PGS TS Nguyễn Đức Thành - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) khẳng định: cơ chế quota xuất khẩu lạc hậu và cứng nhắc.
-Thời gian qua, đã có những doanh nghiệp trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia nhưng lại sẵn sàng bỏ thầu để xuất khẩu thay vì ký kết hợp đồng bán cho Cục dự trữ Nhà nước. Từ góc nhìn của một người làm chính sách, ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
Bản thân Cục dự trữ hay bất kỳ cơ quan nào của Nhà nước khi tham gia vào thị trường cũng phải có tư duy thị trường và chấp nhận những diễn biến của thị trường. Nhưng nguyên tắc của thị trường cũng không phải đắt thì bán, thấy rẻ thì tháo chạy. Trong trường hợp này kể cả Cục dự trữ Nhà nước hay doanh nghiệp đều phải thực hiện trên nguyên tắc hợp đồng.
Trước đó, khi doanh nghiệp tham gia và trúng thầu để bán gạo cho Cục dự trữ Nhà nước được coi là thắng lợi của doanh nghiệp thì sau đó khi thị trường thế giới diễn biến phức tạp, giá tăng lên khiến cho doanh nghiệp có nhiều cơ hội hơn để xuất khẩu.
Xét về lý, doanh nghiệp có quyền thay đổi. Đây là tính toán mang tính chất lợi ích của doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp bỏ thầu thì cũng phải theo nguyên tắc hợp đồng, tức là phải đền bù các thiệt hại đã gây ra.
- Nhưng một luồng quan điểm khác vẫn cho rằng, Nhà nước cần việc điều tiết thị trường nhất là trong bối cảnh đặc biệt như hiện nay thưa ông?
Do tác động của dịch bệnh, các nước nhập khẩu gạo ròng tăng nhập khẩu và vì thế giá gạo cũng tăng lên do nhu cầu tăng đột biến.
Việt Nam, Thái Lan và một số ít nước khác - là nước xuất khẩu gạo ròng - trong trường hợp này cần đón nhận thực tế một cách cẩn trọng và tỉnh táo, đồng thời coi đây cũng là một cơ hội.
Do đó, trong trường hợp này chúng ta cần một chính sách phù hợp theo hướng nên xem xét xuất khẩu với một lượng như thế nào để không làm đảo lộn thị trường trong nước.
Có thể bạn quan tâm
06:04, 19/04/2020
19:00, 18/04/2020
18:10, 18/04/2020
11:20, 18/04/2020
06:20, 19/04/2020
- Cuối cùng, theo ông, Việt Nam nên giải bài toán xuất khẩu gạo như thế nào để có thể vừa đảm bảo được an ninh lương thực quốc gia nhưng cũng đảm lợi ích của doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng, thưa ông?
Nếu như các nhà chính sách đặt ra mục tiêu là muốn bình ổn thị trường gạo thì theo tôi có những kịch bản chính cần tính tới:
Thứ nhất, cấm hoàn toàn xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, như vậy thì giá gạo của thế giới không lưu thông với giá gạo của Việt Nam nữa và giá trong nước sẽ xuống thấp vì lượng cung vượt quá cầu. Điều này thì lại gây ra thiệt hại cho các doanh nghiệp một cách rõ ràng và gạo sẽ dư thừa.
Thứ hai, sử dụng chế độ quota. Quan điểm của tôi đây là chính sách cũ, lạc hậu. Điều này tạo ra một loạt các vấn đề mà chúng ta đã thấy trong quá khứ 10 năm, 20 năm trước. Đó là các cơ quan hữu quan họ có cớ để hành doanh nghiệp, các doanh nghiệp phải chạy đua với nhau để “đi đêm” mới có được quota…
Ngoài ra, còn có một chính sách thứ ba nữa mà tôi có đề xuất – tức là trong bối cảnh chúng ta cần sử dụng nhiều công cụ thị trường hơn thì chúng ta nên đánh thuế xuất khẩu gạo.
Trong trường hợp này việc đánh thuế có ý nghĩa rất lớn khi tạo ra giá ở thị trường trong nước thấp hơn giá thế giới, và sự chênh lệch ấy bằng đúng với các khoản thuế xuất khẩu đánh vào. Cách đánh thuế như vậy vừa giúp làm cho giá gạo trong nước thấp hơn giá thế giới, bảo vệ người tiêu dùng trong nước nhưng đồng thời cũng giúp cho các doanh nghiệp tự tính toán được bài toán lỗ lãi.
Trên cơ sở đó doanh nghiệp sẽ tính toán xem họ nên xuất khẩu hay nên bán cho Cục dự trữ, hay là họ nên bán cho người dân ở trong nước? Cách làm này sẽ đảm bảo hài hòa lợi ích các bên, đồng thời tiền thuế thu được từ xuất khẩu lúa gạo cũng giúp tăng ngân sách Nhà nước, và nó rất minh bạch.
Thứ tư, áp dụng chính sách thả lỏng thị trường, tức là để cho thị trường trong nước và thị trường thế giới liên thông với nhau. Tuy nhiên, chính sách này lại bộc lộ nhược điểm rất lớn là khi thị trường gạo thế giới bị xáo trộn và tăng giá thì ngay lập tức thị trường trong nước cũng tăng giá theo. Trong khi đó Việt Nam là một nước xuất khẩu nhiều lúa gạo, người tiêu dùng trong nước không đáng phải chịu giá gạo giao động theo sức mua của những nước mà không có khả năng sản xuất như vậy.
Tựu chung lại, trong 4 chính sách trên, hai chính sách đầu tiên là cấm xuất khẩu và chính sách quota đều là những chính sách mang tính chất cứng nhắc. Trong khi đó chính sách thả lỏng thị trường lại là chính sách rủi ro. Quan điểm của tôi cho rằng trong thời điểm "đặc thù" như Duy chỉ còn lại chính sách đánh thuế xuất khẩu là uyển chuyển và phù hợp với bối cảnh hiện nay hơn cả.
-Trân trọng cảm ơn ông!