làm cho doanh nghiệp xuất khẩu hoang mang, ngưng mua lúa, khiến giá lúa rớt thẳng đứng.

Mới đây cũng chính Bộ Công thương lại kiến nghị Chính phủ cho phép xuất khẩu lại thì giá lúa gạo ngay lập tức đã hồi phục và vượt qua mức giá cao nhất tính từ đầu năm. Thế nhưng theo số liệu của Bộ NN&PTNT hiện nay trên đồng chỉ còn chưa tới 15% diện tích trong tổng số hơn 1,5 triệu ha gieo trồng chưa thu hoạch. Đây chủ yếu là những vùng gieo sạ trễ do thời tiết bất lợi.

Theo cách sản xuất hiện nay của nông dân ĐBSCL là do không có điều kiện phơi sấy và cần tiền thanh toán vật tư nông nghiệp, tái đầu tư vụ mới nên thường bán lúa tươi tại đồng. Đó là chưa kể nhiều hộ vì thiếu vốn hay gặp khó khăn đột xuất phải bán “lúa non" từ lúc lúa mới no hạt.

Vì thế mà khi lúa sắp thu hoạch hết giá lúa mới tăng thì người trồng lúa được hưởng lợi rất ít trong chuỗi giá trị lúa gạo. Giá gạo tăng kéo giá lúa tăng nhưng trớ trêu là khi giá tăng thì nông dân cũng vừa hết lúa để bán!

 An ninh lương thực chỉ ở nhóm quốc gia trung bình

Từ nước thiếu ăn trong quá khứ, hiện Việt Nam đã có được bình quân lương thực trên 525 kg/đầu người, là một trong 3 quốc gia xuất khẩu lương thực lớn trên toàn cầu.

Năm 2019 là tròn 30 năm Việt Nam góp gạo cho “nồi cơm” cứu đói thế giới với mức đóng góp khoảng 15% gạo thương mại toàn cầu. Giai đoạn 2009-2019 sản lượng lúa tăng từ 39  triệu tấn lên hơn 43 triệu tấn, bình quân lương thực đầu người tăng từ 497kg/năm lên trên 525 kg/năm. 

 Dù không thể phủ nhận các thành tích vượt  bậc của ngành lúa gạo nhưng bên cạnh đó cũng cần nhận diện những yếu kém, vì chúng ta xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng an ninh lương thực (ANLT) chỉ xếp 57/113 quốc gia.

Tuy khối lượng gạo xuất khẩu nhiều nhưng giá trị thu được không cao, sản phẩm chưa có thương hiệu, chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thị trường, khâu tổ chức thu mua, chế biến, tạm trữ, bảo quản còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, cho phí vật tư đầu vào, nhân công tăng dần đều hàng năm khiến cho lợi nhuận của người trồng lúa càng “hẩm hiu” diện tích trồng lúa vì thế mà ngày càng teo tóp.

Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Chính sách Thực phẩm Quốc tế (IFPRI): Diện tích trồng lúa của Việt Nam đã thu nhỏ dần từ 4,47 triệu ha vào năm 2000 xuống còn khoảng 4 triệu ha hiện nay.

Tính trung bình mỗi năm Viêt Nam mất 59.000 ha diện tích đất lúa. Việc biến mất của mỗi ha đất trồng lúa có thể ảnh hưởng đến từ 10-13 lao động. Mặc dù là nước top đầu thế giới về xuất khẩu gạo nhưng hiện Việt Nam vẫn có khoảng 1 triệu người, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số thiếu lương thực!

 Hài hòa lợi ích để “chốt cứng” diện tích trồng lúa.

Trở lại câu chuyện “luống cuống” trong điều hành xuất khẩu gạo trong mấy ngày qua cho thấy khi thấy sức mua tăng đột biến, Bộ Công thương sợ thiếu gạo tiêu dùng trong nước, ảnh hưởng ANLT, Cục dự trữ quốc gia thì lo lắng giá lúa tăng cao, việc mua tạm trữ sẽ gặp khó khăn.

Chính vì thế mà Bộ Công thương đã ngay lập tức kiến nghị Thủ tướng ban bố lệnh tạm dừng xuất khẩu. Tuy nhiên, sau khi có được số liệu thống kê chính xác về sản lượng thực còn dồi dào, Bộ Công thương mới nhận ra việc dừng xuất khẩu để đảm bảo ANLT là chưa cần thiết, thế là lại kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho xuất khẩu trở lại.

Việc điều hành xuất khẩu “tiền hậu bất nhất” của Bộ Công thương đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp lẫn người trồng lúa.

Từ thực tế đó cho thấy: Việc quản lý điều hành đối với ngành hàng lúa gạo đang đặt ra cho ngành chức năng một bài toán phải thỏa mãn 3 điều kiện, đó là vừa phải đảm bảo ANLT vừa phải bảo đảm quyền lợi của người trồng lúa và cả doanh nghiệp xuất khẩu.

Trong đó người trồng lúa được xem là yếu thế nhất vì họ ở thế thụ động lệ thuộc vào giá ấn định thu mua của doanh nghiệp và thương lái. Việc bảo đảm nông dân trồng lúa có lãi 30% đã được đặt ra trong mục tiêu xây dựng giá lúa định hướng do địa phương đề xuất và Bộ Tài chính phê duyệt.

Tuy nhiên, theo phản ánh của hầu hết nông hộ, giá lúa định hướng ban hành hàng năm luôn thấp hơn giá thị trường nên nếu bán lúa theo giá này thì nông dân không thể có mức lãi 30% như mong muốn của Chính phủ.

Như vậy, để giải được bài toán có 3 ẩn số trên thì việc đầu tiên là Bộ Tài chính nên xem xét ban hành giá lúa định hướng sát với thực tế để đảm bảo nông dân có lãi 30% như chủ trương của Chính phủ. Thứ hai là các đơn vị được Chính phủ giao nhiệm vụ đảm bảo ANLT như Cục dự trữ, doanh nghiệp nhà nước phải tích trữ đủ lượng lương thực theo chỉ tiêu được giao.

Cùng với đó, các doanh nghiệp xuất khẩu phải tuân thủ Nghị định 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về Kinh doanh xuất khẩu gạo, dự trữ 5% sản lượng gạo xuất khẩu trong 6 tháng để góp phần ANLT.

Khi đã giải quyết được 2 khâu nói trên thì vấn đề còn lại trở nên nhẹ nhàng hơn, sả lượng lúa, gạo thương mại cứ để cho doanh nghiệp xuất khẩu và thị trường quyết định. Tuy nhiên, doanh nghiệp không được mua lúa dưới giá định hướng để đảm bảo quyền lợi cho nông dân.

Khi tạo được “sân chơi” hài hòa lợi ích các bên thì việc “chốt cứng” diện tích trồng lúa sẽ được nông dân tự giác thực hiện thay vì phải dùng mệnh lệnh hành chính.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Xuất khẩu gạo và bài toán hài hòa lợi ích "ba nhà" tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713941703 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713941703 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10