ASEAN đã sẵn sàng “đứng lên” trước Trung Quốc ở Biển Đông?

NGUYỄN CHUẨN 25/07/2020 07:20

Khi Trung Quốc đang thực hiện chiến lược “cắt lát xúc xích” ở Biển Đông, ASEAN liệu có đứng lên tìm kiếm sự tôn trọng luật pháp quốc tế?

Trong khi đại dịch COVID-19 thống trị trên các phương tiện truyền thông quốc tế, Bắc Kinh lại đang âm thầm thực hiện nhiều bước đi chiến lược ở Biển Đông.

Các sự cố gần đây bao gồm vụ đâm chìm tàu cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp và phái tàu khảo sát địa chất Haiyang Dizhi 8 vào vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đã thực hiện các bước đi để thể chế hóa quyền kiểm soát các vùng biển tranh chấp, tuyên bố vào tháng Tư thành lập hai khu hành chính thuộc thẩm quyền của thành phố Sansha.

Hình ảnh các công trình Trung Quốc xây dựng trái phép ở Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam

Hình ảnh các công trình Trung Quốc xây dựng trái phép ở Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam

Một số chuyên gia tin rằng, Bắc Kinh đang lợi dụng đại dịch để tăng sự hiện diện ở vùng biển tranh chấp. Tuy nhiên, những hành động như vậy của Trung Quốc không phải là mới. Những hoạt động gần đây chỉ là một phần trong kế hoạch dài hơi của Trung Quốc nhằm thiết lập sự kiểm soát trên thực tế ở Biển Đông.

Lee YingHui, chuyên gia nghiên cứu của chương trình An ninh hàng hải tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam (RSIS), Singapore cho rằng, Bắc Kinh từ lâu đã áp dụng cách tiếp cận Biển Đông theo hai hướng. 

Một mặt, liên tục tăng cường sự hiện diện và khả năng quân sự của mình bằng cách xây dựng các đảo nhân tạo và triển khai các tàu thực thi pháp luật để khẳng định các quyền và yêu sách hàng hải trong vùng biển tranh chấp. Mặt khác, họ đã cố gắng tìm cách thể hiện mình là một “đối tác hợp tác” cho các bên yêu sách Đông Nam Á.

Có thể thấy, ba năm sau phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực(PCA) năm 2016, Trung Quốc dường như “ra vẻ” có lập trường hòa giải hơn ở Biển Đông. Bắc Kinh đồng ý đàm phán cho Bộ quy tắc ứng xử (COC). Ngoại trưởng Trung Quốc Wang Yi thậm chí còn bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán COC sẽ được hoàn thành vào năm 2021. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng đây là một phần trong “nỗ lực” che giấu dã tâm và cải thiện hình ảnh trong khu vực sau phán quyết năm 2016.

Một rạn san hô ở Trường Sa. Ảnh: AFP

Một rạn san hô ở Trường Sa. Ảnh: AFP

Trung Quốc là vậy! Họ đã cực kỳ khéo léo trong việc sử dụng các “miếng mồi kinh tế” để làm im lặng các nước Đông Nam Á ở Biển Đông. Đơn cử như trường hợp của Philipines, Tổng thống Rodrigo Duterte đã nhiều lần bày tỏ sẵn sàng gạt bỏ phán quyết của tòa trọng tài năm 2016 để đổi lấy đầu tư và hợp tác của Trung Quốc vào các dự án cơ sở hạ tầng.

Có một câu châm ngôn của Ryunosuke Satoro, nhà văn nổi tiếng Nhật Bản: “Riêng rẽ, mỗi chúng ta chỉ là một giọt nước. Cùng nhau, chúng ta là đại dương”. Và điều đáng tiếc là hiện tại chỉ có bốn trong số mười quốc gia thành viên ASEAN là những nước “có yêu sách” với Trung Quốc trên Biển Đông, điều này vô tình đang cản trở rất nhiều khả năng của tổ chức khu vực trong việc hình thành một phản ứng thống nhất đối với Trung Quốc. 

Ngoài ra, ASEAN đang bị cản trở hơn nữa bởi những khác biệt cơ bản về lợi ích của các quốc gia thành viên. Và với việc Trung Quốc ngày càng “hung hăng và bành trướng” ở Biển Đông, nếu các quốc gia thuộc khối ASEAN không cùng nhau hành động, viễn cảnh tồi tệ nhất có thể sẽ đến khi Trung Quốc thiết lập được quyền kiểm soát trên thực tế đối với vùng biển tranh chấp.

Mặc dù thời điểm gần đây, các nước Đông Nam Á đang hướng tới sự sẵn sàng công khai kêu gọi sự xâm lược và coi thường của Trung Quốc đối với luật pháp quốc tế ở Biển Đông. 

Vào tháng 12 năm 2019, Malaysia đã đệ trình lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (Commission on the Limits of the Continental Shelf – CLCS) của Liên hợp quốc về thềm lục địa của mình ở phía bắc Biển Đông. Tiếp đó vào tháng 5 năm 2020, Indonesia cũng đã đệ trình một bản ghi chú lên Liên Hợp Quốc để đáp lại một loạt các ghi chú do Trung Quốc đệ trình lên Ủy ban.

Theo các chuyên gia phân tích, những hành động gần đây của Trung Quốc có lẽ đã đánh thức các nước Đông Nam Á về thực tế chiến lược “cắt lát xúc xích” của Bắc Kinh nhằm thiết lập dần dần, có hệ thống sự hiện diện và hợp pháp hóa các yêu sách của họ ở Biển Đông. Sự gây hấn gần đây của Trung Quốc trái ngược hoàn toàn với miêu tả của Bắc Kinh là một quốc gia sẵn sàng hợp tác và thỏa hiệp ở Biển Đông.

Trên thực tế, chưa bao giờ Trung Quốc muốn một ASEAN thống nhất và đoàn kết. Trong khi đó, những thách thức trong việc xây dựng một phản ứng thống nhất của ASEAN đối với Biển Đông vẫn còn nhiều thứ cần bàn. Một số quốc gia vẫn chưa nhận ra sự “coi thường trắng trợn” của Bắc Kinh đối với luật pháp quốc tế ở Biển Đông có thể sẽ là mối đe dọa đối với an ninh khu vực và lợi ích của tất cả các quốc gia nhỏ.

Mặc dù gần đây, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 36 được tổ chức vào tháng 6, tuyên bố Chủ tịch của Việt Nam có đề cập rõ ràng về Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật biển (UNCLOS) là cơ sở giải quyết tranh chấp. Thêm vào đó những nhận xét tương tự đã được đưa vào các tuyên bố của Chủ tịch trước đây, nhấn mạnh hơn vào tầm quan trọng của luật pháp quốc tế và đặc biệt là về UNCLOS.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, lập trường ASEAN đã “mạnh mẽ hơn” trong thời điểm hiện nay có thể do sự quản lý của Việt Nam trong vai trò là chủ tịch ASEAN. 

Tuy nhiên, về lâu dài, ASEAN cần liên lạc tốt hơn với Trung Quốc về tầm quan trọng của việc duy trì trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông. ASEAN "không thể cho phép" Trung Quốc thực hành chủ nghĩa bá quyền ở Biển Đông. Đó là lợi ích của tất cả các quốc gia trong khu vực để đảm bảo rằng các quy tắc và chuẩn mực hàng hải được tôn trọng và duy trì bởi tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ.

Có thể bạn quan tâm

  • Mỹ bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông: Không chỉ là tuyên bố suông!

    Mỹ bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông: Không chỉ là tuyên bố suông!

    03:00, 23/07/2020

  • Vấn đề Biển Đông: Việt Nam ủng hộ lẽ phải, luật pháp quốc tế!

    Vấn đề Biển Đông: Việt Nam ủng hộ lẽ phải, luật pháp quốc tế!

    03:00, 22/07/2020

  • Lịch sử 2000 năm của Trung Quốc trên Biển Đông: Không bao giờ có!

    Lịch sử 2000 năm của Trung Quốc trên Biển Đông: Không bao giờ có!

    03:00, 21/07/2020

  • CHÍNH TRỊ-XÃ HỘI TUẦN TỪ 13-18/7: Mỹ bác yêu sách

    CHÍNH TRỊ-XÃ HỘI TUẦN TỪ 13-18/7: Mỹ bác yêu sách "đường chín đoạn" của Trung Quốc ở Biển Đông

    06:00, 18/07/2020

NGUYỄN CHUẨN