Bầu cử ở Mỹ, không chỉ chuyển giao quyền lực mà còn cho thấy một bản chất không bao giờ thay đổi, đó là thỏa hiệp ngắn hạn giữa các đảng phái chính trị.
Chỉ hơn 1 tháng nữa, bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra, trận chung kết đã thực sự bắt đầu giữa đương kim Tổng thống Trump, người chỉ có vỏn vẹn 4 năm kinh nghiệm chính trường và J.Biden, tuy là chính trị gia giàu kinh nghiệm nhưng không nhiều thành tựu.
Ai sẽ chiến thắng? Dĩ nhiên rồi, đây là câu hỏi được cả thế giới quan tâm. Ngay lúc này, cử tri Mỹ bắt đầu chọn lựa giữa một người đặt “nước Mỹ trên hết” và một người mang nước Mỹ đến với thế giới.
Sở dĩ nói vậy là bởi, ứng viên đảng Dân chủ J. Biden sẽ đảo ngược hoàn toàn đường lối của Trump trong giải quyết cuộc khủng hoảng COVID-19, ông này muốn Mỹ chung sống hài hòa với Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Biden cũng kỳ vọng nước Mỹ có thể lãnh đạo một liên minh toàn cầu để tìm ra vaccine điều trị COVID-19. “Cần có sự điều phối nỗ lực toàn cầu chống COVID-19, và nước Mỹ nên dẫn đầu những nỗ lực này như chúng ta từng làm trong quá khứ”, ông nói.
Mấy dấu hiệu này cho thấy, Biden là một người thiên về các chính sách xã hội. Nếu trở thành Tổng thống, ngân sách quốc phòng sẽ bị cắt bớt để dùng cho y tế, chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội.
Năm 2019, Trump đã ký ban hành đạo luật mới chi 738 tỷ USD cho quốc phòng, đồng thời thúc giục đồng minh tăng ngân sách cho lĩnh vực này để chống lại Trung Quốc.
Có thể nói, nước Mỹ dưới thời D. Trump đã phô trương sức mạnh một cách quyết liệt, bằng tất cả các biện pháp như xung đột kinh tế, tấn công vũ trang, ngoại giao chính trị. Các diễn biến với Trung Quốc, Trung Đông và Triều Tiên cho thấy điều này.
Thực sự rất khó để đánh giá nhiệm kỳ đầu tiên của Trump là thất bại hay thành công, bởi vì hai trạng thái này đan xen lẫn lộn. Thành công, có chăng là sự chững lại của Trung Quốc? Có phải sự tan rã trên phạm vi toàn cầu phần lớn do Mỹ đảo chiều?
Thủ tướng Đức Angela Markel hồi năm 2018 từng tuyên bố nước Đức không tiếp tục trông cậy vào Mỹ trong việc duy trì trật tự thế giới. “Chúng ta không thể dựa vào siêu quyền lực của nước Mỹ”.
Với Trump, chính sách đồng minh của Washington cũng khác so với trước đây, hai trường hợp điển hình là Israel “dựa hơi” Mỹ để o ép Pelestine và Saudi Arabia để xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến quyền con người. Cố nhiên, đa số bày tỏ quan ngại sâu sắc khi Mỹ ủng hộ hai nước này.
Phải nhắc tới vấn đề này, vì sức mạnh của Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào quan hệ đồng minh/ đối tác trên toàn cầu. Biden chắc chắn không tiếp tục con đường của Trump nếu như trúng cử.
Biden là một người theo chủ nghĩa ôn hòa - thậm chí nhân tướng học cũng cho thấy điều này. Với Trung Quốc, cựu Tổng thống Mỹ sẽ chọn cách tiếp cận gián tiếp, thông qua hệ thống đồng minh chặt chẽ để kiềm tỏa.
“Cách hiệu quả nhất để đối mặt với những thách thức từ Bắc Kinh là xây dựng một mặt trận bạn bè và đối tác đoàn kết để đối đầu với những hành vi gây hấn từ Trung Quốc”, ông nói.
Như vậy, về đối ngoại, Trump và Biden chỉ có một điểm chung duy nhất là tiếp tục xem Trung Quốc là mối nguy toàn cầu. Nhưng khác ở chỗ, nếu đương kim Tổng thống ưa thích đánh “vỗ mặt” thì Biden chọn vây hãm chặt.
Nói như vậy không có nghĩa, Biden sẽ làm cho nước Mỹ trở nên “thánh thiện”, trên hết đó là sách lược ngắn hạn dùng cho tranh cử. Hiện tượng các Tổng thống Mỹ “quên mất” lời hứa khi vận động tranh cử là điều…bình thường.
Và, nếu như người Mỹ “thích” bỏ qua luật pháp quốc tế, phớt lờ tiếng nói đa phương cũng xảy ra thường xuyên, vấn đề chỉ là khi nào họ cần làm như thế để đạt được mục đích mà thôi.
Bầu cử Mỹ, không chỉ cho thấy hiện tượng chuyển giao quyền lực mà còn cho thấy một bản chất không bao giờ thay đổi, đó là chọn ra một người tiếp tục làm cho nước Mỹ nắm quyền lực số 1 toàn cầu trên sự thỏa hiệp ngắn hạn của các đảng phái chính trị, các thế lực tài phiệt sau cánh gà.
Có thể bạn quan tâm