Thị trường nông sản và “bàn tay vô hình”
“Cung - cầu” là quy luật - nên nhớ rằng không ai bẻ cong được cái khách quan, mà chỉ dựa vào đó để ban hành quyết sách cho hợp tình hợp lý.
Giữa năm 2019, dịch tả lợn châu Phi có mặt ở 63/63 tỉnh thành, lúc đó gia cầm (gà, vịt) ào ạt tăng đàn để bù vào khoảng trống do thịt lợn để lại.
Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Đầu năm 2020 cộng thêm cú đúp dịch cúm gia cầm và COVID-19 - tình hình trở nên rất căng thẳng!
Trước Tết giá gà lông màu tăng mạnh lên 65.000 - 70.000 đồng/kg nhưng sau tết 2 tháng chỉ còn 48.000 - 52.000 đồng/kg. Vịt thịt hiện đang bán 17.000 - 20.000 đồng/kg, giảm tới 50% so với trước...
Ở thủ phủ chăn nuôi Đông Nam Bộ, giá gà công nghiệp hiện khoảng 17.000 - 22.000 đồng/kg, gà tam hoàng 27.000 - 28.000 đồng/kg, gà màu Bình Định 40.000 - 45.000 đồng/kg. Đó đều là những con số dưới giá thành.
Cuối tháng 3, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường triệu tập cuộc họp với những doanh nghiệp chăn nuôi lớn, cam kết đưa giá lợn hơi về 70.000 đồng/kg.
Đã gần 1 tháng từ khi cuộc họp này kết thúc nhưng giá heo cam kết 70.000 đồng/kg vẫn chỉ có trên...báo đài. Theo Danviet.vn, hôm 20/4 giá lợn hơn tại nhiều địa phương ở miền Bắc đã nhảy vọt lên mức 92.000-93.000 đồng/kg; tại miền Nam, miền Trung giá heo hơi cũng đang không ngừng phi mã, lên mức 88.000-90.000 đồng/kg.
Sự “cứng đầu” của giá thịt lợn khiến người chăn nuôi bán hôm trước thì hôm sau đã thiệt mất mấy giá, còn tiểu thương tại chợ truyền thống thì kêu trời vì túi tiền người dân eo hẹp trong thời buổi dịch dã, khó khăn!
Có điều bất thường là dịch tả lợn châu Phi đã tạm lắng, người dân có nhu cầu mua con giống tái đàn lợn thịt và tái đàn nái rất cao, nhưng các công ty luôn báo hết hàng, hoặc chỉ bán rất nhỏ giọt - một chủ trang trại cho hay!
Rồi đến chuyện xuất khẩu gạo, giữa lúc nước sôi lửa bỏng, hàng trăm doanh nghiệp ứ hàng lại cảng, nhưng tờ khai xuất khẩu được Hải quan mở vào...giờ hiểm.
Trong 6 tiếng đồng hồ, từ 0h đến 6h ngày 12/4, 400.000 tấn gạo bay vèo khiến những doanh nghiệp bị ứ gạo tức sôi gan vì không thể “nhanh” hơn 40 doanh nghiệp đầy “may mắn” kia!
Khi nào Hải quan “mở cửa” trở lại? Khi nào có quyết định mới? Doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần câu trả lời càng sớm càng tốt. Chuyện “đường thông hè thoáng” khi xuất khẩu gạo đã bị thay thế bằng những chính sách xuất khẩu gạo dấy lên nhiều hoài nghi.
Có thể bạn quan tâm
Thủ tướng yêu cầu thanh tra đột xuất về xuất khẩu gạo
17:02, 20/04/2020
[XUẤT KHẨU GẠO]: Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra
15:41, 20/04/2020
[XUẤT KHẤU GẠO] Trung Quốc, Ấn Độ mở cửa, Việt Nam đừng để vụt mất cơ hội vàng
17:33, 19/04/2020
[XUẤT KHẨU GẠO] Cơ chế quota đã lỗi thời
12:30, 19/04/2020
Cần định vị lại thị trường nông sản Việt Nam
14:16, 24/05/2017
Từ gà, vịt, heo đến gạo, thật sự khiến người ta phải đặt vấn đề: Ai mới là người kiểm soát thị trường nông sản? Chỉnh phủ, các Bộ có nắm được chuôi? Có hay không “lợi ích nhóm” đang xâu xé miếng cơm manh áo cuối cùng của nông dân?,...
Trong tình huống này, Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam đề xuất triển khai chương trình đưa trứng gà vào cơ cấu bữa ăn của học sinh mầm non và tiểu học nhằm kích thích tiêu thụ gia cầm.
Mặt khác, để người tiêu dùng ở mọi lứa tuổi tăng dùng sản phẩm gia cầm, Việt Nam cần đẩy mạnh khâu chế biến nhằm đa dạng hóa sản phẩm, tiện dụng cho người tiêu dùng thay vì chủ yếu vẫn bán tươi như hiện nay.
Xin rằng, đừng “bắt” trẻ con ăn trứng để cứu nền chăn nuôi! Và nữa, “đẩy mạnh khâu chế biến nhằm đa dạng hóa sản phẩm...”. Ai cũng biết thế, nói thế, nó quá phổ biến trong các bản kế hoạch, báo cáo rồi. Song, đến bao giờ mới trở thành hiện thực?
Nhận định về thị trường thịt heo, một số chuyên gia kinh tế cho rằng Chính phủ rất khó can thiệp được vấn đề thị trường, chỉ có cách làm hài hòa cung cầu, tức muốn giảm giá, nguồn cung phải tăng lên.
Nhưng làm thế nào để tái đàn, tăng đàn, tăng cung khi con giống bị hạn chế? Khi vòng quay của một chu trình chăn nuôi lợn hiện nay khoảng 4 đến 5 tháng? Giá lợn biến đổi hàng ngày, hàng giờ, liệu nửa năm sau ai còn mua với giá đủ để người chăn nuôi không cho lợn “ăn sổ đỏ”?
“Cung - cầu” là quy luật - nên nhớ rằng không ai bẻ cong được cái khách quan, mà chỉ dựa vào đó để ban hành quyết sách cho hợp tình hợp lý.
Bây giờ, cái lý mà nhiều người đưa ra là do thịt lợn chiếm tới 70% cơ cấu thực phẩm trong thói quen ăn uống của người Việt. Ơ hay, ai chẳng biết vậy. Thế mà có mặt hàng không bán được người ta cũng đổ lỗi tại người tiêu dùng không ưa!
Nhu cầu cao cũng có lỗi, nhu cầu thấp vẫn không thoát tội, và còn thêm một cái tội là người ta dễ dàng cho các “thế lực đen” thoải mái đầu cơ, làm giá, khuynh loát chính sách...
Quyền lực nhà nước tác động vào thị trường là “bàn tay hữu hình”, dĩ nhiên quyền lực ấy không nên và không thể thực hiện dưới dạng “kêu gọi” các thực thể kinh doanh kiếm lãi rũ lòng thương...
Xin trích một câu nói kinh điển của K. Marx: “Nếu lợi nhuận 100% thì nhà tư bản bất chấp pháp luật, lợi nhuận 200% thì không có gì ác nó không làm, còn lợi nhuận 300% thì có treo cổ nó lên, nó vẫn làm”.
Tất cả những vấn đề trên đều hướng đến câu chuyện hiệu quả quản lý nhà nước khi tồn tại khoảng cách quá lớn giữa “quyết sách trên giấy” và “tình hình thực tế”.