COVID-19 và cơ hội thay đối triết lý giáo dục
“Làm sao một người vừa mù, câm, và điếc có thể phân biệt được tiếng ồn và tiếng nhạc?”
Đại dịch COVID-19 trong vài tháng qua từng bước bộc lộ hết khuyết điểm của tất cả hệ thống giáo dục trên thế giới từ một quốc gia kém phát triển đến một nước tiên tiến như Mỹ.
Chính sách cách ly xã hội để phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh không cho phép đào tạo tập trung. Tất cả các trường ở mọi cấp từ tiểu học đến đại học phải chuyển qua đào tạo trực tuyến.
Điều này dẫn đến rất nhiều khó khăn trong việc duy trì đào tạo cho các trường học. Nếu trường không có hạ tầng cơ sở thông tin thì phải lệ thuộc vào những hệ thống từ các doanh nghiệp như Google, Skype, Zoom, MS Team để có thể dạy trực tuyến hoặc cho nghỉ hoàn toàn chờ đến khi qua dịch.
Các chuyên gia dịch bệnh cho biết, Coronavirus có thể sẽ hiện diện đến cuối năm và vaccine có thể phải cũng phải chờ đến cuối năm hoặc đầu năm sau mới có trong khi thuốc chữa trị thì hiệu quả chưa cao.
Có khả năng con người phải sống với dịch bệnh đến khi có đủ sức đề kháng cộng đồng. Điều này đưa đến nhiều thách thức rất lớn nếu việc đào tạo tập trung bị giới hạn trong thời gian dài.
Dùng những phần mềm như nêu trên giáo viên/giảng viên (GV) có thể giảng bài ở nhà và học viên có thể ở nhà mình kết nối qua mạng vào hệ thống để nghe giảng và thấy slides do GV chia sẻ.
Ngoài việc GV chưa quen với công nghệ sẽ cảm thấy đào tạo trực tuyến có nhiều giới hạn. Tương tác qua các hệ thống trực tuyến đa phần là một chiều từ GV đến học viên với hạn chế tương tác không lời và hầu như thiếu vắng tương tác giữa các học viên.
Thêm vào đó độ tập trung cũng như động lực học tập của học viên kém hơn nhiều so với đào tạo tập trung đưa đến chất lượng giáo dục trực tuyến không đảm bảo. Nhưng đây không phải là thử thách lớn nhất của giáo dục trong thời đại dịch. Thử thách lớn nhất của giáo dục trực tuyến là làm sao đánh giá năng lực học tập một cách chính xác và công bằng?
Thi tập trung trong lớp có giám thị mà còn xảy ra gian lận thì không có gì đảm bảo học viên không tra cứu thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để trả lời câu hỏi của bài thi khi làm trực tuyến.
Công nghệ hiện tại như ProctorU cho phép giám thị qua mạng khi học viên đang làm bài thi. Yêu cầu về kỹ thuật như đường truyền, webcam giới hạn sử dụng công nghệ này.
Tuy nhiên vấn đề không nằm ở giới hạn kỹ thuật, ProctorU yêu cầu khả năng kết nối với camera máy tính của học viên để quan sát học viên. Như thế sẽ xâm phạm quyền riêng tư và nguy cơ cho bảo mật thông tin cá nhân cao.
Do đó cho dù có khả năng chi trả phí dịch vụ khá đắt nhiều trường cũng không dùng. Thêm vào đó cũng có những công nghệ tutoring online như Chegg trở thành công cụ cho gian lận.
Học viên chỉ cần copy câu hỏi đăng nhập vào hệ thống có phí thì sẽ có người tutor ở đâu đó trả lời câu hỏi. Kỳ thi vừa rồi ở khoa tôi khám phá ra lượng gian lận theo cách này ở mức độ không chấp nhận được.
GV khám phá ra khá nhiều học viên trả lời câu hỏi dùng đáp án chưa được dạy hoặc câu hỏi với số liệu ngẫu nhiên của bài thi có trong danh sách của Chegg! Do đó không thể nào ngăn chận việc học viên trả tiền để người khác làm bài thi trực tuyến cho mình.
Đây là giới hạn của công nghệ đối với phương pháp đánh giá năng lực học hiện nay. Vậy làm sao để đảm bảo sự công bằng trong đánh giá cho những học viên trung thực? Thách thức lớn nhất của giáo dục trực tuyến đó là sự trung thực trong học thuật!
Thử thách này cho thấy phương pháp đánh giá năng lực học tập hiện nay ở nhiều nơi trên thế giới kể cả ở Mỹ khi tập trung vào kiểm tra kiến thức tồn đọng ở học viên cuối khóa học hoàn toàn không còn phù hợp. Giáo dục Việt Nam lâu nay vẫn còn tập trung vào đánh giá năng lực học tập theo cách này.
Nhờ vào chính sách tự do học thuật ở các trường đại học Mỹ, tôi có khả năng đưa triết lý giáo dục của riêng mình vào các lớp trình độ cao học và năm 3 và 4 đại học mà tôi dạy đã hơn 25 năm qua.
Tất cả các bài kiểm tra trong lớp tôi cho sinh viên tra khảo tài liệu thoải mái. Tôi nói với sinh viên đầu khóa học: Trên thực tế các em khi có việc làm sẽ phải giải quyết các vấn đề với tất cả các công cụ có trong tay.
Do đó khả năng phân tích vấn đề, truy cập thông tin, tích hợp kiến thức để đưa ra giải pháp mới là quan trọng. Tôi không yêu cầu các em phải nhớ thuộc lòng điều gì. Hiểu, biết giới hạn và cách áp dụng kiến thức mới là điều quan trọng.
Đây chính là triết lý giáo dục của nền giáo dục 4.0 mà tôi đã từng đề cập trong thời gian qua trên nhiều kênh thông tin.
Với triết lý này kỳ thi cuối kỳ trực tuyến tuần qua các em trong lớp Hóa lượng tử của tôi có điểm tương đồng với điểm thi giữa kỳ trong lớp trước khi bị cách ly xã hội.
Điều này minh chứng khả năng gian lận trong bài thi trực tuyến khá nhỏ. Đương nhiên câu hỏi với triết lý giáo dục này khác nhiều so với những câu hỏi kiểm tra kiến thức.
Thí dụ một câu hỏi mà tôi hỏi nhóm sinh viên tinh hoa ở ĐH Hoa Sen cách đây không lâu (tuy tôi không còn làm việc cho ĐH Hoa Sen): “Làm sao một người vừa mù, câm, và điếc có thể phân biệt được tiếng ồn và tiếng nhạc?” Và tôi nói để trả lời câu hỏi này các em có thể mất vài năm!
Do đó đi tìm giải pháp công nghệ hay cơ chế cho những thách thức cho giáo dục trực tuyến trong thời đại dịch với chính sách cách ly/giãn xã hội trong đó tính trung thực của học viên là giới hạn là điều bất khả thi.
Nếu có thì cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Nên chăng đến lúc chúng ta cần phải thay đổi triết lý giáo dục? Đây có thể là một cơ hội lớn nhất mà đại dịch COVID-19 đem lại cho giáo dục và phát triển con người.
Có thể bạn quan tâm