Vấn đề Trung Quốc “chiếm sóng” cuộc tranh luận Tổng thống nước Mỹ
Trong cuộc tranh luận Tổng thống đầu tiên, một trong số ít những điều Donald Trump và Joe Biden nhất trí là Trung Quốc. Và cả hai dùng chính vũ khí này để công kích đối thủ.
Nóng bỏng vấn đề Trung Quốc
Có thể nói, sự kiện vận động tranh cử Tổng thống giữa hai ứng cử viên, bằng cách này hay cách khác đã chứng kiến hơn một chục lần đề cập đến Trung Quốc của cả hai ứng cử viên. Điều này đang cho thấy Trung Quốc đang là “điểm nóng” mà cả hai đang dùng để áp chế lẫn nhau.
Sự đồng thuận hiếm hoi giữa hai “kẻ đối đầu” không khoan nhượng có thể cho thấy, một sự căng thẳng “chống Trung Quốc” đang gia tăng ở Washington và dù Bắc Kinh không muốn trở thành chủ đề của cuộc tranh luận trên, người ta vẫn đang nhìn thấy bóng dáng của nước này trong cả những câu lời mỉa mai lẫn nhau giữa hai ứng cử viên.
Donald Trump đã phải đối mặt với các cuộc tấn công liên tục về chính sách Trung Quốc từ Joe Biden, khi hai người đối đầu vào đêm thứ Ba trong “trận chiến đầu tiên” của cuộc tranh luận tổng thống.
Cả hai đều chỉ trích nhau là “quá mềm mỏng” với Bắc Kinh!
Donald Trump cáo buộc Biden đã bị Trung Quốc lừa bịp trong thời gian ông làm phó cho Obama còn Biden “đánh lại” Trump vì câu “sảy miệng” của ông này khi nói rằng, Bắc Kinh và Tập Cận Bình đã làm một "công việc tuyệt vời" vào đầu đại dịch COVID-19.
Trên thực tế, khi cụm từ “Trung Quốc” xuất hiện, Biden đã chớp lấy cơ hội để chỉ trích Trump, ông cáo buộc Trump là “xu nịnh” trước Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và theo đuổi một “thỏa thuận thương mại thất bại” với Bắc Kinh.
“Anh ta nói về nghệ thuật thỏa thuận, nhưng hiện tại, chúng ta đang có thâm hụt với Trung Quốc cao hơn so với trước đây”, Biden cười khảy.
Biden rõ ràng có lý, thời điểm này, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, thứ mà Trump luôn coi là một chỉ số cho thấy sự yếu kém của nền kinh tế, đang ở mức cao nhất trong vòng 12 năm qua. Và tính đến tháng 7, thâm hụt hàng hóa với Trung Quốc là lớn hơn bốn năm trước khi Trump đắc cử.
Mặc dù gần đây, Trung Quốc đã tăng tốc mua hàng hóa của Mỹ theo một thỏa thuận thương mại được ký kết vào tháng Giêng, nhưng vẫn kém xa so với các mục tiêu dự kiến đặt ra trong thỏa thuận.
Ngược lại, Trump cáo buộc Biden đã cho phép Trung Quốc lợi dụng Mỹ, đưa lại câu chuyện về việc cựu phó tổng thống được các quan chức ở Bắc Kinh nể nang vì những dự án kinh doanh trước đây của con trai ông ở nước này.
"Trung Quốc đã ăn bữa trưa của bạn, Joe", một Donald Trump hiếu chiến ám chỉ nhiệm kỳ tám năm của Biden với tư cách phó tổng thống và có nhiều sự thân thiết qua lại với Bắc Kinh trong thời kỳ này.
Trong khi Biden cáo buộc Trump là "sợ hãi" và "bài ngoại cuồng loạn" trong việc xử lý đại dịch. Donald Trump thì chế giễu các bình luận của Biden về số người chết do COVID-19 của Hoa Kỳ gia tăng với việc đặt câu hỏi về trình độ đại học của người thách thức ông.
Cả hai đều tìm cách làm nổi bật các lập trường tương ứng của họ đối với Bắc Kinh và nêu rõ các đặc điểm khác biệt trong nền tảng của họ. Mặc dù Trung Quốc không được xếp hạng cao trong phạm vi các mối quan tâm mà cử tri nắm giữ. Tuy nhiên, thời lượng của vấn đề Trung Quốc và đại dịch COVID-19 gần như đã thành tâm điểm trong cuộc chỉ trích qua lại giữa hai “võ sỹ”.
Rõ ràng câu chuyện về Trung Quốc là một bộ phim dài tập mà trong đó nhân vật phản diện vẫn còn rất nhiều sức mạnh!
Kể cả khi Biden nói về người con trai quá cố của mình, Beau, một cựu quân nhân Mỹ, Trump lại sẵn sàng tiếp tục xoay quanh người con trai khác của Biden, Hunter, người có rất nhiều các giao dịch kinh doanh ở Trung Quốc và thường xuyên là mục tiêu của các cuộc tấn công của tổng thống đối với Biden.
Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc “hả hê”!
Đã từ lâu, Bắc Kinh liên tục chỉ trích chế độ “dân chủ kiểu Mỹ” như một kiểu đại diện cho cái mà họ gọi là “dân chủ quá trớn” ở các nước phương tây. Bắc Kinh thường bới móc những sai sót (rất thực tế) trong hệ thống của Mỹ để làm nổi bật sự lãnh đạo tài tình của chính quyền nước này. Một bằng chứng hiển nhiên khi nhìn vào tính thống nhất, sự ổn định và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc gần đây.
Trong nhiều thập kỷ đã qua, nước Mỹ thường tích cực quảng bá mô hình dân chủ của mình trên khắp thế giới, có thể là thông qua sức mạnh mềm, thông qua các sáng kiến do dân sự lãnh đạo hoặc bằng sức mạnh quân sự thô.
Một phần của sự biện minh cho bá quyền rõ ràng của Mỹ là dựa trên ý tưởng về nền dân chủ Mỹ và rằng nước Mỹ là một siêu cường không giống như các đế quốc Anh hoặc Liên Xô vì có một nền dân chủ với các cuộc bầu cử tự do và công bằng.
Tuy nhiên, trong cuộc tranh luận giữa Trump và Biden, người chứng kiến lại càng thấy xói mòn thêm niềm tin vào “nền dân chủ kiểu Mỹ”.
Trong một loạt các nỗ lực kéo dài vào cuối cuộc tranh luận, Trump đã tấn công việc bỏ phiếu bằng thư và kêu gọi những người ủng hộ ông "đi vào phòng phiếu và theo dõi rất cẩn thận". Những gì ông ám chỉ có thể là một “sự gian dối” để đánh cắp cuộc bầu cử nước Mỹ. Điều chưa từng xảy ra trong các cuộc bầu cử nước này.
"Đây sẽ là một vụ lừa đảo như bạn chưa từng thấy", Trump nói . "Đây là một điều khủng khiếp đối với đất nước của chúng tôi".
Mặc dù Trump đã đưa ra những tuyên bố tương tự trong chiến dịch tranh cử, nhưng vẫn hơi ngạc nhiên khi thấy một Tổng thống Mỹ đang tại vị lại đưa ra những ý kiến chống lại chính hệ thống bầu cử, ngụ ý rằng nó đã bị phá vỡ hoặc dễ dàng bị thao túng, và thiết lập một cuộc chiến xấu xí tiềm tàng về kết quả cuối cùng .
Còn nhớ vào năm 2016, sau cuộc tranh luận giữa Trump và ứng cử viên Đảng Dân chủ khi đó là Hillary Clinton, People's Daily, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã trầm ngâm cho rằng, "bất kể ai thắng, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cho thấy một nền dân chủ 'xấu xí'".
Và thời điểm này, truyền thông Trung Quốc hả hê khi đưa tin về nền dân chủ xấu xí của nước Mỹ. Tờ China Daily nói rằng: "cuộc tranh luận dường như bộc lộ sự hỗn loạn của nền dân chủ nước Mỹ”.
Phản ứng về cuộc tranh luận, Hu Xijin, biên tập viên của tờ Global Times – Thời báo Hoàn cầu viết rằng "sự hỗn loạn trên đỉnh chính trường nước Mỹ đã phản ánh sự chia rẽ, lo lắng của xã hội nước này và họ đang đánh mất lợi thế của hệ thống chính trị dân chủ".
Có thể bạn quan tâm
Bầu cử Mỹ: Trump, Biden và hai thái cực của nước Mỹ
06:00, 28/09/2020
[Trực Tiếp] Tranh luận bầu cử Tổng thống Mỹ - Donald Trump và Joe Biden
09:13, 30/09/2020
Tranh luận trực tiếp: Trump, Biden bất phân thắng bại
09:57, 30/09/2020
Tranh luận trực tiếp: Trump và Biden “vạch” nhau chí tử
08:59, 30/09/2020