"Xù" hợp đồng cung cấp gạo: Đừng bội tín với Quốc gia

Lê Mỹ 19/04/2020 06:20

Chuyện doanh nghiệp chấp nhận mất bảo lãnh dự thầu, xù hợp đồng để dành gạo “chen” xuất khẩu giá cao, cảnh báo nguy cơ đánh đổi uy tín có tính… hệ thống.

Một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cho biết, trong đại dịch, rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã khẩn cấp gọi điện đề nghị mua dùm hàng, bán lại dùm hàng… Cập tập, gấp và nhiều đến nỗi ông nghe điện thoại chào muốn… cháy máy. Đó là bởi hễ khi kinh doanh trục trặc, người mua quốc tế hễ nhận thấy bối cảnh, môi trường kinh doanh căng thẳng dễ có vấn đề, họ lập tức siết hệ thống, tăng điều kiện khó hơn trong hợp tác, chọn bạn hàng. Những người bán ít uy tín thường sẽ bị ngưng mua đầu tiên, vì là những đối tượng luôn được khoanh vùng cảnh báo – “warning” – thiếu tín nhiệm, dễ mang đến rủi ro bất ngờ cho bên mua.

"Lên công" (container) xuất khẩu gạo. Ảnh: Nam Sơn

Đổi lợi trước mặt lấy hại dài lâu

Trong xuất khẩu, bên cạnh các ràng buộc pháp lý, đối với mọi doanh nghiệp thì uy tín luôn là ưu tiên, lợi thế hàng đầu để đi ra làm ăn kinh doanh trên thương trường quốc tế. Mà thực ra ở lĩnh vực nào, thị trường nào, uy tín cũng là điều kiện, lợi thế hàng đầu.

Uy tín với xuất khẩu rất đơn giản đó là đối tác nói sao làm vậy, chất lượng quảng cáo ra sao cung cấp hàng vào đúng vậy, thời hạn giao hàng ra sao thực hiện “y boong” như vậy… Nó không phải là cái gì rất lớn lao, cũng không phải là hô phong hoán vũ gì để ra giá trị. Càng không phải là chuyện ngày một ngày hai mà thành. Uy tin là sự cam kết trường kỳ trong các thỏa thuận giữa bạn hàng với nhau. Nhưng lại là thứ dễ dàng đổ vỡ trong một giây phút. Bởi “một lần bất tín, vạn lần bất tin”.

Người nói mà không làm, bất tín một lần, bạn hàng trên thương trường kinh doanh liên quan đến đồng tiền đi liền khúc ruột, bị bất tín một lần nhẹ thì thương tổn ít tiền bạc, nặng thì thậm chí đổ vỡ cơ đồ, nên vô cùng cảnh giác với người bất tín. Doanh nghiệp ví nó cũng đơn giản như tâm lý trong quan hệ xã hội giữa người với người, như chim sợ cành cong sẽ không đậu 2 lần. Hoặc có “đậu”, có bắt tay kinh doanh, thì  vẫn dè chừng, e ngại, hễ thấy “động”, là lập tức rời xa để tránh gãy đổ.

Nhiều doanh nghiệp ta ra biển lớn hiểu “luật” và cái giá uy tín trong làm ăn, nhưng đôi khi vẫn không tránh được thấy lợi trước mắt quên luôn dài hạn, xù hợp đồng kinh doanh.

Hợp đồng giao ngay vài tấn nông sản ở giá A, ký kết xong xuôi thấy giá hàng vừa ký lên cao vùn vụt, thế là phá hợp đồng. Hoặc nếu đang hợp đồng với doanh nghiệp B giá A, nhưng nếu có doanh nghiệp C trả giá cao hơn, cũng phá hợp đồng. Quyết định “xù” hợp đồng thì tích tắc. Doanh nghiệp tưởng như chỉ mất một đơn hàng nhỏ để có đơn hàng lớn hơn. Nhưng cái mất thật sự là vô cùng.

Bên mua sẽ không chỉ “cạch mặt” bên bán, còn lan truyền “thương hiệu bất tín" của bên bán đi khắp các bạn hàng, đối tác của họ. Mức độ “warning” cứ thế mà lan rộng. “Xù” một hợp đồng, có khi không chịu quy định ràng buộc, đền bù, mất ký quỹ gì, đối tác cũng ngại nề hà mất công kiện cáo nhất là kiện xuyên quốc gia... Nhưng cái mất hơn hết chính là “mất tên” trên bản đồ làm ăn cùng đối tác!

Cũng một doanh nghiệp nông sản cho biết, không chỉ doanh nghiệp ra biển lớn mà trong “ao” nhà mình, cũng sẵn sàng cắt hợp đồng bất chấp lợi hại.

Tương tự nhiều người nông dân, nông hộ sản xuất cũng sẵn sàng “xù” người mua này chọn đại lý mua khác trong “nốt nhạc” nếu có sự thay đổi về giá cả, có lợi ích “chênh”. Và cái lợi trước mắt là tai họa sẽ dồn đến một ngày, điển hình như sự dồn đống hàng hóa tồn kho – người mua hàng ngặt nghèo hơn với những “chuyên gia bất tín” - trong những ngày đại dịch ai ai cũng cần tiền, cần thanh toán gấp, cần vòng quay hàng nhanh, mà phần tiêu thụ đầu ra thì đang ứ, khó.

Vô vàn hiện tượng bất tín khác trên biển lớn trong ao nhà  còn được các doanh nghiệp chỉ ra. Giữa những người làm ăn với nhau, là hàng size A độn hàng size B, trọng lượng D lẫn lộn với trọng lượng E… diễn ra “thường ở huyện”. Ngay quả trứng, con gà ở chợ cũng có thể đổi size, chỉnh cân…thì làm ăn trên nấc thang “chợ” quy mô lớn hơn, giá trị hàng lớn hơn, người nhiều dường vẫn chưa điều chỉnh, triệt tiêu được tập tính xấu đó.

"Xù" đấu thầu gạo dự trữ: mua danh ba vạn, bán danh ba đồng

Và nay là chuyện lớn: “Xù” hợp đồng trúng đấu thầu gạo với Tổng cục Dự trữ Nhà nước.

Ở Việt Nam, gạo là mặt hàng lương thực số 1, luôn được ưu tiên bình ổn, có cơ chế điều hành, điều tiết đặc biệt. Gạo không chỉ liên quan đến an ninh lương thực hay kim ngạch quốc gia, còn liên quan đến cả đời sống của hơn nửa dân số làm nông nghiệp. Gạo cũng là thương hiệu và uy tín của Việt Nam – cường quốc quốc khẩu số 1 về số lượng.

Theo đó thì đấu thầu gạo vào Kho dự trữ quốc gia không chỉ là tham gia vào góp sức cho an ninh lương thực đất nước - ở nghĩa này là vinh dự; còn nên được xem là nhiệm vụ, lnghĩa vụ ưu tiên của doanh nghiệp. Và đằng sau doanh nghiệp là nông dân. Là sự đảm bảo sinh tồn cho doanh nghiệp, sinh kế cho nhà nông khi mất mùa, mất giá, thiên tai, dịch họa… mà Nhà nước vẫn luôn có chính sách quan tâm ưu tiên “tháo”, “thông”, “cấp”, “bù” nhịp nhàng, ổn định.

Ở nghĩa khác thì đó có vẻ là bề mặt của lý thuyết. Đằng sau bề mặt ấy, còn có những quyết sách điều hành giật cục, nhập nhằng, lúc khóa lúc thông không minh bạch cả nghĩa đen và bóng… Là dường như có cả những bóng mờ, những quyền lực nhất định phía sau chuyện kinh doanh, xuất khẩu gạo.

Có thể bạn quan tâm

  • Xuất khẩu gạo: Doanh nghiệp lần thứ tư gửi đơn cầu cứu Thủ tướng Chính phủ

    18:10, 18/04/2020

  • Cơ chế xuất khẩu gạo đang thụt lùi! (Kỳ 1): An ninh lương thực có bị “đe dọa”?

    11:20, 18/04/2020

  • Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu đề xuất của VCCI về xuất khẩu gạo

    18:45, 17/04/2020

  • Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài Chính, Công thương báo cáo vụ mở tờ khai xuất khẩu gạo lúc nửa đêm

    08:00, 16/04/2020

  • Hải quan mở tờ khai “thần tốc”, doanh nghiệp xuất khẩu gạo chưng hửng

    04:08, 15/04/2020

Quyền lực đó một phần đã hiển lộ trước mắt, đáng buồn là lại là gương mặt của một số doanh nghiệp. Là những tổ chức đã đấu thầu gạo vào Kho dự trữ quốc gia hàng tấn tấn, rồi sẵn sàng bỏ cả bảo lãnh dự thầu tiền vài trăm triệu đến tiền tý tính theo tỷ lệ trên giá tổng thầu, nhất quyết không ký hợp đồng để chạy theo giá gạo, theo cầu gạo quốc tế đang lên. Doanh nghiệp theo đó đã ngang nhiên chấp nhận mất uy tín, xù hợp đồng với đại diện của Chính phủ mình, quốc gia mình!

Nói đến thế thì có lẽ không còn gì để nói. Giá của uy tín tiền tỷ mà doanh nghiệp theo chế tài bị tịch thu xem là còn quá rẻ. Nhưng vẫn cần phải nói thêm rằng chỉ việc Nhà nước chỉ tịch thu tiền bảo lãnh dự thầu của doanh nghiệp rồi tiến hành tổ chức đấu giá lại, còn cho thấy nhiều điều hơn thế. Bởi đây không phải là trường hợp nên “giơ cao đánh khẽ”.

Việc giá chào đấu giá thầu gạo chênh lệch và quá thấp so với giá mua quốc tế phải chăng có phần lỗi của cơ quan quản lý cần kiêm cả dự báo giá đảm theo cơ chế thị trường-cung cấp, trước hết đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp, người dân và bao gồm hài hòa với lợi ích đất nước?

Đây cũng không phải là trường hợp ngân sách cần bổ sung công quỹ từ khoản tịch thu. Cái chúng ta cần bổ sung là một chế tài nghiêm khắc thật sự, để các nhà kinh doanh trước hết phải tôn trọng pháp chế, quy định, tôn trọng là “mặt mũi” của chính Quốc gia mình.  Sau nữa là tôn trọng chính mình trong uy tín làm ăn trên thương trường, trong “nhà” cũng như “ra biển”.

Vì vậy, nên chăng ngoài tịch thu bảo lãnh dự thầu, cần bổ sung những quy định như: Doanh nghiệp “xù” hợp đồng sẽ bị cấm xuất khẩu 1 năm. Doanh nghiệp nào có phương án “sửa sai” – thực hiện nghiêm chỉnh hợp đồng đã trúng thầu - thì sẽ được ưu tiên xem xét lại thời gian, hạn ngạch tham gia xuất khẩu.

Thời gian ưu tiên cụ thể ra sao, chế tài theo từng số lần vi phạm "xù" hợp đồng của doanh nghiệp lũy kế tăng ra sao, cần được nghiên cứu, tham cứu đầy đủ đảm bảo đúng Luật Doanh nghiệp, các luật định khác cũng như phải công khai, minh bạch rõ ràng.

Chế tài trong trường hợp này cần nghiêm, và đặt ra không phải là để làm khó cho doanh nghiệp. Cũng không phải là “cây gậy” để vung dọa ai. Chế tài là khung, doanh nghiệp một khi đã quen “khung”, đúng “luật”, biết tôn trọng uy tín của đối tác, bạn hàng ở mọi cấp, thì đó sẽ là những đơn vị biết lượng định vị ngọt, giá trị của "cà rốt" - giá trị của uy tín, thương hiệu trong môi trường kinh doanh quốc gia cũng như trong mắt bạn hàng.

Suy cho cùng ở bất kỳ nơi đâu, trong mối quan hệ nào, có giữ chữ Tín mới có "Uy", mới có sự  ổn định, bền vững. Cũng chỉ có uy tín, mới có thể bàn xa hơn về giá trị, vị thế thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Xù" hợp đồng cung cấp gạo: Đừng bội tín với Quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO